Hai việc có vẻ chẳng liên quan gì tới nhau… nhưng cũng không hẳn là như thế.
Ở một tỉnh nọ, dù không nói ra nhưng dường như đã có những cuộc đua ngầm trong việc xây dựng cổng làng. Những chiếc cổng với chi phí dăm trăm triệu đến vài tỷ đồng lần lượt mọc lên, cái sau to hơn cái trước. Câu chuyện không dừng lại ở phạm vi riêng của địa phương nọ. Những chiếc cổng chào hoành tráng đã xuất hiện ở hầu khắp các thôn văn hóa, giàu có, nông thôn có, miền núi cũng có, thậm chí có thôn 50% là hộ nghèo cũng có.
Ngày 5/10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015), bài toán khiến các ủy viên Thường vụ Quốc hội “đau đầu” là số nợ đọng xây dựng nông thôn mới hơn 15.000 tỷ đồng. Có đến 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng, trong đó một số địa phương lớn như Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Vĩnh Phúc...
Bên trong chiếc cổng chào hoành tráng ấy, cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn lắm |
Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất văn hóa (12,7%), đặc biệt nợ đọng do các công trình dự án khác cũng chiếm tới 27,7%. Kết quả khảo sát thực tế ở nhiều địa phương, nhất là những xã đã về đích Nông thôn mới đều thấy số nợ đọng vượt ngưỡng kiểm soát. Nhiều vùng nông thôn còn nghèo, nhưng “vung tay quá trán” xây trụ sở UBND xã rất lớn. Các công trình trung tâm văn hóa, trường học, trạm y tế xã, cổng làng… được đầu tư tốn kém, vượt công năng sử dụng dẫn đến nợ nần. Điều đáng nói, mấy năm qua cách tháo gỡ số nợ này dường như đang đi vào ngõ cụt.
Chưa rõ trách nhiệm cuối cùng do đâu, nhưng nếu vỡ nợ 15.000 tỷ chắc chắc sẽ không còn là chuyện nhỏ. Không những thế, mục tiêu cốt lõi của chủ trương xây dựng nông thôn mới là tái cơ cấu sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân có khả năng khó đạt được, khi các địa phương chỉ chạy theo thành tích, bằng mọi giá chỉ để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Khách quan mà nhìn nhận, bộ mặt nông thôn đang từng ngày đổi mới nhờ chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Nhưng bên trong chiếc cổng chào hoành tráng ấy, cuộc sống người dân vẫn còn khó khăn lắm. Thiết nghĩ, đừng vì chuyện quản lý tài chính địa phương kém mà làm hỏng cả một quyết sách lớn của quốc gia. Hy vọng những chấn chỉnh và xử lý của Thủ tướng Chính phủ kịp thời tới được các địa phương, quyết không công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, không khen thưởng đối với địa phương có chi tiêu không đúng quy định gây nợ đọng.