Bà đã đảm nhiệm vị trí đại sứ Canada ở Việt Nam được gần 1 năm, các ưu tiên của bà trong nhiệm kỳ tại Việt Nam là gì?
Trước tiên phải nói rằng những ưu tiên này được xây dựng dựa trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Canada. Các ưu tiên của tôi là mở rộng quan hệ và thúc đẩy hợp tác sâu hơn ở mỗi lĩnh vực. Đây sẽ là cách để chúng ta xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó, ưu tiên của tôi còn là xây dựng hình ảnh Canada ở Việt Nam, giúp người Việt hiểu rõ đất nước chúng tôi đại diện cho điều gì. Năm nay kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Liên bang Canada, nên chúng tôi quảng bá về 4 chủ đề của lễ kỷ niệm này bao gồm: sự đa dạng và thống nhất, hòa nhập với người bản xứ, biến đổi khí hậu sạch và công nghệ sạch.
Bà có nhận định gì về định hướng phát triển hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng?
Vũ trụ không gian và công nghiệp quốc phòng là những lĩnh vực mà chúng tôi rất hy vọng có thể hợp tác với Việt Nam.
Về các hoạt động hợp tác khác, Canada mong Việt Nam xem xét mở rộng vai trò trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Chúng tôi rất vui lòng cộng tác với những đơn vị liên quan (của Việt Nam) trong lĩnh vực đó.
Khi Bộ trưởng Ngoại giao Canada thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái, ông cũng đã tới thăm bệnh viện quân đội ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó chắc chắn là lĩnh vực mà đôi bên có thể tiếp tục tăng cường hợp tác.
Đại sứ Canada tại Việt Nam khẳng định, vũ trụ không gian và công nghiệp quốc phòng là 2 lĩnh vực Canada muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam. |
Đại sứ từng có mặt tại sự kiện tàu chiến HMCS Vancouver đến TP.HCM hồi tháng 10/2016. Khả năng các tàu chiến Canada sẽ ghé thăm cảng Việt Nam trong tương lai?
Không có gì là không thể. Tôi cũng mong là sẽ có những chuyến thăm khác. Nhưng thực tế là vị thuyền trưởng rất lo lắng khi tàu đi qua sông Mekong, bởi khu vực này không sâu lắm, nước lại chảy xiết. Nên tôi nghĩ việc tàu thăm cảng là có thể nhưng chúng tôi sẽ phải tìm cảng khác.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, nhưng con số tổng kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt 5,5 tỷ USD. Như vậy là rất hạn chế?
Đúng vậy. Chúng ta vui mừng về con số hiện nay nhưng hợp tác thương mại còn có thể tiến xa hơn thế rất nhiều. Đây cũng là thách thức cho tôi khi thực hiện các ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
Canada không có nhiều công ty lớn trong lĩnh vực thu hút đầu tư truyền thống mà Việt Nam đang tìm kiếm. Chúng tôi không có công ty lớn tới Việt Nam để xây dựng nhà máy, thực hiện dự án nhằm thu hút vốn đầu tư FDI về cho Việt Nam.
Thế mạnh thực sự của chúng tôi là trong ngành dịch vụ. Đối tượng mà các công ty Canada có thể hợp tác là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Việt Nam, giúp họ phát triển sản xuất hay thực hiện các dự án.
Bạn nói đúng, 5,5 tỷ USD là một khởi đầu tốt. Chúng ta hy vọng con số đó sẽ tăng lên nhiều hơn nữa. Muốn thế, cần phải cho các doanh nghiệp thấy họ có lợi khi hợp tác với nhau.
Có điều gì mà chúng tôi có thể học từ Canada trong việc khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs)? Đây là vấn đề mà chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm.
Tôi rất vui khi chính phủ Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế là ưu tiên và bản thân ngài Thủ tướng rất tích cực trao đổi với các doanh nghiệp, cũng như quan tâm tới những vấn đề nhỏ như đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều này thực sự rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Về câu hỏi Việt Nam có thể học gì, tôi nghĩ các bạn ý thức được điều cần làm, nhưng thách thức luôn nằm ở những vấn đề cụ thể, ở câu hỏi “làm như thế nào”, và ở việc áp dụng các khung thể chế cần thiết. Đó là nhiệm vụ không hề dễ.
