Khủng hoảng Ukraine
Nhen nhóm từ lúc cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận hợp tác và thương mại tự do với EU, một bộ phận người dân đã biểu tình lật đổ chính phủ cũ để lập nên chính phủ mới thân phương Tây. Tiếp theo là một loạt các sự kiện như: Nga sáp nhập Crimea, phong trào ly khai bùng lên tại hai vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Các cuộc chiến diễn ra dữ dội khi chính quyền Kiev triển khai lực lượng tấn công phe ly khai. Xung đột Ukraine đã khiến Mỹ và EU đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Chia rẽ Nga – phương Tây nghiêm trọng đến mức truyền thông quốc tế nhận định một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra.
Trung Đông tiếp tục là điểm nóng
Từ tháng Sáu, với nguồn lực tài chính to lớn cùng lực lượng đông đảo, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng đã tấn công và chiếm đóng nhiều khu vực ở miền Bắc Iraq và Syria. Tuy Mỹ đã thành lập một liên minh toàn cầu để chống lại IS với sự tham gia của 62 quốc gia song các cuộc không kích của liên quân chưa thể tiêu diệt được tổ chức này.
Sau khi các vòng đàm phán do Mỹ làm trung gian bị đổ vỡ hồi tháng Tư, xung đột đã bùng phát tại Dải Gaza trong 50 ngày. Chiến dịch “Vành đai bảo vệ” do Israel phát động là cuộc chiến kéo dài nhất và gây thương vong nhiều nhất kể từ năm 2009 với hơn 2.100 người Palestine thiệt mạng, khoảng 11.000 người bị thương, cơ sở hạ tầng thiết yếu tại Gaza bị phá hủy.
Tình hình Biển Đông và Hoa Đông diễn biến phức tạp
Tại Biển Đông, từ ngày 2/5 đến ngày 15/7, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần phản đối hành vi của Trung Quốc. Lần đầu tiên sau gần 10 năm, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố riêng về các diễn biến ở Biển Đông. Nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc gây mất ổn định khu vực và ủng hộ lập trường của Việt Nam.
Đầu năm 2014, quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản trở nên tiếp tục căng thẳng, liên quan quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Những căng thẳng này một phần được tiếp nối từ việc Trung Quốc đơn phương thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông tháng 11/2013.
Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ
Ngày 17/12, Mỹ và Cuba thông báo quyết định sẽ bình thường hóa quan hệ sau 53 năm gián đoạn. Quyết định đột phá này đạt được sau một loạt các cuộc đàm phán bí mật cấp cao giữa Mỹ và Cuba từ tháng 6/2013. Canada và Tòa Thánh Vatican được cho là đóng vai trò tích cực trong quá trình đàm phán. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ mở sứ quán tại Thủ đô Havana trong tháng 1/2015. Cuba cũng sẽ mở sứ quán tại Washington D.C. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng tiến tới xem xét khả năng dỡ bỏ cấm vận thương mại, kinh tế với Cuba.
Giá dầu thế giới tuột dốc
Nửa cuối năm 2014, giá dầu thô thế giới liên tục sụt giảm mạnh tới hơn 40%, từ 115 USD/thùng hồi tháng Sáu xuống còn dưới 60 USD/thùng vào tháng cuối cùng của năm.
Trong tình hình đó, OPEC quyết giữ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Mặt khác, tình hình sản xuất thế giới không khởi sắc, khiến nhu cầu sử dụng dầu sụt giảm.
Giá dầu đang khiến "người khóc kẻ cười”. Có những nước phải chịu thiệt hại nặng như Venezuela, Nga… Nhưng IMF cho rằng, đây chính là thời điểm tốt để các nền kinh tế trên thế giới lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian trì trệ kéo dài.
Mỹ - Trung cam kết cắt giảm khí thải tạo đà cho thỏa thuận khung tại COP20
Ngày 12/11, tại Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm khí thải. Theo đó, Mỹ đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm 28% lượng khí thải so với mức của năm 2005. Trung Quốc tuy không đưa ra cam kết cụ thể nhưng đặt mục tiêu đến 2030 (hoặc sớm hơn) không để gia tăng lượng khí thải và bắt đầu giảm dần. Sau đó, tại Hội nghị Quốc tế về Biến đổi khí hậu (COP20) tại Peru, các nước đã đạt được một thỏa thuận khung quan trọng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhật Bản diễn giải lại Hiến pháp
Tháng Bảy, Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua quyết định diễn giải lại điều 9 trong Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, qua đó cho phép bãi bỏ lệnh cấm lực lượng phòng vệ nước này tham chiến ở nước ngoài. Thay đổi này cho phép Nhật Bản có thể sử dụng lực lượng để bảo vệ các đồng minh khi họ bị tấn công nhằm góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Đây là thay đổi lớn nhất về chính sách kể từ khi Nhật Bản thành lập lực lượng phòng vệ thời hậu chiến cách đây 60 năm.
Đại dịch Ebola
Bùng phát ở Tây Phi với tốc độ lây lan nhanh chưa từng thấy, tới nay Ebola đã cướp đi hơn 7.500 mạng sống, làm hơn 20.000 người bị lây nhiễm, trong khi các nỗ lực nghiên cứu vẫn chưa tìm được vaccine khống chế dịch. Đáng lo ngại là trong một phỏng vấn với hãng tin Reuters mới đây, ông Anthony Banbury, Trưởng Phái đoàn chống dịch Ebola của Liên hợp quốc cho biết, mặc dù đã có một số tiến triển ở một vài khu vực nhưng những thất bại trong việc đẩy lùi dịch ở các khu vực khác đã khiến cho sứ mệnh của Liên hợp quốc hiện không đạt được mục tiêu loạt bỏ đại dịch được đề ra là ngày 1/12.
Ngành giao thông tổn thất nặng nề
Chưa năm nào giao thông thế giới chịu mất mát lớn như năm nay. Riêng ba thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử là hai vụ tai nạn máy bay của hàng không Malaysia Airlines và chìm phà Sewol (Hàn Quốc) đã làm gần 1.000 người thiệt mạng và mất tích.
Ngày 8/3, máy bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích trên hành trình từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Cuộc tìm kiếm với sự hợp tác đa quốc gia đến nay vẫn chưa đem lại kết quả. Ngày 16/4, phà Sewol có trọng tải 6.825 tấn, chở theo 476 người, trong đó có 325 học sinh trung học đã bị lật úp, sau 1 giờ phát tín hiệu cấp cứu. Ngày 17/7 một máy bay khác của Malaysia Airlines số hiệu MH17 rơi tại Ukraine với nghi vấn máy bay bị trúng tên lửa đất đối không. Ngày 28/12, chiếc Airbus 320-200 số hiệu QZ8501/AWQ8501 của AirAsia Indonesia chở 162 người mất tích sau khi cất cánh từ sân bay ở thành phố Surabaya để đến Singapore.
(do Ban Biên tập bình chọn)