Sinh viên tại trường Đại học McGill ở Montreal, Canada. (Nguồn: Radio-Canada) |
Theo chính phủ Canada, nước này sẽ cắt giảm thêm 10% số lượng giấy phép du học cấp cho sinh viên quốc tế trong 2 năm tới (2025 và 2026) để giảm bớt khoảng 300.000 giấy phép du học tính từ thời điểm này. Trong năm nay, số lượng giấy phép du học dự kiến là 485.000, nhưng mới chỉ cấp hơn 200.000.
Bà Trần Xuân An, Giám đốc điều hành Bui Immigration, chia sẻ rằng chính phủ Canada đang thắt chặt và rất hạn chế số lượng sinh viên quốc tế vào nước này. Có rất nhiều điều kiện sẽ thay đổi đối với những ứng viên muốn xin visa du học hoặc visa lao động vào Canada thời gian tới. Theo bà, nguyên nhân chính là Bộ Di trú nước này muốn tập trung giữ các ứng viên hiện đang học tập, chuẩn bị tốt nghiệp và làm việc ở trong Canada.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Công ty Du học StudyLink chi nhánh Calgary, Alberta, Nguyễn Hồng Hà cho biết, mặc dù có thêm những quy định mới, gồm cả việc không cấp phép làm việc trong 3 năm cho sinh viên theo học chương trình cao đẳng, nhưng Chính phủ Canada vẫn để ngỏ việc tuyển dụng đối với các ngành nghề đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Danh sách những ngành nghề ưu tiên này có thể sẽ được công bố chính thức vào tháng 11 tới.
Một số chuyên gia về nhập cư nhận định rằng chính phủ và cơ quan nhập cư Canada có lẽ đang hướng tới việc lựa chọn những sinh viên muốn tới nước này để học tập thực sự và cũng là để bảo đảm chất lượng giáo dục của họ.
Cùng với việc hạn chế số lượng du học sinh, chính phủ Canada còn đặt ra một số quy định mới nhằm giảm tổng số lượng người tạm trú từ 6,5% hiện nay xuống còn 5% trong thời gian tới. Điều này có thể tạo ra thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho các sinh viên Việt Nam nếu lựa chọn theo học các ngành nghề thiếu hụt nhân lực như kỹ thuật, công nghệ, y tế hay giáo dục.
Các biện pháp mới sẽ tác động không nhỏ tới sinh viên quốc tế, đặc biệt là du học sinh Việt Nam do số lượng hồ sơ được duyệt sẽ giảm, dẫn đến sự cạnh tranh tăng cao. Nhưng bà Trang Phan cho rằng, sinh viên Việt Nam cần lên kế hoạch từ sớm, chuẩn bị hồ sơ về học lực và tài chính, đồng thời tìm hiểu kỹ các quy định mới để có cơ hội du học và làm việc tại Canada trong tương lai.
Theo đó, các sinh viên cần chuẩn bị kỹ lưỡng về học lực và tài chính để tối đa hóa cơ hội được chấp thuận. Sinh viên cũng cần tập trung vào các ngành thiếu hụt lao động và có khả năng xin giấy phép lao động sau tốt nghiệp, hạn chế việc chọn các trường tư hoặc chương trình học ngắn hạn.
Bà Hồng Hà của Công ty du học StudyLink nhận định, thực tế số lượng giấy phép du học được cấp cho tới nay thấp hơn 50% so với chỉ tiêu, nên không phải quá lo lắng về việc không được cấp thị thực hay giấy phép du học. Mối quan tâm chính là những ngành học mà sinh viên Việt Nam sẽ lựa chọn, cũng như việc chứng minh khả năng tài chính.
Theo số liệu thống kê, số lượng giấy phép du học đã được cấp trên thực tế ở Canada cho đến thời điểm này là vào khoảng 230.000, chưa đầy 50% so với chỉ tiêu của năm 2024. Điều này có thể mở ra cơ hội cho các du học sinh Việt Nam nếu họ chuyển sang học các ngành nghề mà Canada đang thiếu hụt như đã đề cập ở trên. Việc Canada áp dụng chính sách mới để hạn chế sinh viên quốc tế có thể vừa gây khó khăn, nhưng cũng mở ra cơ hội cho các du học sinh có chiến lược linh hoạt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Việc hạn chế số lượng sinh viên của chính phủ Canada có thể được hiểu là một cuộc sàng lọc nhằm loại bỏ vấn nạn lợi dụng chính sách du học để vào lao động và tiến tới định cư. Các sinh viên Việt Nam có hồ sơ học thuật tốt, có điều kiện tài chính mạnh và quyết tâm du học chắc chắn sẽ vẫn được lựa chọn.
Giám đốc Xuân An của Bui Immigration cho rằng các biện pháp mới của Chính phủ Canada trong thời gian qua và sắp tới chỉ là việc sàng lọc ứng viên và người nhập cư có trình độ tốt về chuyên môn, kỹ năng và ngoại ngữ để vào đây học tập cũng như làm việc và đóng góp cho nền kinh tế nước này.