Người viết xin đưa ra một cách nhìn đa chiều về báo cáo lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam, nhằm hướng người sử dụng thông tin tới một sự cẩn trọng cần thiết khi phân tích đầu tư.
“Trứng vàng” từ kinh doanh trái phiếu
Theo các phương tiện thông tin đại chúng, một số ngân hàng đã có kết quả lãi tạm tính (chưa kiểm toán) cho năm 2008 rất ấn tượng.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vượt lên dẫn đầu thị trường với số lợi nhuận trước thuế 3.352 tỷ đồng, tăng 300 tỷ so với 2007. Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) 2.300 tỷ đồng, Ngân hàng Công Thương (VietinBank) 1.600 tỷ đồng, ACB 2.556 tỷ đồng, Techcombank 1.600 tỷ đồng, Ngân hàng Liên Việt mới thành lập lãi 444 tỷ đồng...
Hầu hết các ngân hàng đều báo cáo các khoản lãi lớn từ kinh doanh trái phiếu năm 2008, một mảng kinh doanh được gọi là “gà đẻ trứng vàng”.
Điều này hoàn toàn có thể nếu nhìn vào thực tế lợi suất trái phiếu trong năm lên tới trên 20%/năm do ảnh hưởng của lạm phát, tăng lãi suất cơ bản và làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư nước ngoài. Lợi suất trái phiếu chính phủ có thời điểm lên cao hơn lãi suất huy động của ngân hàng là một điều bất hợp lý về khoa học rủi ro nhưng lại là cơ hội cho các ngân hàng.
Các ngân hàng lớn với khả năng thanh khoản dồi dào là những ngân hàng tận dụng được cơ hội “ngàn vàng” này. Chỉ trong 2 tháng cuối năm, lãi suất cơ bản được cắt giảm liên tục từ 14%/năm về 8.5%/năm (hiện tại là 7%/năm), đã làm cho lợi suất trái phiếu trên thị trường giảm nhanh và mạnh.
Đây chính là lúc các ngân hàng bán ra thu lợi nhuận để báo cáo cuối năm.
“Đảo lợi suất” trái phiếu
Trong thực tế, do xu thế lãi suất tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2009 và nguồn thanh khoản khá dồi dào, việc bán trái phiếu của nhiều ngân hàng chỉ mang tính chất “hình thức”, nhằm hợp lý hóa các khoản lãi trái phiếu cho mục đích báo cáo tài chính.
Sau khi thực hiện giao dịch bán, có khả năng các ngân hàng mua lại ngay trạng thái danh mục của mình nhằm đón đợi các quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản tiếp theo của Ngân hàng Nhà Nước trong 2009.
Chỉ những ngân hàng nào khó khăn thanh khoản và không dự báo đúng xu hướng cắt giảm lãi suất tiếp theo mới bán trái phiếu mà không mua lại.
Chính vì lý do này mà hoạt động mua bán trái phiếu cuối năm hết sức nhộn nhịp. Theo thống kê của HASTC và HOSE, khối lượng và giá trị giao dịch trái phiếu tăng đột biến trong tháng 12 (là tháng có giá trị giao dịch lớn nhất trong năm), trong khi giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài lại giảm.
Về bản chất, các ngân hàng có thể đã thực hiện một việc đơn giản là “đảo lợi suất” (yield roll) trái phiếu để hợp lý hóa lợi nhuận.
Có nhiều cách làm việc này, không ngoại trừ việc các ngân hàng có thể “hợp tác” với nhau để thực hiện việc đảo lợi suất trái phiếu này một cách dễ dàng thông qua các hợp đồng bán và hợp đồng mua lại. Trong trường hợp này, ngân hàng đối tác chỉ đóng vai trò "giúp bạn" hạch toán giao dịch.
Hệ quả của màn ảo thuật "khắc xuất, khắc nhập" này là danh mục trái phiếu có lợi suất cao (15-24%/năm) mua trong năm được thay thế bằng danh mục trái phiếu có lợi suất thấp (8-10%/năm) mua cuối năm. Khoản lợi nhuận thu được là hoàn toàn “thật” xét về khía cạnh kinh tế cũng như kế toán.
Nói một cách ví von thì đây là một ca ép gà đẻ non để lấy trứng vàng ra rồi cho ấp tiếp để hy vọng ra trứng bạc. Theo một bài báo trên tờ Đầu tư Chứng khoán, có ngân hàng chỉ cần thực hiện một lệnh bán trái phiếu cuối năm đã hạch toán 500 tỷ đồng vào lợi nhuận, bằng 1/3 lợi nhuận cả năm.
Một số ngân hàng đã đạt đủ lợi nhuận để báo cáo sẽ không cần “đảo lợi suất” toàn bộ danh mục trái phiếu của mình mà có thể sẽ găm lại một phần làm của để dành cho 2009, một năm kinh doanh được dự báo cũng hết sức khó khăn.