Các bạn cũng cần tạo ra một môi trường thuế thuận lợi, bởi cuối cùng chính phủ vẫn cần có thu nhập. Chúng tôi cũng có mạng lưới về phúc lợi xã hội và chương trình bảo hiểm việc làm. Canada đã trải qua quá trình công nghiệp hóa, nghiệp đoàn hóa, do đó lực lượng lao động, luật lao động của chúng tôi được xây dựng khá tốt.
Một trong những điều quan trọng nhất là Canada đã sớm tham gia và tin tưởng vào hệ thống thương mại đa phương, có nghĩa rằng luôn luôn cố gắng đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất (của quốc tế) để thành công.
Nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ ở Canada đều hoàn hảo. Chúng tôi cũng gặp thách thức về thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Đối với Việt Nam, vấn đề về cơ sở hạ tầng hiện nay là do dân số đông và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng.
Theo Đại sứ Ping Kitnikone, còn rất nhiều thách thức mà Chính phủ Việt Nam cần giải quyết. |
Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Canada, bà có nghĩ đó là giới hạn dành cho chúng ta?
Hoàn toàn không. Điều chúng tôi cần làm là nỗ lực hơn nữa để quảng bá (về giáo dục Canada) ra bên ngoài. Thực tế là mọi người biết về Canada nhưng theo một cách khá chung chung. Thông điệp của chúng tôi là họ sẽ có những trải nghiệm đáng giá ở Canada.
Từ kinh nghiệm của bản thân cũng như với tư cách đại sứ, tôi có thể nói rằng bất cứ sinh viên quốc tế nào ở Canada, bao gồm cả du học sinh Việt Nam, cũng sẽ được trải nghiệm sự đa dạng trong xã hội của chúng tôi. Đó là môi trường rất an toàn, chất lượng giáo dục cao.
Về mặt giá cả, Canada cũng rất có lợi thế. Hiện nay mệnh giá đồng đô la Canada thấp hơn đồng đô la Mỹ, điều này có lợi cho những học sinh quốc tế muốn tới học ở Canada.
Tôi cũng muốn nói thêm là với sinh viên Việt Nam, một trong những điểm hấp dẫn khi theo học tại Canada là có thể vừa học vừa làm việc bán thời gian. Sau khi tốt nghiệp, nếu muốn, họ luôn có cơ hội tìm được một công việc ở Canada trước khi trở về nước.
So sánh với con số trên, số lượng du học sinh Việt Nam ở Mỹ hiện cao hơn gấp 5,6 lần ở Canada, bà nghĩ sao về điều này?
Một trong những thách thức của chúng tôi là vấn đề thương hiệu. Các bậc phụ huynh muốn điều tốt nhất cho con mình, họ luôn xem xét tất cả các trường đại danh tiếng nhất.
Đôi khi vấn đề còn là do mạng lưới cựu sinh viên nữa. Mạng lưới cựu du học sinh Việt Nam ở Mỹ rất mạnh, trong khi điều này khá mới mẻ ở Canada và đây là thứ mà chúng tôi cần xây dựng.
Liệu các trường Canada có tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam, như nhiều quốc gia khác đã mở các trường quốc tế ở đây? Tôi được biết Trường quốc tế Canada (CISS) ở Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ thành công…
Đúng vậy. Họ đang rất thành công, thậm chí tôi được biết là trường đã kín chỗ. Hiện Canada có 2 tới 3 đại học và trường cao đẳng đang mong muốn mở trường quốc tế cũng như trường song ngữ ở Hà Nội và các thành phố khác.
Vấn đề là tìm được đối tác thích hợp. Chúng tôi cần tìm địa điểm cũng như đối tác địa phương có chung tư tưởng với Canada về triết lý giáo dục. Chúng tôi muốn đảm bảo cung cấp chương trình học của Canada theo cách tốt nhất. Một số trường đại học Canada đang cân nhắc và tìm kiếm cơ hội ở Hà Nội. Hy vọng là họ có thể sớm đi tới quyết định.
