Hội thảo Nâng cao vai trò của báo chí trong công tác phổ biến kiến thức và Tư vấn phản biện do Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - VUSTA tổ chức. (Ảnh: YN) |
Đó là quan điểm của nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Phụ trách báo Hà Nội mới tại hội thảo “Nâng cao vai trò của báo chí trong công tác phổ biến kiến thức và Tư vấn phản biện của Liên hiệp Hội Việt Nam” do Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng nay (29/9) tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí của VUSTA, công tác phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ cũng như nâng cao công tác tư vấn phản biện của Liên hiệp Hội trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, để nâng cao kỹ năng và đảm bảo các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích tập hợp đoàn kết các đội ngũ trí thức thì sự kiện hôm nay sẽ góp phần nâng cao vai trò tư vấn phản biện của các cơ quan báo chí trong VUSTA.
Hai lĩnh vực quan trọng của VUSTA đó là: Phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ; Tư vấn phản biện và giám định xã hội. Trong những năm qua VUSTA đã thực hiện thành công công tác tư vấn, phản biện xã hội đối với các dự án lớn, các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
ThS. Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của VUSTA thông tin, hiện VUSTA có một hệ thống báo chí lớn nhất cả nước. Thống kê chưa đầy đủ Liên hiệp Hội hiện đang có 69 tạp chí, 1 nhà xuất bản và 1 Báo.
"Tuy nhiên báo chí của chúng tôi trong thời gian qua chưa phát huy hết vai trò và chức năng của mình đối với các nhiệm vụ của VUSTA", ThS. Lê Thanh Tùng cho biết.
Trong tham luận của mình, ThS Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn phản biện và giám định xã hội - VUSTA khẳng định, vai trò của báo chí rất quan trọng và là một kênh tư vấn, phản biện hiệu quả.
Bên cạnh đó, báo chí còn là công cụ để lan tỏa thông điệp tư vấn phản biện cũng như góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của xã hội. Ngoài ra, báo chí cũng đã góp phần tạo sự công khai, minh bạch, dân chủ đối với các vấn đề về tư vấn phản biện.
Đưa ra một số bất cập, tồn tại của báo chí nói chung hiện nay, nhà báo Lê Hồng (Ban Truyền thông VUSTA) chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thị trường, một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, sa đà vào việc đưa tin tiêu cực và tệ nạn xã hội. Khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để kinh doanh báo chí ngày càng tăng.
Đặc biệt, hiện nay một số cơ quan báo chí hoặc nhà báo thường sa đà vào "mảng tối", mặt trái của đời sống xã hội, tạo nên bức tranh ảm đạm, bi quan. Những thông tin này tạo nên hiệu ứng không tốt trong công chúng, tạo cái nhìn sai lệch cho bạn đọc.
"Một số cơ quan báo chí và nhà báo sa đà vào các thông tin giật gân, mê tín dị đoan, bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, làm suy giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo chí nói chúng. Đây là xu hướng đáng báo động trong hoạt động báo chí", nhà báo Lê Hồng nhấn mạnh.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám – Báo Dân trí chia sẻ: Nói về phản biện tức là bày tỏ những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau xung quanh một vấn đề, một sự kiện nào đó. Vậy muốn có sự phản biện trước hết cần tôn trọng sự khác biệt. Nói cách khác, không có sự khác biệt, sẽ không có phản biện.
Phản biện trên cơ sở khoa học nhưng cần phải trên tinh thần thuyết phục. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành bại của phản biện. Muốn thuyết phục, ý kiến phản biện phải khách quan, trung thực và không có động cơ cá nhân. Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà cần phải có nghệ thuật thuyết phục.
“Thái độ của người phản biện là vô cùng quan trọng. Một ý tưởng rất hay, rất đúng, rất trung thực và thẳng thắn chưa chắc đã được chấp nhận nếu như không có cách nói, cách viết thuyết phục. Nghệ thuật của phản biện chính là sự thuyết phục”, nhà báo Bùi Hoàng Tám bày tỏ.
Chia sẻ tại Hội thảo, nhà báo Nguyễn Thành Lợi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay để phát huy chức năng giám sát xã hội của báo chí, chính quyền các cấp cần sử dụng thành thạo công cụ dư luận, đồng thời nâng cao trình độ giám sát, kiên trì khuynh hướng giám sát mang tính xây dựng, phát huy tốt vai trò tích cực và chủ động của báo chí trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội.
Nếu báo chí có thể triển khai hoạt động giám sát mang tính xây dựng một cách hiệu quả thì hiệu ứng tích cực của hoạt động này sẽ được thể hiện rất rõ, sẽ cùng các ban ngành của Chính phủ tạo dựng dư luận, chức năng giám sát xã hội cũng ngày càng rộng hơn.
Ngược lại, nếu là hình thức giám sát theo kiểu phanh phui, theo đuổi hiệu ứng “câu view”, chỉ tập trung vạch trần vấn đề và những bất cập trong xã hội mà không quan tâm đến vấn đề có được giải quyết hay không, sẽ khiến môi trường báo chí ngày càng xấu đi.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh: “Trách nhiệm xã hội của báo chí không chỉ là truyền bá thông tin, phản ánh sự thật, mà còn cần sự định hướng xã hội, quản lý xã hội. Có nghĩa, báo chí phải có trách nhiệm xã hội nhiều hơn với tư cách là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân”.
Thực tế cho thấy, báo chí cần chắt lọc thông tin, định hướng xã hội với lý trí và tầm nhìn rộng, thực tiễn đó có thể nâng cao trách nhiệm xã hội và ý thức công dân cho nhà báo. Đồng thời, cần phải đứng trên góc độ có lợi cho xã hội để lựa chọn đề tài và triển khai hoạt động đưa tin, giám sát xã hội hiệu quả.
Từ thực tế làm báo của mình, nhà báo Trọng An (Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Gia đình mới) cho hay, thông tin chỉ là một trong những luồng dữ liệu đầu vào của kiến thức. Thông tin đi rất nhanh. Kiến thức cũng bị cũ đi, nhưng chậm hơn. Nếu một tin tức hoặc một bài báo chứa thông tin bị cũ đi theo phút, theo giờ, thì "tuổi thọ" của một bài báo chứa kiến thức có thể tính theo tháng, theo năm, thậm chí lâu hơn.
Do vậy, theo ông An, môi trường Internet là nơi người dùng có nhiều lựa chọn hơn, có thói quen xem lướt qua hơn, thích những gì theo trend hơn. Do vậy, việc phổ biến kiến thức là một lựa chọn khó khăn hơn nhưng nếu kiến trì sẽ giữ chân được bạn đọc trung thành yêu tri thức.
Nhà báo Trọng An chia sẻ: "Qua Google, chúng tôi biết được người đọc tìm kiếm gì và từ đó cung cấp thông tin hữu ích hoặc kiến thức mà độc giả cần. Còn qua Facebook, chúng tôi xây dựng được các cộng đồng quan tâm tới thời trang, làm đẹp, kỹ năng sống... và giữ chân họ bằng fanpage, group... Khi kiên trì đi theo định hướng này, chúng tôi ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, ít chịu sự cạnh tranh hơn so với việc hàng ngày phải cập nhật tin tức nóng".