📞

Các nước nhiệt đới "bị đe dọa" nhiều nhất từ môi trường

09:25 | 30/06/2017
Đa số các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đều nằm ở các nước nhiệt đới và sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những mối đe dọa từ môi trường. Đó là thông điệp được Liên hợp quốc (LHQ) phát ra nhân Ngày Quốc tế các nước Nhiệt đới.

Thông điệp được đăng tải trên trang tin điện tử chính thức của Liên hợp quốc nhân Ngày Quốc tế các nước Nhiệt đới cho thấy "vùng nhiệt đới đang đánh mất sự đa dạng sinh học trên diện rộng hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới", trong khi khu vực này là địa bàn của khoảng 80% đa dạng sinh học của thế giới.

Các nước nhiệt đới cũng là khu vực phong phú về ngôn ngữ và văn hóa. Liên hợp quốc dự đoán, tới năm 2050, khu vực này sẽ chiếm phần lớn dân số của thế giới và khoảng 2/3 số trẻ em trên toàn cầu.

Vùng nhiệt đới đang đánh mất sự đa dạng sinh học trên diện rộng hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới (Nguồn: phys)

Ngày Quốc tế các nước Nhiệt đới là dịp để "kỷ niệm sự đa dạng đặc biệt của các nước nhiệt đới, đồng thời nhấn mạnh những thách thức cũng như cơ hội chưa từng có mà các quốc gia nhiệt đới đang phải đối mặt". Đơn cử như, gần 95% diện tích rừng ngập mặn của thế giới nằm ở các quốc gia nhiệt đới. Rừng ngập mặn là một trong những lá chắn bảo vệ con người trước thiên tai như bão, ngập lụt...

Tuy nhiên, theo Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO), rừng ngập mặn đang biến mất với tốc độ nhanh hơn gấp 3-5 lần so với mức độ biến mất của toàn bộ rừng trên toàn cầu, gây ra những tác động nghiêm trọng về hệ sinh thái và kinh tế xã hội.

Trọng tâm của Ngày Quốc tế các nước Nhiệt đới năm nay là tạo "cơ hội để các nước nhiệt đới chia sẻ những kinh nghiệm về việc gìn giữ sự đa dạng sinh học và công nhận tiềm năng của khu vực này". Hàng nghìn người đã đăng tải lên trang mạng Twitter những tấm ảnh và những câu chuyện về chủ đề này.

Một trong những đặc điểm chính của khu vực nhiệt đới là mưa nhiều - vốn đang bị ảnh hưởng nhiều bởi sự biến đối khí hậu. Theo Liên hợp quốc, khu vực này sở hữu hơn một nửa nguồn nước tái sinh của thế giới (khoảng 54%), nhưng gần một nửa dân số ở đây bị đánh giá là đang phải sống trong tình trạng khan hiếm nước.

(theo UN, TTXVN)