Như vậy, số lãi tiềm ẩn trong các danh mục trái phiếu của ngân hàng có thể vẫn chưa thể hiện hết. Với việc lãi suất cơ bản tiếp tục hạ xuống mức 7%/năm có hiệu lực từ ngày 1/2/2009 vừa qua, danh mục trái phiếu của các ngân hàng lại tiếp tục đẻ thêm “trứng bạc” cho những tháng đầu năm 2009.
Hạn chế của các chuẩn mực kế toán?
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngân hàng phải thực hiện động tác “đảo lợi suất” trái phiếu này để báo cáo lãi?
Điều này có thể giải thích do hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện chưa cho phép các ngân hàng “đánh giá lại” (mark to market) các tài sản tài chính. Do đó, động tác “đảo lợi suất” trái phiếu sẽ giúp ngân hàng biến lãi chưa thực hiện (unrealised gains) thành lãi thực hiện (realised gains) một cách hợp pháp.
Chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 39 (Ghi nhận và đánh giá các công cụ tài chính) hay chuẩn mực kế toán FAS 157 (Ghi nhận theo giá trị hợp lý) của Mỹ đều có những quy định về kế toán theo giá trị hợp lý (fair value acccounting) đối với các loại tài sản và công nợ tài chính.
Việc này nhằm tăng cường tính cập nhật của thông tin kế toán cho quản trị rủi ro cũng như việc đưa ra các quyết định kinh doanh. Trong khi đó hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) chưa có các chuẩn mực tương đương.
Tại Việt Nam, đầu tư trái phiếu vẫn được hạch toán theo nguyên tắc giá phí lịch sử mà chưa được phép đánh giá lại theo giá trị thị trường. Sự thiếu hụt này buộc các ngân hàng phải sáng tạo ra biện pháp “đảo lợi suất” nhằm hợp lý hóa lợi nhuận. Hệ quả của việc này là ngân hàng có thể điều chỉnh được lợi nhuận của mình theo mục tiêu của ban điều hành cho từng giai đoạn.
Điểm bất cập thứ nhất đó là việc ngân hàng có quyền lựa chọn trái phiếu cần đảo mà không tiến hành đảo toàn bộ danh mục một cách thống nhất. Việc chọn các trái phiếu có lợi suất cao hơn lợi suất thị trường để đảo sẽ tạo ra các khoản lãi. Ngược lại, việc chọn các trái phiếu có lợi suất thấp hơn lợi suất thị trường để đảo có thể tạo ra các khoản lỗ. Tùy theo mục đích báo cáo, các ngân hàng sẽ lựa chọn một chiến lược đảo phù hợp.
Với áp lực báo cáo lãi như 2008 thì chắc chắn các trái phiếu lợi suất thấp sẽ không được đảo mà sẽ ghi nhận theo giá lịch sử. Điều này cũng có nghĩa là có thể tồn tại các khoản lỗ “chìm” hợp lý. Việc lựa chọn các khoản mục để hợp lý hóa theo hướng có lợi được gọi là hiện tượng “hái cherry” (cherry picking) trong kế toán.
Một vấn đề rất quan trọng không thể nhìn được từ những con số lợi nhuận đẹp là sự tương quan giữa tài sản và nguồn vốn của ngân hàng. Với xu hướng lãi suất huy động tăng rất cao trong 2008, chắc chắn nhiều ngân hàng vẫn còn “ngậm đắng” các nguồn vốn huy động với lãi suất cao 15-20%/năm với các kỳ hạn khác nhau.
Trong khi các tài sản có lợi suất cao được định giá lại một cách khá “tinh tế”, thay thế bằng các tài sản lợi suất thấp thì các khoản nguồn vốn huy động trả lãi cao lại không được định giá lại một cách tương tự. Điều này sẽ tạo ra một bảng cân đối có cơ cấu lệch lạc trong năm 2009.
Để hiểu rõ điều này, chúng ta lấy một ví dụ đơn giản: một ngân hàng phát hành kỳ phiếu trong năm 2008 với mức lãi suất 18%/năm cho kỳ hạn 3 năm. Ngân hàng dùng đúng số tiền này đầu tư trái phiếu chính phủ lợi suất 20%/năm cùng kỳ hạn 3 năm. Cơ cấu tài sản, nguồn vốn này cho phép ngân hàng khai thác chênh lệch lợi suất 2%/năm. Đến cuối năm cả kỳ phiếu (nguồn vốn) và trái phiếu (tài sản) đều còn thời hạn trên 2 năm.
Với lợi suất thị trường đối với kỳ hạn 2 năm còn 8-10%/năm thì việc đảo lợi suất trái phiếu sẽ tạo ra khoản lãi lớn. Tuy nhiên, chỉ đảo tài sản mà không đảo nguồn vốn sẽ cho phép ngân hàng báo lãi trên tài sản mà tránh báo lỗ trên nguồn vốn. Trong khi nhà đầu tư mua kỳ phiếu ngân hàng có thể bán lại kỳ phiếu này với mức giá cao hơn mệnh giá nhiều trên thị trường thì ngân hàng chỉ ghi nhận phần công nợ bằng mệnh giá phát hành. Đây chính là điểm bất cập thứ 2.
