Sự kiện do Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức.
Đây là hoạt động tiếp nối của Tọa đàm lần thứ nhất với chủ đề “Xâm hại tình dục trẻ em – Im lặng hay lên tiếng”. Chuỗi tọa đàm nhằm mục tiêu định vị và thúc đẩy vai trò của các bên liên quan – các chủ thể có trách nhiệm thực hiện quyền trong công tác thực thi quyền trẻ em, cũng như việc giám sát thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết để đảm bảo việc bảo vệ quyền trẻ em nói riêng và quyền con người nói chung.
Phải "gài bẫy" để bắt tội phạm xâm hại tình dục
Theo CSAGA, luật pháp một số nước phát triển cho thấy ở những nước này hành vi phạm tội quấy rối tình dục không cần để lại dấu vết trên người nạn nhân vẫn bị kết tội. Thậm chí, chỉ cần tàng trữ ấn phẩm khiêu dâm trẻ em đã bị đi tù. Điều này trái ngược với hiện trạng pháp lý trọng chứng hơn trọng cung ở Việt Nam khi cần có bằng chứng cụ thể về xâm hại tình dục mới có thể cấu thành tội phạm, khiến tội danh dâm ô khó kết tội và xử lý triệt để.
Tại Tọa đàm, Luật sư Lê Luân đã kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em vào Bộ luật Hình sự. Trong đó, cần hình sự hóa 4 hành vi dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em: Tội chủ định gặp trẻ em với mục đích dâm ô, tội chủ ý khiêu dâm với trẻ em, tội chủ ý dụ dỗ trẻ em đồng thuận thực hiện hành vi tình dục và tội chủ ý chứa chấp, sử dụng các hình ảnh khiêu dâm trẻ em.
Các diễn giả tại tọa đàm (Ảnh: MEC) |
Theo Luật sư Lê Luân, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, sắp được thay thế bằng Luật Trẻ em 2016 (có hiệu lực vào ngày 1/7/2017), tuy đã có cụ thể một số quyền của trẻ em nhưng chưa bao hàm đầy đủ và cụ thể các quyền lợi mà trẻ em cần được bảo vệ tới mức tối ưu.
Luật sư Lê Luân phân tích, dâm ô không chỉ là hành vi xâm hại trực tiếp cơ thể nạn nhân mà có thể là bất kỳ “hành vi quấy rối tình dục” gián tiếp nào như gạ gẫm, gợi ý, rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp nhận “các hành vi tính dục” một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn… đều được hiểu đó là hành vi dâm ô có dấu hiệu tội phạm. Do đó, Luật cần bổ sung thêm tội danh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Cũng theo luật sư Lê Luân, các tội danh liên quan đến tình dục phải bị cấm vĩnh viễn việc hành nghề liên quan đến trẻ em, không được tiếp cận trẻ em, phải theo dõi và công khai tên tuổi, danh tính trên trang thông tin quốc gia, cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nếu tái phạm hoặc vi phạm các quy định về khoảng cách an toàn với trẻ em sẽ bị bắt giam trở lại.
“Thủ tục bắt đối với tội phạm loại này có thể dùng bẫy, tức cơ quan điều tra có thể dùng cách bẫy người thực hiện hành vi để thu thập chứng cứ, để bắt quả tang mà không lo ngại về sự bất hợp pháp của phương pháp này. Việc áp dụng bẫy người thực hiện hành vi để thu thập và tạo lập chứng cứ cần được sự cho phép của Tòa án hoặc Viện khiểm sát cùng cấp để đảm bảo tính khách quan, công khai” – ông Luân kiến nghị.
Đưa mục tiêu bảo vệ trẻ lên hàng đầu
Tại Tọa đàm, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật Fanci cho rằng, nên quy định cụ thể các hành vi dâm ô ngay nội hàm trong luật, không để trong thông tư nghị định.
Ngoài ra, nếu chỉ chú ý đến xử lý tội phạm thì dễ bỏ quên việc bảo vệ nạn nhân. Cần đưa mục tiêu bảo vệ trẻ lên hàng đầu thay vì chú ý đến xử lý tội phạm. Ngoài ra, nên có hình phạt chính và phụ, bên cạnh chế tài chung là giáo dục, răn đe, phòng ngừa thì nên áp dụng mức phạt tỷ lệ nghịch với tuổi trẻ em, tuổi càng nhỏ thì hình phạt càng tăng.
Ông Hoàng Mạnh Chiến - nguyên Cục phó Cục điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an chia sẻ kinh nghiệm. (Nguồn: MEC) |
“Tôi cho đó là phương án dễ làm, khoa học nhất vì tuổi càng nhỏ thì hậu quả càng lớn và lâu dài. Nên cho trẻ được đi trị liệu, giáo dục nhiều hơn là chuyển cho bố mẹ các em một khoản tiền vì không đúng đối tượng, không trúng vấn đề”, ông Tú nói.
Trao đổi về vai trò của truyền thông trong việc thông tin và ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, Luật sư Nguyễn Thế Truyền chia sẻ: “Chúng ta nếu không đi đúng quy trình thì cũng chỉ tạo ra một câu chuyện truyền thông mà thôi. Để một ý kiến, một kiến nghị được hiện thực hóa, được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khách quan, khoa học, không đơn giản xuất phát từ một hiện tượng mà phải được đánh giá dưới nhiều góc độ khác nhau".
Luật sư Truyền cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong việc lên tiếng, vào cuộc để bảo vệ trẻ em. Đồng thời, chính cha mẹ, thầy cô giáo cần có ý thức cao hơn trong việc dạy các em kỹ năng, truyền tai nhau qua các diễn đàn, thông qua các buổi ngoại khóa của học sinh về cách phòng chống bị xâm hại.
Với kinh nghiệm một điều tra viên, ông Hoàng Mạnh Chiến, nguyên Cục phó Cục điều tra tội phạm tham nhũng (Bộ Công an) cho hay: “Tội xâm hại tình dục trẻ em được coi là điều tra đặc biệt vì tính tế nhị, nhạy cảm, phức tạp. Vướng nhất của tội này là vấn đề chứng cứ. Nếu không tạo điều kiện để thu thập chứng cứ thì rất khó tố tụng, nhất là với nạn nhân các em nhỏ"
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA cảnh báo, văn hóa Việt Nam vẫn còn nhiều định kiến đối với phụ nữ và trẻ em. Nếu không được thay đổi, định kiến của người điều tra xét xử có thể cho ra những kết quả điều tra khác biệt. Vì vậy, cần tỉnh táo, nhất là khi điều tra về xâm hại tình dục.
Toàn cảnh tọa đàm. (Nguồn: MEC) |
Phản biện kiến nghị ngăn chặn hành vi dâm ô bằng biện pháp "thiến sinh học", Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Anh Tuấn (ATN Law Firm) lưu ý về vấn đề quyền con người.
“Pháp luật không phải để trừng trị mà để răn đe, cải tạo con người. Tội vi phạm đến đâu ,pháp luật xử lý đến đó. Có con là quyền cơ bản của con người, biện pháp thiến sinh học có thể vi phạm quyền con người và do đó phải rất cân nhắc khi đưa vào kiến nghị”- Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh.