📞

Căng thẳng Armenia-Azerbaijan: Iran sẵn lòng làm trung gian hòa giải, Thượng nghị sĩ Mỹ đề nghị cắt đứt viện trợ an ninh cho Baku

Hạnh Lê 10:34 | 05/10/2023
Ngày 4/10, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết, Tehran sẵn sàng góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Caucasus, đồng thời giải quyết những bất đồng giữa Armenia-Azerbaijan.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thể hiện thiện chí của Tehran trong việc giúp hòa giải Armenia-Azerbaijan, cũng như đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực Caucasus. (Nguồn: AP)

Văn phòng Tổng thống Iran cho biết, ông Ebrahim Raisi đã đưa ra tuyên bố trên trong các cuộc gặp riêng ở Tehran với Thư ký Hội đồng An ninh Armenia Armen Grigoryan và ông Khalaf Khalafov - đại diện của Tổng thống Azerbaijan về các công việc đặc biệt.

Trong cuộc gặp với ông Grigoryan, Tổng thống Iran đã phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của nước ngoài vào khu vực Caucasus, đồng thời khẳng định sự bất đồng giữa Armenia và Azerbaijan cần được giải quyết thông qua đối thoại.

Bên cạnh đó, ông Raisi kêu gọi bảo vệ quyền và an ninh của người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh và khẳng định, Tehran sẵn sàng giúp đỡ để đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Caucasus.

Về phần mình, quan chức Armenia cảm ơn Iran vì đã ủng hộ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, theo ông Khalafov, Azerbaijan tin rằng các vấn đề hiện nay cần được giải quyết thông qua hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia trong khu vực.

Đồng thời, ông cho biết, Baku hoan nghênh bất kỳ cuộc đối thoại nào, đặc biệt là theo thể thức 3+3, nhằm tăng cường hợp tác khu vực và giải quyết các vấn đề của khu vực. Thể thức 3+3 gồm ba quốc gia Armenia, Azerbaijan và Georgia, cùng ba nước láng giềng là Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, tân Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Ben Cardin đã kêu gọi ngừng viện trợ an ninh cho Azerbaijan sau khi lực lượng nước này chiếm lại vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh từ tay những người ly khai gốc Armenia.

Thượng nghị sĩ Ben Cardin nhấn mạnh: “Khi thế giới tiếp tục vật lộn với chiến dịch thanh lọc sắc tộc có chủ đích và mang tính phối hợp của Azerbaijan, chúng ta phải ưu tiên hỗ trợ những người Armenia bị trục xuất cũng như (buộc) Azerbaijan phải chịu trách nhiệm”.

Theo đó, ông kêu gọi Mỹ ngừng hỗ trợ an ninh làm đòn bẩy để ngăn chặn Azerbaijan dùng vũ lực thiết lập một hành lang trên bộ bên trong Armenia để kết nối với vùng lãnh thổ Nakhchivan của nước này.

Sau chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào cuối tháng trước ở Nagorno-Karabakh, chấm dứt sự kiểm soát hàng thập kỷ của những người ly khai gốc Armenia tại đây, Azerbaijan và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ý muốn thiết lập một hành lang trên bộ tới Nakhchivan, vùng đất của Azerbaijan nằm trong Armenia.

Sự hỗ trợ của Mỹ cho Azerbaijan đã bị Quốc hội Mỹ hạn chế theo một đạo luật có từ năm 1992 nhằm cấm viện trợ an ninh cho nước này. Tuy nhiên, các Tổng thống Mỹ hàng năm đều bãi bỏ các hạn chế này với lý do vì lợi ích an ninh quốc gia của Washington.

Năm ngoái, một báo cáo của chính quyền Mỹ cho biết Azerbaijan đã nhận được 164 triệu USD tiền hỗ trợ an ninh của Mỹ từ năm 2002-2020.

(theo Reuters/Tân Hoa Xã)