Việc đảo lợi suất của tài sản mà không thực hiện cho nguồn vốn sẽ tạo ra sự méo mó trong cơ cấu bảng cân đối của ngân hàng. Trong ví dụ trên cơ cấu “lợi suất đầu tư 20% - lợi suất huy động 18%” (lãi 2%) được chuyển thành một cơ cấu mới “lợi suất đầu tư 9% - lợi suất huy động 18%” (lỗ 9%). Việc rút lãi 2008 có thể tạo ra các khoản lỗ trong năm 2009 và các năm sau đến khi kỳ phiếu đáo hạn.
Việc sử dụng các kỹ thuật kế toán để điều chỉnh kết quả kinh doanh là vấn đề không mới trên thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2007, khi thị trường cổ phiếu thăng hoa thì các ngân hàng và công ty chứng khoán Việt Nam cũng đồng loạt báo lãi nhờ nghệ thuật định giá lại giá cổ phiếu thông qua việc bán cổ phiếu hoặc đảo giá cổ phiếu (bán thu lãi rồi mua lại với giá vốn cao hơn).
Dự phòng nợ xấu
Đến thời điểm này thì các số liệu về lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng đều chưa được kiểm toán.
Trong năm 2008, cùng với khó khăn của nền kinh tế, lãi suất cho vay tăng cao thì rủi ro tín dụng đã tăng lên mức khá cao. Hơn nữa, với sự tăng trưởng tín dụng quá nóng trong thời gian ngắn cuối năm 2007, đặc biệt là đối với các loại hình cho vay mới như tín dụng tiêu dùng và tín dụng nhà ở thì các ngân hàng thương mại Việt Nam đều chưa có những số liệu lịch sử cũng như mô hình tin cậy trong việc xác định tổn thất nợ xấu. Việc đảo nợ, gia hạn nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ, khoanh nợ có thể làm cho các số liệu dự phòng khó chính xác.
Dự phòng tín dụng là một ước tính kế toán mang tính chủ quan cao và cũng là một “van” điều khiển lợi nhuận hiệu quả của các ngân hàng. Kinh nghiệm các ngân hàng quốc tế cho thấy các khoản lỗ lớn của họ trong năm qua chủ yếu do trích lập dự phòng một cách nghiêm túc như dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng liên quan đến vụ lừa đảo 50 tỷ USD của Bernard Madoff.
Sự cẩn trọng hợp lý
Việc các ngân hàng kinh doanh trái phiếu có lãi trong năm 2008 là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc sử dụng các kỹ thuật kế toán trong khi chuẩn mực kế toán của Việt Nam chưa hoàn chỉnh có thể giúp các ngân hàng đưa ra các con số lợi nhuận kế toán đẹp đẽ hơn cho năm 2008.
Với việc nợ xấu tín dụng chưa thể xác định thì các con số dự phòng có thể cũng chưa phản ánh hoàn toàn đầy đủ. Các nhà đầu tư nên có sự cẩn trọng hợp lý khi phân tích đánh giá lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2008.
Bài viết này chỉ mang tính chất phân tích chung mà không ám chỉ một ngân hàng cụ thể nào. Việc phân tích một ngân hàng cụ thể cần có các số liệu chi tiết về cơ cấu lợi suất của các danh mục tài sản và nguồn vốn cũng như tỷ trọng đầu tư trái phiếu trong tổng tài sản.
Người viết cho rằng các ngân hàng mới thành lập với nguồn vốn cổ đông dồi dào sẽ có lợi thế lợi tận dụng cơ hội kinh doanh trái phiếu trong năm 2008 và việc đảo lợi suất không tạo ra những rủi ro của bảng cân đối trong 2009. Tác động đối với các ngân hàng khác có thể sẽ lớn hơn.
Các nhà đầu tư cần chờ đợi thêm các xác nhận báo cáo kiểm toán trước khi có thể tin cậy các số liệu lợi nhuận công bố. Các nhà đầu tư cũng cần đọc các ý kiến không chấp thuận (qualification) đưa ra trong các báo cáo kiểm toán thay vì chỉ tập trung vào báo cáo tài chính.
Các ngân hàng không nên tranh thủ các bất cập của hệ thống kế toán để điều chỉnh lợi nhuận theo các mục tiêu ngắn hạn. Một cơ chế quản trị doanh nghiệp (corporate governance) tốt sẽ có khả năng ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của mối quan hệ mâu thuẫn lợi ích truyền thống giữa ban điều hành - cổ đông, tạo ra lòng tin của công chúng và sự phát triển bền vững của ngân hàng.
Bộ Tài chính và Hiệp hội Kế toán nên nghiên cứu hoàn chỉnh thêm hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo hướng phù hợp với các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), đặc biệt đối với kế toán các công cụ tài chính.
Theo TBKTVN