Từ chối nhậu để đi... bảo tàng
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thanh Thảo mơ ước trở thành giáo viên Mỹ thuật dạy học sinh tiểu học. Nhưng khi lớn lên, chị lại lựa chọn thi vào khoa tiếng Đức của Đại học Hà Nội và chỉ cầm cọ vẽ để giải tỏa căng thẳng. Năm 2011, chị trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận học bổng Chính sách và Quản trị công (PPGG) của Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức. Đó là bước ngoặt để chị tiếp cận sâu hơn với nghệ thuật hội họa.
Trong hơn bốn năm học tập tại đất nước Tây Âu này, chị sống tại hai thành phố Cologne và Osnabruck. Điểm chung của cả hai thành phố này là có nhiều bảo tàng lớn. “Thay vì đi uống bia cùng các bạn đại học, tôi thường dành thời gian tới bảo tàng. Tôi mua vé năm ở các địa điểm này để tới xem các buổi triển lãm, các bộ sưu tập tranh của nhiều họa sỹ nổi tiếng”, chị Thảo chia sẻ.
Theo nữ họa sĩ, các bảo tàng châu Âu thường cho các bảo tàng “kết nghĩa” với mình mượn các bộ sưu tập để nội dung trưng bày luôn thay đổi. Chính vì thế, những người yêu nghệ thuật luôn có lý do để đến đây tham quan.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Thảo (giữa) tại cuộc triển lãm “Đa dạng sắc tộc” ở thành phố Osnabruck, Đức. |
Chị cũng rất ấn tượng với các nhân viên làm việc tại đây bởi hầu hết họ đều yêu thích nghệ thuật. Những người này sẵn sàng trao đổi với các du khách về lai lịch của một bức tranh hay bình luận về những trường phái hội họa. Nhớ lại những lần tham quan, chị Thảo cho biết: “Tại bảo tàng, tôi đã gặp rất nhiều nhà phê bình dẫn các đoàn khách đến tham quan. Mỗi lần như vậy, tôi lại đứng cạnh họ để tìm hiểu thêm về những bức tranh. Bảo tàng cũng là địa chỉ để thầy cô dẫn học sinh đến học các tiết Mỹ thuật. Cứ đi dăm bước là tôi bắt gặp một nhóm học sinh ngồi chăm chú vẽ lại các kiệt tác”.
Đặc biệt, thành phố Cologne còn có những quán cà phê nghệ thuật. Ở đó, chủ quán luôn dành ra những khoảng không gian để các họa sĩ tổ chức các cuộc triển lãm với mục đích gây quỹ hỗ trợ người khuyết tật. “Từ đó, tôi cảm thấy hội họa không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức cái đẹp đơn thuần của mọi người mà có tính thực tế, tạo ra sự kết nối giữa mọi người và hỗ trợ cộng đồng. Suy nghĩ ấy cùng những lần tham quan các bảo tàng đã tạo nên cảm hứng để cầm cọ vẽ và sáng tác những bức tranh trên đất Đức”, nữ họa sĩ kể lại.
Thầy giáo dạy Thanh Thảo trong sáu tháng dự bị đại học cũng là người có ảnh hưởng đến quyết định cầm cọ trở lại của chị. Biết cô học trò người Việt có chung “thần tượng” là họa sĩ Jackson Pollock, ông đã dành thời gian cùng chị trao đổi về hội họa rồi tặng chị màu vẽ, sách của những nhà phê bình mỹ thuật hàng đầu. Nhớ về ông thầy người Đức, chị chia sẻ: “Tôi nghiệm ra rằng, trong nghệ thuật, chẳng ai có thể dạy ai. Những người thầy sẽ đóng vai trò người hướng dẫn, đưa ra lời khuyên cho các học trò. Để theo đuổi nghệ thuật, bản thân mỗi cá nhân phải tự trau dồi và luyện tập”.
Nguồn “tài nguyên” vô tận
Giống như các họa sĩ khác, Thanh Thảo cũng có nhiều giai đoạn sáng tác. Khi còn học ở Việt Nam, tranh của chị theo trường phái trừu tượng. Khi mới sang Đức, một người bạn cùng lớp của Thanh Thảo nhờ chị vẽ chân dung cho bốn người bạn. Dù nói với mọi người là “vẽ cho vui” nhưng chị đã phải thức đêm thức ngày để có thể truyền tải vẻ đẹp của những nhân vật này vào bức tranh. Từ lần ấy, nữ họa sĩ bắt đầu chuyển hướng sang vẽ chân dung.
Chị cho biết: “Muôn người muôn vẻ! Màu da, nét mặt khiến chúng ta trở nên độc đáo, khác biệt. Từ bức tranh ấy, tôi nhận ra đường nét khuôn mặt con người là một nguồn “tài nguyên” vô tận mà mình có thể khai thác”.
Kể từ đó, Thanh Thảo thường xuyên xin ảnh từ những chuyến đi chơi, làm từ thiện của các bạn bè nước ngoài để vẽ. Tuy nhiên, chị không chép lại hoàn toàn bức ảnh mà luôn có sự sáng tạo trong mỗi tác phẩm. Lý giải về ý tưởng sử dụng ảnh, chị cho rằng, ảnh chính là phương pháp phản ảnh cuộc sống chân thực nhất. “Tôi không có điều kiện đi nhiều nơi để biết được các nền văn hóa khác. Tại sao tôi lại không dùng những “con mắt” của bạn bè? Khi vẽ qua ảnh, các tác phẩm của tôi sẽ được phản ánh qua ba tấm lọc. Tấm lọc thứ nhất là con mắt của những người chụp ảnh, phản ánh cách nhìn cuộc sống của họ. Tấm lọc thứ hai là cảm nhận của tôi khi xem ảnh và tấm lọc thứ ba là cách mà tôi lựa chọn các nét vẽ và màu sắc”.
Trong thời gian du học, được sự giúp đỡ của thầy giáo và bạn bè, Thanh Thảo đã tổ chức được bốn cuộc triển lãm tranh lớn nhỏ. Đặc biệt, trong số đó có một cuộc triển lãm với chủ đề “Đa dạng sắc tộc” vào năm 2014. Sự kiện này nằm trong dự án Gute Nachbarschaft (Hàng xóm tốt) nhằm gắn kết và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các gia đình người nhập cư có hoàn cảnh khó khăn tại khu vực Rosenplatz, TP. Osnabruck. Triển lãm gồm 12 bức chân dung người Mexico, Peru, Colombia và các dân tộc của Việt Nam.
Những người đến xem triển lãm đều phản hồi lại với tác giả rằng họ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi xem những bức tranh này. Chị chia sẻ: “Thông điệp của tôi ở cuộc triển lãm này là màu da, văn hóa của các dân tộc trên thế giới cần được bảo tồn chứ không phải là đặc điểm để mọi người phân biệt. Vì thế, khi mọi người xem tranh về các dân tộc khác nhau nhưng đều cảm thấy vui vẻ thì có nghĩa là tôi đã thành công”.
“Qua một người bạn, Thảo đã liên hệ với tôi để xin phép vẽ lại bức ảnh chụp các em bé ở bản Há Tỏ Sò. Bức vẽ có chút thay đổi so với nguyên tác nhưng vẫn khắc họa thành công vẻ tươi vui của các em học sinh. Cá nhân tôi thấy bức tranh này rất thích hợp để treo trong phòng ngủ bởi mỗi sáng tỉnh dậy và nhìn thấy nó, chúng ta sẽ cảm thấy yêu cuộc đời hơn”. Đỗ Hùng – Người sáng lập dự án “10.000 bức ảnh cho trẻ em Việt Nam”. |