📞

Cần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để cạnh tranh với các nước ASEAN và trên thế giới

Nguyệt Hà 14:30 | 20/11/2023
ThS. Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel cho rằng, nền giáo dục Việt Nam từng bước thay đổi để giúp cho thế hệ trẻ phát triển sâu sắc hơn, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao để hội nhập, cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
ThS. Đinh Văn Thịnh cho rằng, Việt Nam cần tạo ra nguồn lực chất lượng cao để cạnh tranh trong khu vực ASEAN và trên thế giới. (Ảnh: NVCC)

Theo anh, làm sao để xây dựng được một nền giáo dục phục vụ con người, đặt con trẻ làm trung tâm, tạo ra những con người có chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển của đất nước?

Giáo dục là một phương diện không thể thiếu, vì giáo dục giúp duy trì và phát triển đời sống con người, giúp phát triển xã hội và đất nước. Mục tiêu của giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực có nhân cách tốt, có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng vững vàng, giáo dục về lòng yêu nước và phục vụ con người.

Để xây dựng một nền giáo dục phục vụ con người, lấy con trẻ làm trung tâm cần một số định hướng. Một là, đào sâu làm rõ các tiêu chí của triết lý giáo dục, các chương trình đào tạo, hoạt động giáo dục phải phát huy được kiến thức, tính sáng tạo, trui rèn đạo đức và nhân cách, kỹ năng, mang đậm bản sắc cá nhân của trẻ.

Hai là, mục tiêu quan trọng nữa trong giáo dục là tạo động lực, khơi dậy niềm đam mê, phát huy sự sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ và tính chủ động của mỗi trẻ.

Ba là, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ giáo dục am hiểu về triết lý giáo dục và tiêu chí giáo dục, để đào tạo thế hệ trẻ. Ngoài ra, nhà giáo dục cần nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, kỹ năng và khả năng quản lý, giám sát, yêu thương.

Anh có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?

Giáo dục người trẻ không chỉ gói gọn trong phạm vi trường học, cần tạo các hoạt động trải nghiệm thực tế cho người trẻ, tiếp xúc sát với xã hội và các doanh nghiệp, môi trường quốc tế. Đồng thời, nâng chuẩn đầu vào và đầu ra, các tiêu chí đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt, chú trọng sự trải nghiệm của cá nhân, sự sáng tạo.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển kỹ năng như: thích nghi, tự lập, tự kỷ luật, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng về giao tiếp, tương tác với xã hội, làm việc nhóm theo dự án… Ngoài ra, khả năng về ngôn ngữ và am hiểu đa văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc nước nhà.

Giáo dục người trẻ về thế giới số, sử dụng thành thạo công nghệ và làm chủ được công nghệ số, giúp học tập, làm việc, kết nối hiệu quả.

Xã hội phát triển, nhịp sống ngày càng nhanh, áp lực trong học tập và công việc, mối quan hệ ngày càng cao, vì thế các căng thẳng thần kinh và rối loạn tâm thần xuất hiện. Do vậy, quan tâm chăm sóc sức khoẻ tinh thần và thể lực cho người trẻ là điều rất cần thiết.

Đầu tư và tạo cơ hội cho người trẻ phát huy tính thẩm mỹ và đạo đức trong mọi khía cạnh cuộc sống xã hội. Vì chính điều này sẽ cho người trẻ tạo ra những sản phẩm tốt đẹp cho cộng đồng và thể lực bền, giúp làm việc lâu dài và cống hiến sâu sắc.

Anh nghĩ gì về câu hỏi làm gì để có nền giáo dục thực tài, thực học, tiến tới hội nhập quốc tế?

Để có một nền giáo dục thực tài, thực học thì cần thay đổi các tiêu chí đánh giá khen thưởng và công nhận từ xã hội. Nếu một nền giáo dục, đánh giá cao về bằng cấp hơn những thành tựu mà một cá nhân đạt được, góp phần thay đổi và xây dựng cộng đồng xã hội, thì nền giáo dục ấy sẽ làm đất nước và thế hệ trẻ đi chậm lại so với các nước bạn và trên thế giới.

Muốn hội nhập quốc tế, đất nước cần những người trẻ có tài năng và khả năng tự học gắn với thực tiễn, tạo ra thành tựu và sản phẩm tốt trong quá trình học tập, làm việc.

Hơn thế, lòng yêu thương con người và khiêm tốn sẽ giúp cho người trẻ chịu lắng nghe và học hỏi mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình, người trẻ yêu thương con người, sẽ tìm cách phát huy các kiến thức học được và bằng khả năng sáng tạo, trí tuệ của mình tạo ra những dự án và sản phẩm phục vụ phát triển con người và đất nước.

Muốn hội nhập quốc tế, cần những người trẻ có tài năng và khả năng tự học gắn với thực tiễn, tạo ra thành tựu và sản phẩm tốt trong quá trình học tập, làm việc. (Ảnh: NVCC)

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 có nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Vấn đề làm sao để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ?

Để thế hệ trẻ bản lĩnh và trí tuệ cần sự đồng bộ của nhà trường, gia đình và xã hội. Đầu tiên là sự giáo dục từ trong gia đình. Gia đình phải là nơi dạy cho con sự tự lập, kỷ luật, biết chịu trách nhiệm và giáo dục cho con những kiến thức, đạo đức cơ bản, chuyên sâu. Bản lĩnh từ việc tự đứng dậy khi trẻ còn nhỏ, biết làm những việc vừa sức trong gia đình, biết phụ giúp, quan tâm chia sẻ và hỗ trợ. Cha mẹ là người đồng hành và trả lời những kiến thức khi con trẻ đặt câu hỏi, điều này sẽ cho con những kiến thức đầu đời và trí tuệ vững vàng.

Nhà trường giúp thế hệ trẻ học tập chuyên môn, gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội, đất nước. Tạo điều kiện và động lực cho thế hệ trẻ nghiên cứu về lĩnh vực thế mạnh và được giám sát, được góp ý và phát triển. Tạo không gian, điều kiện trải nghiệm cho thế hệ trẻ vận dụng các kiến thức đã học giúp ích cho cộng đồng thông qua các dự án của môn học, phát triển kỹ năng mềm và giáo dục về lòng yêu nước, sự biết ơn và giá trị của tình yêu thương cho thế hệ trẻ.

Xã hội tạo các sân chơi trải nghiệm và các hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương, phát huy thế mạnh của người trẻ phục vụ cho địa phương của mình, tạo ra các chương trình đào tạo thế hệ trẻ bản lĩnh và trí tuệ thông qua các cuộc thi và thử thách sáng tạo khởi nghiệp. Khuyến khích người trẻ bằng những học bổng giao lưu quốc tế với các nước trong ASEAN, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giữa các bạn trẻ với nhau.

Nhìn ra các nước ASEAN, chúng ta có thể học được gì?

Nhìn ra các nước ASEAN có thể thấy, giáo dục là phương diện quan trọng đặc biệt, được các nước quan tâm, được đầu tư sâu sắc như Singapore, Philippines, Malaysia hay Indonesia… Có thể nói, Việt Nam cũng đã có những bước đi đúng đắn trong giáo dục, về chương trình đào tạo và hội nhập quốc tế. Nền giáo dục Việt Nam từng bước thay đổi để giúp cho thế hệ trẻ phát triển sâu sắc hơn nữa và tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước và hội nhập, cạnh tranh được với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Bên cạnh đó, suy nghĩ về việc đầu tư đào tạo miễn phí hoặc đóng học phí thấp, tạo điều kiện cho trẻ học các cấp học cơ sở, phổ thông là điều cần thiết và đáng lưu tâm, giúp trẻ đến trường đầy đủ, phát triển nhân cách, giáo dục khía cạnh về văn hóa, kỹ năng, tránh xa các tệ nạn xã hội. Ở bậc học cao hơn, cần có những chính sách hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn để được học tập và phát triển bản thân.

Ngoài ra, quyết tâm đào tạo và triển khai nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh thật chặt chẽ và sâu sắc hơn nữa sẽ giúp kết nối trong khu vực ASEAN và thế giới. Các trường cần có nhiều chính sách, hoạt động thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập và làm việc để tăng cơ hội tương tác, giao lưu bằng ngoại ngữ, cùng hợp tác làm việc, tạo ra những thành tựu ý nghĩa gắn kết, với mục đích chung là phục vụ con người.

Cuối cùng, đầu tư và phát triển các cơ sở vật chất giáo dục, đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng trung tâm nghiên cứu cho các lĩnh vực khác nhau trong xã hội và ứng dụng vào thực tiễn, tạo điều kiện tham gia vào các dự án phục vụ cộng đồng, các nghiên cứu khoa học tạo ra giá trị, có ý nghĩa đích thực.

Xin cảm ơn anh!