📞

Căng thẳng Anh - Iran: Đánh đông, đe tây

Dịch Dung 10:41 | 22/07/2019
TGVN. Vùng Vịnh lại bất ngờ có diễn biến mới dồn dập. Anh - Iran căng thẳng quan hệ sau các vụ tàu chở dầu bị bắt giữ. Iran theo đuổi mục đích gì trong chuyện này? Triển vọng? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Trong số các đồng minh của Mỹ, nước Anh luôn hăng hái và năng động hơn cả trong chủ trương chống Iran.

Những tình huống mới

Ở khu vực vùng Vịnh lại bất ngờ có diễn biến mới dồn dập. Iran bắt giữ một con tàu chở dầu mà họ cho là buôn lậu dầu và không có quốc gia nào trên thế giới nhận là thuộc sở hữu của mình. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên cáo, hải quân Mỹ ở vùng Vịnh bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của Iran trong khi Iran quả quyết không có chiếc máy bay không người lái nào của mình bị bắn rơi và thậm chí còn công bố video clip chứng minh rằng, phía Mỹ đã "quân ta bắn quân mình" trong vụ việc này. Chính quyền Gibraltar thuộc Anh vẫn bắt giữ con tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Và Tehran kiểm soát cũng như bắt giữ một số con tàu chở dầu lưu thông ở vùng Vịnh với lý do không tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp lý quốc tế về hàng hải nói chung và đặc biệt cho vùng Vịnh nói riêng.

Hiện tại, thiên hạ để ý nhiều nhất đến việc Iran bắt giữ con tàu chở dầu Stena Impero của Anh. Vụ việc này mới là nguyên do chính khiến cho bầu không khí chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trở nên thêm ngột ngạt.

Ông Trump đã quyết định điều động thêm 500 lính Mỹ đến Saudi Arabia và đương nhiên không quên lớn giọng đe nẹt Iran. Iran chủ động tung ra bằng chứng về những vi phạm luật pháp quốc tế và quy định chung của con tàu kia. Phía Anh coi việc Iran bắt giữ con tàu này là hành động khủng bố. Một số nước thành viên EU và NATO ở châu Âu phải ủng hộ quan điểm của Anh nên lên tiếng đòi Iran thả con tàu này.

Tại sao lại căng với Anh?

Trong chính trị thế giới và quan hệ quốc tế lập tức hình thành ngay khái niệm "Chiến tranh tàu chở dầu" hay "Khủng hoảng tàu chở dầu". Lập tức, lo ngại sâu sắc lại bùng lên về nguy cơ xảy ra đụng độ vũ trang lần này không phải giữa Iran và Mỹ nữa mà giữa Anh và Iran. Kịch bản này rồi đây có xảy ra hay không có thể thấy được ở câu trả lời cho hai câu hỏi mấu chốt nhất hiện tại là vì sao nổi cộm bất hoà giữa Anh và Iran cũng như Mỹ, Anh hay các đồng minh của họ hoặc cùng các đồng minh của họ tới đây sẽ đối phó Iran như thế nào.

Ở Iran, kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Mỹ bị coi là "Quỷ sa tăng lớn" và Anh bị coi là "Quỷ sa tăng nhỏ". Người Iran chưa nguôi ngoai chứ không nói là quên thực dân Anh đã bóc lột đất nước này tệ hại như thế nào và đã cùng CIA của Mỹ năm 1953 lật đổ chính quyền của thủ tướng Mossadegh ở Iran. Người Iran nhìn nhận Mỹ và Anh trên phương diện thù địch với Iran tuy hai nhưng lại là một. Trong số các đồng minh của Mỹ, nước Anh luôn hăng hái và năng động hơn cả trong chủ trương chống Iran.

