Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty (TĐ,TCT) nhà nước.
Trong đó, có một nội dung đáng chú ý là: “Kiên quyết sắp xếp các TCT nhà nước hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhiều năm, không có khả năng phục hồi, đồng thời làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc để tổng công ty thua lỗ và xử lý theo quy định”.
Bên cạnh việc đảm nhận vai trò là lực lượng kinh tế chủ đạo, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước và giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thời gian qua, TĐ, TCT sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả thấp, chưa phát huy vai trò đầu tàu, chưa tương xứng với những lợi thế và sự đầu tư của Nhà nước. Trong tổ chức quản lý và sử dụng vốn, tài sản của nhiều đơn vị đã bộc lộ rất nhiều tồn tại và yếu kém.
Tại diễn đàn Quốc hội, các bất cập, thiếu sót trong hoạt động của các TĐ, TCT đã được nhiều đại biểu mổ xẻ, phân tích. Ví dụ tiêu biểu được nhiều đại biểu nêu ra là có doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm liền như Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4, năm đầu tiên lỗ 655 triệu, năm sau lên 30 tỷ, các năm tiếp theo là 57 tỷ; Tổng Công ty Xây dựng đường thủy, năm đầu lỗ 429 tỷ, năm sau tăng lên 691 tỷ và năm tiếp nữa lên 719 tỷ. Lỗ lớn như vậy nhưng không được xem xét, chấn chỉnh kịp thời và chưa thấy xử lý trách nhiệm một cá nhân nào.
Mặt khác, hoạt động của các TĐ,TCT Nhà nước đã có những biểu hiện lệch lạc trong đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chủ đạo của mình. Tình trạng này cộng với năng lực kinh doanh và quản trị yếu kém và cả những lỗ hổng về thể chế, chính sách đã gây những tổn thất lớn về kinh tế.
Thống kê sơ bộ cho thấy, từ 2006 - 2008, có 34 TĐ, TCT đầu tư vào chứng khoán là hơn 2.000 tỷ đồng; 18 TĐ, TCT đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm là hơn 3.000 tỷ đồng; 17 TĐ, TCT góp vốn vào các quỹ đầu tư với số tiền trên 1.700 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và góp vốn vào quỹ đầu tư, hầu hết các TĐ, TCT bị lỗ hoặc không phát sinh lợi nhuận!
Thông thường, mỗi TĐ, TCT Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong kinh doanh ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực (có thể gọi là các “doanh nghiệp cái”) luôn có một hệ thống chi chít các doanh nghiệp đối tác, chuyên mua - bán các sản phẩm, dịch vụ của nhau. Trong đó, không ít đơn vị là “sân sau” (hiểu theo nghĩa là của bạn bè, họ hàng, vợ, con, thân thích) của các nhân vật chủ chốt. Nhiều khi “doanh nghiệp cái” thì lỗ, hiệu quả kinh doanh thấp nhưng các doanh nghiệp sân sau thi luôn đạt lợi nhuận cao. Những quan hệ lợi ích này là rất phức tạp, được che đậy rất tinh vi nhưng không phải là không thể đưa ra ánh sáng những điều mờ ám, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm làm thí điểm ở những doanh nghiệp thua lỗ triền miên.
Rõ ràng, không thể chấp nhận được tình trạng doanh nghiệp thì thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả nhưng người lãnh đạo vẫn ung dung tại vị. Lại càng không thể chấp nhận được khi các cá nhân này hoặc, anh em, con cái, vợ chồng họ lại giàu lên một cách không bình thường.
Tuy nhiên, đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tối đa năng lực kinh doanh của mỗi cá nhân trong các TĐ, TCT Nhà nước cũng cần đi liền với một cơ chế tiền lương, chế độ đãi ngộ theo qui luật thị trường. Người làm ra lợi nhuận cho Nhà nước phải được hưởng chế độ đãi ngộ không thấp hơn những thành phần kinh tế khác.
Muốn chọn được người quản lý giỏi cho các TĐ, TCT Nhà nước thì chế độ tuyển chọn phải công khai, thông qua hình thức thi tuyển, như vậy mới có “cửa” cho người thực tài (kể cả người nước ngoài) vào làm việc. Cán bộ, công chức đang làm công tác quản lý hành chính Nhà nước không nên kiêm nhiệm điều hành các TĐ, TCT Nhà nước. Hai chức năng này hoàn toàn khác nhau và dễ dẫn đến xung đột lợi ích, đồng thời làm cho môi trường kinh doanh không công bằng và minh bạch.
Có một thực tế đang đặt ra cần có câu trả lời mang tính lý luận là: Khu vực DNNN nói chung có tốc độ tăng trưởng thấp hơn các thành phần kinh tế khác, đóng góp cho tăng trưởng GDP cũng không phải là lớn nhất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động cũng không phải là nhiều nhất. Phải có sự lý giải cặn kẽ thực tế này thì mới định vị được vai trò thực sự, chính yếu của các TĐ, TCT Nhà nước trong nền kinh tế, qua đó làm sáng tỏ kế hoạch tái cấu trúc khu vực kinh tế này.
Chương trình hành động của Chính phủ mà Thủ tướng vừa ban hành đã nêu rất rõ định hướng cơ bản, đồng thời cũng là các đầu việc lớn, cụ thể cần làm để hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại các TĐ, TCT Nhà nước.
Chìa khoá giúp cho các “đầu bài” đó có lời giải thực tế chính là thái độ kiên quyết và tinh thần làm việc khẩn trương của các cơ quan chức năng được Thủ tướng giao nhiệm vụ. Bởi vì từ nay đến khi báo cáo kết quả trước Quốc hội, dự kiến vào cuối năm nay, quĩ thời gian còn lại cũng không nhiều so với một khối lượng công việc to lớn và phức tạp như vậy.
Theo VOVNews