Malaysia đã trở thành quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp theo công bố ý định gia nhập BRICS, sau Lào, Myanmar và Thái Lan vào cuối tháng 5 năm nay. (Nguồn: BRICS TV) |
Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Thẩm Thế Thuận nhận định như vậy trên trang Thời báo Hoàn Cầu.
Theo đó, Malaysia đã trở thành quốc gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp theo công bố ý định gia nhập BRICS - sau Lào, Myanmar và Thái Lan vào cuối tháng 5 năm nay.
Mới nhất, ngày 9/7, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chính phủ nước này đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá về cơ hội và thách thức khi trở thành thành viên của nhóm BRICS.
Là quốc gia thương mại với nền kinh tế mở, Malaysia cần đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, tránh bị ràng buộc bởi một hoặc một số ít cường quốc kinh tế.
Thủ tướng Malaysia khẳng định: "Việc gia nhập nhóm BRICS sẽ giúp Malaysia mở rộng và tăng cường mạng lưới hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Malaysia sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển mới, đặc biệt là tham gia định hình tiếng nói của các quốc gia đang phát triển phương Nam".
Về lộ trình gia nhập, ông Anwar thừa nhận sẽ cần thời gian để Malaysia có thể chính thức trở thành thành viên của nhóm BRICS.
3 lý do
Trong khi đó, ASEAN là liên minh khu vực gồm các nước có ảnh hưởng mạnh mẽ, tập trung tăng cường hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội; còn BRICS là cơ chế hợp tác toàn cầu bao gồm kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục...
Cả hai có trọng tâm khác nhau, nhưng ở nhiều cấp độ lại có thể bổ sung cho nhau và cùng có lợi. Khi tầm ảnh hưởng toàn cầu của hai tổ chức lớn ngày càng tăng, hai bên trong những năm gần đây đã chứng tỏ tiềm năng và xu hướng hợp tác ở nhiều cấp độ.
Theo tác giả Thẩm Thế Thuận, có 3 lý do chính khiến một số nước ASEAN ngày càng sẵn sàng tham gia BRICS.
Thứ nhất, nhóm đã mang lại lợi ích rõ rệt cho một số nước thành viên với mô hình phát triển độc đáo và tầm ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng. Từ góc độ kinh tế, cơ chế BRICS cung cấp một nền tảng hai bên cùng có lợi.
Hiện tại, BRICS có 10 thành viên, phân bố ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông. Tổng dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương hơn 40% dân số thế giới; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm 36% GDP toàn cầu và 25% khối lượng thương mại thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 36% GDP toàn cầu xét theo phương pháp ngang giá sức mua. Ước tính năm 2023, GDP của Trung Quốc đạt hơn 17,7 nghìn tỷ USD, của Ấn Độ là hơn 3,7 nghìn tỷ USD, Brazil là hơn 2,1 nghìn tỷ USD, Nga là gần 1,9 nghìn tỷ USD và Nam Phi là 381 tỷ USD. Tổng GDP cả thế giới khoảng hơn 100 nghìn tỷ USD. |
Ngoài ra, các quốc gia thành viên cùng nhau thúc đẩy hợp tác khu vực thông qua các cơ chế hợp tác như Ngân hàng Phát triển mới BRICS và đã hình thành động lực phát triển tốt.
Thứ hai, mong muốn gia nhập BRICS của một số nước ASEAN phản ánh cái nhìn của họ về tình hình quốc tế hiện nay khi có thể bảo vệ hiệu quả lợi ích phát triển của mình trong khi thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh chóng và thiết lập quan hệ đối tác hợp tác ổn định trong môi trường kinh tế và chính trị quốc tế đang thay đổi.
Thứ ba, hợp tác với các nước BRICS có thể nâng cao ảnh hưởng quốc tế và là hình mẫu trong “hợp tác Nam-Nam”. Hầu hết các nước ASEAN đều là các nước đang phát triển, mong muốn tạo ra một môi trường bên ngoài tốt đẹp và có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế.
Thách thức hiện hữu
Điều đáng lưu ý là các nước ASEAN phải đối mặt với một số thách thức khi gia nhập BRICS, như giải quyết mối quan hệ giữa các nước mới gia nhập và các thành viên cơ chế BRICS hiện tại hay làm thế nào để hội nhập hiệu quả vào cơ chế hợp tác BRICS mà vẫn giữ được bản sắc riêng...
Không chỉ thế, trước tình hình chính trị quốc tế khó lường, các nước ASEAN sẽ cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố trong quá trình gia nhập cơ chế BRICS để bảo đảm lợi ích của mình không bị tổn hại.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây tuyên bố trong chuyến thăm Belarus rằng, nhóm đã quyết định tạm thời ngừng kết nạp thành viên và tập trung vào việc hội nhập của các quốc gia thành viên mới.
Dù vậy, tác giả Thẩm Thế Thuận khẳng định, việc các nước ASEAN tiến gần hơn tới BRICS vẫn là lựa chọn phù hợp với xu hướng của thời đại. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển của chính họ mà còn giúp cơ chế BRICS tăng cường ảnh hưởng trên diễn đàn toàn cầu, sự hấp dẫn lẫn nhau giữa hai bên là điều đương nhiên.