📞

Cái tên của tờ báo

Nguyễn Vĩnh 15:10 | 29/11/2024
Giống như tên gọi một con người, cái tên của một tờ báo ngoài tên gọi thông thường ghi nhận danh xưng nó sở hữu còn là có sự gắn bó sâu sắc với bối cảnh tờ báo ra đời, đón nhận nhiệm vụ mà tờ báo được trao..., nên không dễ gì rời bỏ tên báo đi để điền vào một một cái tên khác suôn sẻ ngay được.
Tổng Biên tập báo Quốc tế Nguyễn Văn Vĩnh (thứ nhất từ trái) chụp ảnh cùng các đại biểu tại Lễ khai mạc Giải Bóng bàn các tay vợt xuất sắc trẻ, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc do Báo tổ chức, giai đoạn 2002-2006.

Sự đời thông thường là vậy, dù biệt lệ vẫn có (là vẫn có sự thay tên, đổi tên báo trong đời sống báo chí), nhưng cũng chẳng nên lạm dụng. Bởi trong thực tế, nhiều khi tên mới của tờ báo dù có trương lên, giới thiệu và nhấn mạnh đủ kiểu, thế nhưng người đọc và dư luận họ lại cứ nhắc nhớ về cái tên cũ đã quen thuộc - mà là nhắc lại hoài. Trường hợp tờ Thế giới và Việt Nam phải chăng là như vậy?

Những người làm tờ báo hiện nay trong Tòa soạn thường kể với lớp người nghỉ hưu chúng tôi rằng, trong dư luận bạn đọc - và nhất là trong quan hệ công tác, tại các cuộc gặp gỡ và họp hành với các cơ quan quản lý báo chí hoặc với các bạn đồng nghiệp - người ta vẫn cứ gọi tên, điểm tên tờ báo của ngành Ngoại giao là báo Quốc tế. Chứ ít khi họ nhắc đến cái tên hiện nay là báo Thế giới và Việt Nam, nói vui hay là tên này quá dài. Điều này cũng hơi lạ vì cho đến nay (tháng 10/2024) tên mới đã in lên măng-sét gần 18 năm mà người ở bên ngoài tờ báo vẫn nhắc y nguyên cái tên báo cũ là trường hợp đâu có phải phổ biến.

Với anh chị em trong Tòa soạn, một điều rất may mắn là tên báo Quốc tế của chúng ta vẫn đươc Trang báo điện tử hiển thị suốt lâu nay là “baoquocte.vn”.

Sở dĩ như vậy là do Ban lãnh đạo Báo đã sớm nhận định cái tên cũ đã rất quen thuộc với độc giả nên đăng ký tên miền như thế trên mạng Internet toàn cầu.

Với tư cách là một trong những Tổng biên tập của tờ báo, tôi rất muốn cùng các bạn đồng nghiệp của chúng ta lướt nhìn lại lịch sử ra đời của tờ báo 35 năm trước và các giai đoạn sau đó chỉ với một mục đích làm rõ hơn vấn đề cái tên tờ báo của chúng ta. Đó là tại sao cái tên “baoquocte” lại thuận tai, thuận lòng với độc giả?

Tạp chí Quan hệ Quốc tế của Bộ Ngoại giao lập nên cuối tháng 11/1989. Hoàn cảnh lúc đó là trong nước cần đến một cơ quan ngôn luận chuyển tải nội dung công việc của ngành ngoại giao, mở rộng hơn là toàn bộ các công tác đối ngoại mà sau hơn 3 năm thực hiện công cuộc đối mới đất nước (chính thức tính từ Đại hội Đảng lần thứ VI họp vào cuối năm 1986), Việt Nam đã được nói tới ngày càng nhiều hơn trên các diễn đàn quốc tế.

Còn phải nhấn mạnh thêm là công tác thông tin đối ngoại lúc đó dù luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng thực tế còn yếu kém cả về số lượng và chất lượng. Các tờ báo ở trong nước đều mở mục Thế giới hoặc mục Quốc tế, nhưng do nguồn tin khi ấy còn eo hẹp, chưa có đủ điều kiện lựa chọn mua báo chí nước ngoài hoặc nghe nguồn tin nước ngoài một cách đầy đủ, nên “đầu vào” tự nhiên còn hạn chế, khó có thông tin độc và hay. Vì thế khi tờ tạp chí của Bộ Ngoại giao xuất hiện, công luận tập trung theo dõi và có những phản hồi thuận lợi. Tiếng tăm tờ báo ngoại giao vang xa ngay từ những năm tháng 1990 - 1992 đó.

