Sính hàng hiệu không chỉ còn là nhu cầu tiếp cận với thời trang hợp mốt, đa phong cách mà còn trở thành thói quen, sở thích của mọi độ tuổi, mọi thu nhập. Song không phải ai cũng dễ dàng trở thành người sành thời trang. Chơi đồ hiệu ngày càng trở lên gian nan và không ít các cửa hàng kinh doanh đã “kiếm bộn” nhờ sự thiếu hiểu biết của khách hàng.
Nhập nhèm hàng hiệu
Dành dụm tiền gia sư, tiền tiêu vặt, Hằng – sinh viên năm 3 Đại học Thương mại “cắn răng” đi “tậu” cho mình đôi giày thể thao hiệu Converse, song chỉ đi được hơn 1 tháng, đôi giày hơn triệu của Hằng đã “quá date”.
Giới trẻ ngày càng mê hàng hiệu. |
Theo các “chuyên gia hàng hiệu tuổi teen”, đã từ lâu rồi, định nghĩa hàng hiệu – hàng đắt tiền đã không còn tồn tại với các “teen sành điệu”. Cuộc chiến săn lùng hàng hiệu đã trở lên gian nan, không chỉ tốn kém tiền bạc mà còn cả quỹ thời gian vô hạn.
Chị Liên chủ cửa hàng giày trên đường Tôn Đức Thắng, hiện tại, trên thị trường Việt Nam, hầu hết các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đều đã có mặt như, converse, Louis Vuitton, Gucci…giá cho một sản phẩm của các hãng này tối thiểu từ 700.000 đồng đến khoảng 10 triệu đồng. Nhưng không phải chiếc giày gắn mác hàng hiệu nào cũng là hàng xịn. Nhiều người đã bỏ ra hàng triệu đồng mua, rồi mới ngã ngửa vì "ăn quả lừa".
"Hàng hiệu chính gốc ở Việt Nam không nhiều. Chỉ có người bán mới rành. Người tiêu dùng dù có sành đến mấy cũng sẽ có lúc bị lầm, trình độ nhái hàng ngày càng cao", chị Liên nhấn mạnh.
Sau vài lần “mắc bẫy”, Hằng quyết định sẽ không tham gia vào thị trường “hàng hiệu” nội địa nữa, ”chưa đủ khả năng thẩm định chất lượng của các mặt hàng nên dù đôi khi thấy rất thích đồ này, đồ kia nhưng em quyết định “nhịn” lại. Giờ em chọn đồ trên mạng và nhờ chị gái bên nước ngoài mua chuyển về giúp, dù mất công hơn song bù lại được sở hữu những sản phẩm không đụng hàng ai”, Hằng cho biết.
Hàng hiệu “made in China”
Nhu cầu về “hàng hiệu” trong giới trẻ ngày càng cao, tuy nhiên không hẳn hãng thời trang danh tiếng nào cũng có đại lý chính thức tại Việt Nam vì thế nhiều khi các khách hàng đành tự xoay xở trong vốn kiến thức ít ỏi của mình và việc một vài lần sử dụng hàng hiệu “made in China” cũng được coi là “lỗi kỹ thuật” bình thường.
Hàng hiệu cũng có 5 - 7 loại. |
Theo khảo sát của VTC News, đa phần các nhãn hàng gắn mác hiệu trưng bày tại trị trường Việt Nam có xuất phát điểm là hàng Trung Quốc cao cấp. Sản phẩm hàng hiệu nhái nhiều nhất là kính mắt, túi, ví da…Giá cả của các mặt hàng này cũng “muôn hình vạn trạng”, tuỳ thuộc vào tâm lý của người bán hàng và cả tâm lý của người mua hàng.
Chị H, chủ hiệu kính tại Trang Tiền Plaza cho biết, nhiều khi gặp khách không có kinh nghiệm, một cái kính hiệu Gucci (Trung Quốc) cũng có giá bán tới hơn 200 USD. “Chúng tôi bán hàng quen nên chỉ cần trao đổi dăm 3 câu với khách hàng là có thể phân biệt được khách hàng thuộc loại nào từ đó sẽ ra giá phù hợp. Chỉ có người bán hàng mới biết được thực chất của món đồ bán ra như thế nào”.
Sở dĩ hàng hiệu có giá “trên trời” là do số lượng sản xuất mỗi kiểu dáng thường rất ít. Vì vậy nếu cửa hàng có đủ size cho khách thử thì đó chắc chắn là hàng “made in China”. Anh Hùng ở Hàng Bông, kinh doanh hàng hiệu cho biết, "ngoài các đại lý chính hãng thì hàng hiệu ở các shop lẻ được nhập từ rất nhiều nguồn, cả hàng xịn lẫn hàng nhái phải thật sành mới có thể phân biệt được”.
Theo VTC News