Lệnh cấm vận của EU và phương Tây đối với Liên bang Nga được áp đặt sau khi lãnh thổ Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Sau 2 năm, các nước EU lại đồng thuận kéo dài lệnh cấm vận kinh tế Nga thêm 6 tháng nữa. Trong thời gian chịu lệnh cấm vận, giá dầu thô rẻ và giá trị đồng rúp sụt giảm, tổng sản phẩm quốc nội Nga giảm 3,7% năm 2015 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Nga hạ 1,8% trong năm nay.
Vượt qua thách thức
Khi đưa ra các biện pháp trừng phạt, Mỹ và châu Âu muốn ép Nga phải xuống thang và nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt qua lại đã biến thành một cuộc chiến tranh kinh tế tác động nghiêm trọng tới quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên.
Đáp lại những biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ những nước áp lệnh trừng phạt Nga. Cùng với đó, các khu vực sản xuất có khả năng thay thế và đáp ứng nhu cầu của thị trường Nga đã được hoạch định và triển khai. Nhờ đó, các mặt hàng thiết yếu và bình dân thiếu hụt không đáng kể. Với các nước láng giềng gần và xa của Nga không tham gia lệnh trừng phạt thì những biện pháp mới ban hành của Nga đã giúp họ kiếm được một thị trường lớn. Mạng lưới bán lẻ của Nga đã đàm phán với Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc và các nước châu Á khác về nội dung thay thế nhập khẩu thịt bò, trái cây và rau quả của châu Âu và Mỹ.
Lệnh trừng phạt Nga của EU khiến người tiêu dùng Nga tăng cường sử dụng sản phẩm nội, nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế Nga. |
Hơn nữa, lệnh trừng phạt của Mỹ và EU trước hết là sự thách thức với hệ thống quản lý Nhà nước của Nga, thách thức trách nhiệm quốc gia và sự linh hoạt của các cấp thực thi đường lối chính trị của Tổng thống Putin. Khi đó, các nhà sản xuất nông nghiệp Nga đã thuyết phục chính quyền tiến tới cuộc thử nghiệm và cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu từ phương Tây. Trong thời gian ngắn nhất, họ đã thay thế những hạn ngạch cắt giảm này bằng sản phẩm nội địa. Tuy có khó khăn ban đầu, các biện pháp nêu trên đã kích thích nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế Nga, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế lớn hơn và ít rủi ro hơn với những đối tác quan trọng của Nga về chính trị.
Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải cải tạo triệt để nền kinh tế và giải quyết các vấn đề khó khăn như đấu tranh chống tham nhũng và quan liêu, chống phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu năng lượng và khắc phục nền công nghiệp chế tạo máy yếu kém, đầu tư vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp và phát triển các mô hình hiện đại của ngành nông nghiệp.
Nội bộ EU chia rẽ
EU chính là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ Euro. Hứng chịu trực tiếp đòn đáp trả của Nga là các nhà sản xuất và xuất khẩu châu Âu chuyên cung cấp các loại trái cây, rau quả, gà, xúc xích, phó-mát, bơ và các sản phẩm từ sữa. Trước những khó khăn trên, các nước bị cấm xuất khẩu thực phẩm sang Nga bao gồm EU, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy buộc phải định hướng lại sản xuất để xuất khẩu sang các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh và các nước vùng Caribbean.
Ủy ban châu Âu cho biết, các nước thành viên EU thiệt hại khoảng 40 - 50 tỷ Euro trong hai năm 2014-2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ lưỡng dụng. Ngoài ra, họ còn tốn một khoản không nhỏ trong dịch chuyển cơ cấu đầu tư và xuất nhập khẩu.
Nhiều quốc gia thành viên EU cho biết, kinh tế của họ đã gặp phải sự tấn công nghiêm trọng từ các đòn trả đũa của Nga. Nguyên tắc “đoàn kết kinh tế” vì mục đích chung của cả EU và Mỹ đã khiến các nước thành viên EU, đặc biệt là Đông Âu và Bắc Âu, chịu nhiều thiệt hại. Nhưng quan trọng nhất là nông dân châu Âu đã mất đi thị trường truyền thống. Trong năm 2014 và 2015, họ phải tìm kiếm những thị trường mới cho những sản phẩm vốn được sản xuất để cung cấp cho Nga.
