Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nhấn mạnh, các nhà báo nên liên tục cập nhật những công cụ, kiến thức mới về AI. (Ảnh: NVCC) |
Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus cho rằng, với AI, chúng ta có thể sản xuất mọi nội dung, với thời gian thực, với đủ loại hình, đa ngôn ngữ trong thời gian ngắn nhất có thể. Điều đó có thể tạo ra nhiều thách thức với cơ quan báo chí này, nhưng lại mở ra cơ hội cho cơ quan báo chí khác...
Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với báo chí truyền thông trong việc sáng tạo nội dung và định hình tương lai của báo chí?
Chúng ta vẫn quen với các định danh thời kỳ Media 1.0 đến 3.0. Nhưng như cách ví von của Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới WAN-IFRA thì sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số là “sóng sau đè sóng trước”.
Trong một cuộc tọa đàm tôi tham dự mới đây, diễn giả Rashid Patel của Splice Media có nhắc đến Media 4.0, được dẫn dắt bởi AI tạo sinh (Generative AI). Hay nói cách khác, sự xuất hiện của Gen AI đã tạo ra cơn sóng mới làm thay đổi ngành truyền thông.
Đồng thời, cách thức tiếp nhận thông tin của độc giả cũng sẽ thay đổi. Thay vì gõ từ khóa lên thanh tìm kiếm của Google hay Bing như trước đây, họ sẽ hỏi các Chatbot để nhận câu trả lời trực tiếp, khỏi phải bấm vào các đường link. Trước nay, các công cụ tìm kiếm vẫn đem lại lượng traffic đáng kể cho các báo, nhưng liệu trong tương lai, có thể đó không phải là lưu lượng lớn nhất nữa.
Tóm lại, AI sẽ làm thay đổi nhiều thứ, từ cách sản xuất, phân phối cho đến tiếp nhận tin tức. Việc sản xuất các sản phẩm đa phương tiện sẽ dễ dàng hơn, thúc đẩy các tòa soạn giảm bớt số lượng bài viết, tăng cường các sản phẩm video, podcast.
Thống kê mới được công bố trong Báo cáo Kỹ thuật số của Viện Nghiên cứu Reuters và Đại học Oxford cho thấy, thế hệ Z thích xem video dạng dọc hơn bất kỳ định dạng thông tin nào khác. Mà Gen Z chính là lớp công chúng chủ yếu của báo chí vài năm tới.
Có hay không việc AI giúp tạo ra năng lực cạnh tranh của mỗi cơ quan báo chí truyền thông?
Chuyên gia AI Alex Moreno của Garcia Media từng nói, công nghệ làm báo sắp tới sẽ là “nghệ thuật prompt”. Ai biết cách gợi ý để chatbot trả lời một cách thông minh nhất thì có thể nắm lợi thế về mặt nội dung. Tức sẽ có một “cuộc đua prompt” giữa những người làm báo, giữa các tòa soạn, xem ai áp dụng được nhiều công cụ AI vào hoạt động sản xuất và phân phối thông tin.
"Nhiều tòa soạn mải miết theo đuổi các trend trên mạng xã hội mà quên mất rằng độc giả cần những thông tin hữu ích, mang tính 'chữa lành' hoặc giúp kết nối trong không gian thật ở thời đại mà ai cũng kết nối với nhau qua không gian ảo". |
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu người người nhà nhà đều prompt để tạo ra các tác phẩm báo chí thì những bài báo được viết bằng trí tuệ của con người sẽ được dán nhãn “premium”, đem lại giá trị cao hơn.
Dù thế nào thì, sử dụng AI vào báo chí là xu thế không thể cưỡng lại. Với AI, chúng ta có thể sản xuất mọi nội dung, với thời gian thực, với đủ loại hình, đa ngôn ngữ trong thời gian ngắn nhất có thể. Điều đó có thể tạo ra nhiều thách thức với cơ quan báo chí này, nhưng lại mở ra cơ hội cho cơ quan báo chí khác.
Nhiều hãng thông tấn trên thế giới đã sử sụng robot phóng viên để viết tin tức, bài báo. (Nguồn: Getty Images) |
Vậy việc phân tích dữ liệu độc giả bằng AI có khả quan?
Trong cuộc tọa đàm mà tôi vừa đề cập ở trên, chuyên gia Patel có nói, với AI, báo chí có thể hiểu rõ độc giả của mình và sẽ đi theo hướng sử dụng AI để tìm và nắm bắt nhu cầu thực sự của độc giả.
