Khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Báo Dân Sinh) |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả nổi bật của điều hành kinh tế nhiệm kỳ qua là lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng, GDP năm 2015 đạt 193,4 tỷ USD, bình quân đầu người 2.109 USD.
Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Bên cạnh đó, công tác văn hóa, xã hội, cũng có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Chính phủ đã rất thẳng thắn khi thừa nhận nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều điểm hạn chế, yếu kém như việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững; cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách; thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế xã hội…
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) , Chính phủ đã xác định đúng những nguyên nhân chủ quan cản trở tiến trình phát triển kinh tế đất nước mà theo Phó Thủ tướng chính là nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực, cơ chế cung ứng dịch vụ công, giá dịch vụ trong giáo dục, y tế... chưa đủ rõ, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Từ những thành tựu đạt được và những tồn tại, thách thức trong 5 năm qua, Chính phủ rút ra 7 bài học kinh nghiệm cần tiếp thu để phát triển mạnh hơn, thực hiện tốt hơn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới. Trong đó, bài học số 1 là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển. Đây chính là bài học quan trọng và ý nghĩa nhất.
Ông Độ đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng thuận lợi cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế; đẩy mạnh đột phá, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, cải cách đầu tư công.