Tạp chí sau gần 4 năm phát hành với nhịp độ hằng tháng này, do nhu cầu độc giả đòi hỏi, nên đã xuất bản mau kỳ hơn, từ tháng 1 số tăng lên 4 số nên thêm tên tuần báo - là Tuần báo Quốc tế. Và rồi đến năm 1998, khi đã chắc chắn có một số lượng bạn đọc ổn định cả phía Bắc và phía Nam, cái tên trên đã rút gọn đơn giản hơn thành báo Quốc tế. Măng-sét Quốc tế định hình từ thời điểm này cho tới tháng 9/2006.

Chọn cái tên này vì chữ Quốc tế nó thích hợp nhất với công việc của ngành Ngoại giao. Nhiệm vụ chính yếu của toàn ngành lúc nào cũng là hướng ra đối tuợng các nước ngoài, xoay quanh những mối quan hệ song phương và đa phương nhằm khẳng định chủ trương đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam, là độc lập, tự chủ và làm bạn với tất cả các nước. Từ đó thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế theo phương châm “hai bên và nhiều bên” cùng có lợi, ngõ hầu nâng cao dần vị thế của đất nước Việt Nam đổi mới trong cộng đồng quốc tế.

Một khi nắm vững nhiệm vu cốt yếu của Bộ chủ quản là như vậy, Báo Quốc tế đã theo sát những yêu cầu cụ thể của thông tin tuyên truyền từng thời điểm khác nhau, thông qua nghiêp vụ đặc thù của truyền thông báo chí mà đóng góp được vào công việc chung to lớn của Bộ chủ quản.

Tổng Biên tập Nguyễn Vĩnh và tập thể Báo Quốc tế chúc Tết Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên, năm 2003.

Tính từ khi thành lập, ngày 29/11/1989, Báo Quốc tế cùng với các ấn phẩm trước đó là Tạp chí Quan hệ Quốc tế và Tuần báo Quốc tế, tờ báo đã đạt được một số thành tựu mà bạn đọc báo cả nước, dư luận, đồng nghiệp và ý kiến của các cơ quan chức năng quản lý báo chí đều nhất trí đánh giá chung rất thuận lợi, có tên tuổi và định hình trong lòng bạn đọc cả nước. Chính vì thế mà tháng 11/2004, kỷ niệm tờ báo 15 tuổi, Báo Quốc tế đã được Chủ tịch nuớc CHXHCN Việt Nam tặng thưởng tấm huân chương cao quý - Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra tờ báo cũng nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ Ngoại giao và các cơ quan lãnh đạo cấp trên khác.

Điểm qua bước trưởng thành trong gần 35 năm của tờ báo ngành Ngoại giao không gì khác hơn là nhấn mạnh đến công tác trọng yếu của tờ báo, đó là đưa tin, phân tích và nhận định về thế giới và các mối quan hệ quốc tế. Nên có lẽ với cái tên mới “Thế giới và Việt Nam” thì tin tức rộng khắp về Việt Nam, đi sâu vào phân tích tình hình Việt Nam sẽ khó mà thành sở trường, càng không phải là thế mạnh của đội ngũ làm báo ngoại giao. Cho nên độc giả người ta không “gửi gắm” nhiều vào cái tên báo đó, và người ta ít nhớ đến là do vậy chăng?

Nhưng thôi, đó là chuyện đã xảy ra. Chừng nào tờ báo không/chưa có chủ trương quay lại măng-sét cũ thì đội ngũ đang làm báo Thế giới và Việt Nam hiện tại hãy cứ tích cực và nỗ lực trong mọi công việc, xây dựng và đóng góp chuyên môn cao nhất để tờ báo của ngành ngoại giao ngày một đi lên và phát triển. Và khi đó độc giả sẽ nhớ đến và gọi đúng cái tên tờ báo của mình.