1. Cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024, có tăng tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp không?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương về chính sách cải cách tiền lương không chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang mà còn áp dụng đối với cả người lao động trong doanh nghiệp.
Theo đó, Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ nội dung cải cách tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp, trong đó quy định:
- Tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động.
- Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế - xã hội (cung - cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...).
- Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia; bổ sung các chuyên gia độc lập tham gia Hội đồng.
Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo dự thảo, mức lương tối thiểu tháng của các vùng đã tăng lên so với mức lương tối thiểu hiện tại. Mức tăng này dự kiến được áp dụng từ 01/7/2024.
Trong dự thảo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng tiền lương tối thiểu lên 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1/7/2024, cụ thể:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) | ||
Dự kiến từ 01/7/2024 | Hiện hành | Dự kiến từ 01/7/2024 | Hiện hành | |
Vùng I | 4.960.000 | 4.680.000 | 23.800 | 22.500 |
Vùng II | 4.410.000 | 4.160.000 | 21.200 | 20.000 |
Vùng III | 3.860.000 | 3.640.000 | 18.600 | 17.500 |
Vùng IV | 3.450.000 | 3.250.000 | 16.600 | 15.600 |
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó từ ngày 1/7/2024, là ngày chính thức cả nước thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Qua đó, ngày 01/7/2024 là thời gian thực hiện cùng lúc cải cách tiền lương và điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tuy nhiên khu vực công và khu vực doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh mức lương theo lộ trình và các chính sách theo quy định khác nhau.
Như vậy, nếu dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được thông qua thì từ ngày 1/7/2024 người lao động trong doanh nghiệp sẽ được áp dụng tăng tiền lương tối thiểu lên 6% cùng thời điểm với cải cách tiền lương khu vực công.
2. Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với người lao động trong doanh nghiệp khi cải cách tiền lương
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với người lao động trong doanh nghiệp khi cải cách tiền lương như sau:
- Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
- Nhà nước công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động, không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương gắn với năng suất và kết quả lao động. Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Tăng cường vai trò, năng lực của tổ chức công đoàn và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.