Canada có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy tự do thương mại tại khu vực. Bà có cảm thấy thất vọng trước xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên trong thời gian gần đây?
Canada từ lâu đã ủng hộ tự do thương mại và luôn đặt niềm tin vào hệ thống tự do thương mại song phương cũng như đa phương. Tôi cho rằng việc ngăn chặn tư tưởng chủ nghĩa bảo hộ dường như đang lan tràn trên toàn cầu là trách nhiệm của tất cả chúng ta.
Canada vẫn tiếp tục cam kết với tự do thương mại. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu tính khả thi của hiệp định thương mại tự do Canada - ASEAN. Liên quan tới APEC, chúng tôi tiếp tục coi APEC là một diễn đàn quan trọng nơi mà chúng ta có thể tiếp tục khích lệ các nền kinh tế thành viên mở cửa, tự do hóa.
Chúng tôi có thất vọng không ư? Bạn biết đấy. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chúng tôi biết cam kết của mình là gì, và mong muốn tiếp tục thúc đẩy nó. Canada sẽ tiếp tục ủng hộ một hệ thống thương mại mở, tự do trên toàn cầu.
Bà Kitnikone nhấn mạnh, Canada có lợi ích lâu dài tại khu vực. |
TPP là thỏa thuận tự do thương mại khu vực được các nước kỳ vọng rất nhiều nhưng nay, với việc Mỹ rút, nhiều ý kiến cho rằng TPP đã chết. Bà đánh giá như thế nào về triển vọng của TPP khi không có sự tham gia của Mỹ?
Tại cuộc họp bên lề hội nghị APEC SOM 2 ở Hà Nội, 11 nước còn lại của TPP đã ra tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy hiệp định. Trong buổi họp báo kết thúc SOM 2, đại diện thương mại của Mỹ đã nói rõ quan điểm (rút khỏi TPP và không quay trở lại hiệp định), nhưng đối với Canada, chúng tôi vẫn tiếp tục xem xét TPP và làm việc với các đối tác.
Canada đang tập trung nhiều hơn vào Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hơn là TPP?
Tôi cho rằng đây không phải cuộc chơi “được chỗ này, mất chỗ kia”. Đúng là chúng tôi đang phải xét lại NAFTA nhưng việc này không phủ nhận lợi ích chúng tôi có ở TPP.
Chúng tôi cũng đang tiếp tục cân nhắc về tính khả thi của FTA giữa Canada với ASEAN và rất mong có thể xây dựng được một hiệp định như vậy.
Thủ tướng Canada nói mọi thứ sẽ tốt đẹp khi chúng tôi nhìn nhận bản thân mình như là cây cầu kết nối Đại Tây Dương với những mối liên hệ lịch sử. Nhưng Canada cũng là cây cầu nối với châu Á - Thái Bình Dương nữa, bởi chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng Canada là một quốc gia thuộc khu vực này.
Có thể nói Canada có lợi ích lâu dài tại khu vực. Chúng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục coi châu Á Thái Bình Dương, ASEAN, Việt Nam là những khu vực quan trọng đối với Canada.
Liệu Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới?
Cá nhân Thủ tướng là người hoạt động rất tích cực. Chúng tôi rất mong ông ấy sẽ tới thăm Việt Nam và tôi cũng nghĩ là Thủ tướng đang mong muốn hiện diện ở khu vực.
Xin chân thành cám ơn bà!
Đại sứ Ping Kitnikone bắt đầu công việc tại Việt Nam từ tháng 9/2016. Trước đó bà là Giám đốc Vụ các vấn đề toàn cầu, Bộ Ngoại giao Canada. Từ 2010-2014, bà làm Tham tán Thương mại tại Đại sứ quán Canada ở Bangkok (Thái Lan). Bà cũng từng có thời gian nhiệm kỳ ở Bombay (Ấn Độ). Bà Kitnikone là người có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề thương mại đa phương và toàn cầu hóa. |