Nhiều nước châu Âu thừa nhận chính họ đã chịu thiệt hại lớn hơn. Các tập đoàn lớn như Adidas, Siemens, Royal Dutch Shell và Erste Group… cũng bị thiệt hại nặng sau các lệnh cấm vận. Trong bối cảnh các nước châu Âu cũng đang trong giai đoạn rất khó khăn với hàng loạt biến cố bất lợi: khủng bố, Hy Lạp suýt phải ra khỏi Eurozone, dòng người tị nạn và nặng nề nhất là sự kiện Brexit... đối với nhiều thành viên EU, sự mệt mỏi vì lệnh cấm vận đã thể hiện rõ, ”kể cả các đại gia” như Italy và Pháp - vốn đã có quan hệ thương mại lâu dài với Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Tờ Washington Post đưa tin, Thủ tướng Italy Matteo Renzi trước đó đã tỏ ý nghi ngờ và chỉ trích Thủ tướng Đức Merkel ép các quốc gia EU khác đồng ý cấm vận Nga, trong khi bản thân Đức thì làm trái ngược hoàn toàn. Mặc dù hàng loạt quốc gia thuộc EU muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt để tận dụng thị trường màu mỡ của Nga, nhưng EU không đủ can đảm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Moscow.
Với đa số phiếu thuận, các đại biểu Quốc hội Pháp ngày 28/4 đã thông qua nghị quyết, chấp nhận đề nghị của phe đối lập, kêu gọi chính phủ lên tiếng phản đối việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Ngày 11/5, Đảng đối lập lớn nhất của Đức mang tên "Sự thay thế dành cho nước Đức" đã gửi cho chính quyền vùng Baden-Wurttemberg bản kiến nghị về sự cần thiết phải loại bỏ các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Dù vậy, EU cũng vẫn không đủ can đảm chống lại Mỹ bởi Mỹ coi việc mở rộng lệnh trừng phạt gây áp lực lên Nga là điều hiển nhiên.
Chuyên gia Quỹ Marshall (Đức) Stefan Sabo cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga đã khiến cho các nền kinh tế thuộc EU thiệt hại gấp mười lần so với Mỹ. Kim ngạch thương mại EU - Nga giảm từ 326,5 tỷ Euro năm 2013 xuống còn 210 tỷ Euro vào năm 2015, trong khi kim ngạch thương mại Mỹ - Nga chỉ giảm 38,2 tỷ xuống 23,6 tỷ USD trong thời gian đó. Nhiều người lo ngại khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, các nhà sản xuất châu Âu sẽ không tìm được chỗ đứng trên thị trường Nga vì đã bị người khác chiếm chỗ.
Lệnh cấm vận không còn dài
Nước Nga không sụp đổ sau 2 năm bị phương Tây cấm vận, thị trường mới đang mở ra, giá dầu lửa có dấu hiệu đã chạm đáy và có khả năng tăng trở lại. Trong khi đó, nội bộ EU mâu thuẫn trong chính sách cấm vận Nga và cú sốc lớn nhất đã xảy ra: nước Anh ra khỏi EU. Có dự báo mạnh bạo rằng EU sẽ tan rã, Vương quốc Anh sẽ “tan đàn xẻ nghé”. Có ý kiến còn cho rằng đây là “tội” của Tổng thống Putin. Dĩ nhiên nhiều ý kiến bênh vực Tổng thống Nga không có lỗi trong kết quả cuộc trưng cầu ở Anh, nhưng có thể được lợi đáng kể từ việc này. EU sẽ mất đi một thành viên tích cực có thế lực mạnh nhất trong chiến dịch cấm vận Nga. Brexit sẽ khiến EU suy yếu về kinh tế, chính trị và cả quân sự, các chính trị gia châu Âu ủng hộ Putin sẽ mạnh hơn. Việc EU dỡ bỏ cấm vận Nga chỉ còn là vấn đề thời gian.