Ông Trump đã kích hoạt cuộc đối địch trực tiếp hiện tại giữa Mỹ và Iran. Hai bên rất găng với nhau cả trên dư luận lẫn trên thực địa ở vùng Vịnh, nhưng trong thâm tâm không có chủ ý gây chiến tranh với nhau và tránh lỡ bước hay quá đà trong chuyện này. Mọi động thái ở từ hai phía đều cho thấy, cả hai tuy biểu lộ sẵn sàng chơi sát ván với nhau nhưng trong thực chất là tìm cách xuống thang căng thẳng với nhau sao cho vừa giữ được thể diện lại vừa không bị coi là thất thế hay yếu thế. Trong bối cảnh tình hình ấy, Iran theo đuổi ba mục đích chính với việc bắt giữ con tàu chở dầu Stena Impero của Anh.

Ba mục tiêu của Iran

Thứ nhất, Iran cần có hình ảnh và cảm nhận về đáp trả thích đáng việc Anh bắt giữ con tàu chở dầu Grace 1 của Iran để trang trải nhu cầu đối nội cũng như đối ngoại, thực hiện tuyên bố là "người sao, ta vậy" sau khi Anh bắt giữ con tàu chở dầu Grace 1 của Iran. Xem ra, Iran còn muốn làm cho Anh thấy sẽ phải trả giá như thế nào nếu còn theo Mỹ chống Iran, thậm chí còn "cầm đèn chạy trước ô tô" trong chuyện cùng Mỹ chống Iran.

Thứ hai, Iran dùng việc này để chuyển tải thông điệp tới Mỹ rằng, Tehran không nói suông mà sẵn sàng hành động như đã tuyên cáo để phía Mỹ không hiểu sai và càng không nên bất chấp những thể hiện ý chí và quan điểm thái độ của Iran. Mục đích ngăn chặn đụng độ quân sự và chiến tranh giữa Mỹ và Iran cũng ở đấy. Rất có thể ở đây Iran đã trù liệu rằng Mỹ không có nhiều tàu chở dầu đi lại ở vùng Vịnh và không thể bao cấp sự đảm bảo an ninh cho tất cả những con tàu chở dầu khác không phải của Mỹ ở vùng Vịnh, kể cả khi có con tàu chở dầu nào đó của Anh. Thông điệp của Iran cho Mỹ còn có thể là Tehran không nương tay với Anh, nhưng sẽ không làm tổn hại Mỹ nếu Mỹ không tấn công quân sự Iran.

Thứ ba, Iran chủ ý cảnh báo và răn đe tất cả các đối thủ và địch thủ khác của mình về chống Tehran nói chung và đe dọa an ninh của các tàu thuyền của Iran trên thế giới nói chung.

Iran giờ không làm găng thêm với Mỹ nhưng lại thêm quyết liệt với Anh để dùng việc xử lý chuyện khúc mắc với Anh tác động trực tiếp tới Mỹ. Những động thái mới từ phía Mỹ cho thấy Mỹ không có chủ ý dùng biện pháp quân sự để giúp Anh giải quyết vấn đề của Anh với Iran. Chính phủ Anh chắc rồi sẽ còn thuyết phục Mỹ, EU và NATO tăng cường trừng phạt, cô lập Iran và thậm chí sử dụng cả những tối hậu thư nào đấy để gia tăng áp lực đối với Iran. Chỉ mấy ngày nữa thôi, danh tính thủ tướng mới của Anh sẽ được xác định. Nhưng cả hai ứng cử viên còn lại là Boris Johnson và Jeremy Hunt đều không đưa ra được ý tưởng khả dĩ nào giải quyết được cuộc khủng hoảng này ngoài mạnh miệng lớn giọng đe nẹt Iran.

Bắt giữ con tàu chở dầu của Anh giúp Iran cùng lúc đạt được nhiều mục đích. Nhưng giữ con tàu ấy lâu sẽ lại lợi bất cập hại đối với Iran. Cho nên Iran chắc rồi sẽ không nhất khoát dùng con tàu Stena Impero để đánh đổi lấy con tàu Grace 1.

Và chuyện giữa Iran và Anh sẽ không trở thành ngòi nổ, cái cớ hay giọt nước tràn ly để đụng độ vũ trang bùng phát giữa Mỹ và Iran ở vùng Vịnh.

Dịch Dung