Điều đó đã diễn ra tại các tòa soạn trên thế giới lẫn Việt Nam, khi nhiều báo áp dụng mô hình User Needs (do BBC World Service khởi xướng, được nhân rộng qua chương trình Google News Initiatives) để tìm hiểu nhu cầu của độc giả, thông qua việc phân loại bài viết thành 8 loại nội dung, gồm: cập nhật cho tôi, giúp tôi hiểu sâu hơn vấn đề, truyền cảm hứng cho tôi, giúp đỡ tôi, chuyển hướng cho tôi, giúp tôi thoải mái hơn, giáo dục tôi và kết nối tôi.
Khi thực hiện việc phân tích như vậy, nhiều tòa soạn nhận thấy, lâu nay đi sai hướng, theo đuổi các “trend” trên mạng xã hội mà quên mất rằng độc giả cần những thông tin hữu ích, những thông tin mang tính “chữa lành”, hoặc giúp kết nối trong không gian thật ở thời đại mà ai cũng kết nối với nhau qua không gian ảo.
Thực tế hiện nay, việc nhà báo biết sử dụng AI như công cụ hỗ trợ là thế mạnh để tiết kiệm nguồn lực cũng như thời gian. Song, AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro?
Đúng là, việc sử dụng AI tiềm ẩn nhiều rủi ro, mà rủi ro lớn nhất là tạo ra thông tin giả mạo như nhiều người đã cảnh báo. Nỗi lo sợ dường như bị phóng đại. Trên thực tế, những quốc gia đưa ra những lời cảnh báo nhiều nhất lại đang âm thầm nghiên cứu, ứng dụng AI vì sợ tụt hậu trong cuộc đua này. Cuộc đua ấy đang giúp các công cụ AI ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn, nếu như năm ngoái chúng ta phải trả cái giá 100 USD cho việc thuê bao một công cụ trong vòng 1 tháng thì đến năm nay, chúng ta chỉ phải trả cái giá 10 USD mà thôi. Rất nhiều công cụ tiện ích hiện nay được các tòa soạn sử dụng với cái giá cực rẻ, nhưng lại sản xuất được những sản phẩm đa phương tiện chất lượng vượt trội.
Đơn cử như với công cụ Canva, chúng tôi mua tài khoản “pro” với giá chỉ chưa tới 2 triệu đồng, nhưng cho cả tòa soạn sử dụng trong vòng 1 năm, vừa để sản xuất các bài Mega Story, vừa làm Infographics, vừa dựng video…
Hay như ChatGPT cũng vậy, với tài khoản free, tôi có thể sử dụng để bóc dữ liệu thô, lọc và đưa vào bảng excel trước khi trực quan hóa thành các bảng biểu, phục vụ cho các dự án báo chí dữ liệu. Các công cụ đó giúp phóng viên, biên tập viên giải phóng sức lao động, dành được thời gian để sản xuất những sản phẩm báo chí chất lượng cao.
Khi mà trên mạng xã hội có nhiều tin giả, tin rác thì việc có thêm sự tham gia của AI trong sản xuất tin bài có đáng lo ngại?
AI được dùng để tạo ra tin giả thì AI cũng được sử dụng để xác thực thông tin. Thậm chí, nhờ AI mà việc “fact-check” còn diễn ra nhanh và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, nếu kẻ xấu chủ đích sử dụng AI để thao túng, sản xuất tin giả, tin rác với mật độ và số lượng dày đặc thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lớn đối với xã hội. Và như thế thì vai trò của các cơ quan báo chí chính thống sẽ được đề cao hơn.
Hơn thế, hiện nay chúng ta đánh giá tin tức không phải qua lượt xem, mà qua lượt tương tác, chia sẻ và cảm xúc của người dùng dành cho bài viết đó. Bởi vậy, có thể nói nói AI đang thay đổi báo chí, nhưng không phải “bẻ lái” mà điều chỉnh theo hướng tích cực và nhân văn hơn.
Lời khuyên dành cho người làm báo thời nay trước sự lên ngôi của công nghệ và mạng xã hội là gì?
Trong những tài liệu về chuyển đổi số, WAN-IFRA (Hiệp hội Báo chí thế giới) luôn khuyến nghị việc biến đào tạo thành công tác thường xuyên và liên tục. Các nhà báo nên liên tục cập nhật những công cụ, kiến thức mới về AI.
Song song với đó, cơ quan quản lý và mỗi tòa soạn báo cần đặt ra những bộ quy tắc, lằn ranh đạo đức trong việc sử dụng AI cho sản xuất sản phẩm báo chí.
Câu chuyện lúc này có phải là sự đổi mới của báo chí, thay đổi tư duy và dự báo?
Thời nào thì đó đều là những phẩm chất mà các lãnh đạo cơ quan báo chí cần có. Tôi xin bổ sung thêm những phẩm chất như: đón đầu xu hướng, dám thử nghiệm và dám chấp nhận thất bại.
Xin cảm ơn ông!