Liệu có tránh được xung đột Mỹ - Iran?. (Nguồn: DailyBeast) |
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến thì giới cố vấn và các đồng minh lại “rục rịch” cho khả năng này. Liệu ván cược này của Trump đối với Iran có thành công hay không và quan điểm của Iran như thế nào về tình hình căng thẳng hiện nay?
Vùng Vịnh: Ván cược nguy hiểm của ông Trump
Với tựa đề “Trump ở trong Vùng Vịnh: Mối nguy hiểm” trên tờ Le Monde, nhà bình luận Alain Franchon nhận định chiến tranh phát sinh là vì sự hiểu lầm. Hiện nay, tại Vùng Vịnh, Mỹ và Iran đang có nguy cơ tiến gần đến sự hiểu lầm.
Để thực hiện chiến lược gây sức ép với Iran, Trump thắt chặt quan hệ với Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou và Thái tử kế vị Saudi Arabia Mahammed Ben Salman. Bộ ba này lại được bổ sung thêm hai “thầy dùi” hiếu chiến, nguy hiểm là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, không giấu diếm ý định thay đổi chế độ tại Tehran. Ý đồ này của ngoại trưởng và cố vấn an ninh Mỹ có thể đẩy Iran đi đến phạm sai lầm và làm bùng nổ chiến tranh.
Ông Trump không muốn đối đầu quân sự với Iran vì ông được bầu lên với cam kết rút quân khỏi vùng Trung Đông, nhưng đáng ngại là hai “phụ tá” hiếu chiến, Mike Pompeo và John Bolton. Iran cũng không muốn đối đầu quân sự với Mỹ, nhưng ai có thể bảo đảm là đồng minh của Tehran, lực lượng Houthi ở Yemen, có cùng quan điểm với nước này?
Theo Alain Franchon, Tổng thống Trump - tỷ phú địa ốc, người luôn tự hào là nhà thương thuyết tài giỏi - đã đặt mức cá cược rất cao trong hồ sơ Iran. Có thể là cách làm này của ông Trump mang lại hiệu quả trên thị trường địa ốc New York nhưng không thể áp dụng trong chính trị quốc tế. Trong lĩnh vực này, tốt hơn hết là đừng để ai mất mặt, cho dù đó là Trung Quốc, Iran hay Triều Tiên.
Bình luận về tình hình trên Sputnik, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự, nhà khoa học chính trị Sergey Sudakov cho rằng phần lớn dòng chảy dầu mỏ Iran đi qua eo biển Hormuz, do Iran kiểm soát. Và nếu Mỹ tấn công các tàu chiến đang thực hiện nhiệm vụ phong tỏa eo biển Hormuz thì điều này có nghĩa là xung đột trực tiếp - một trường hợp kinh điển, là chiến tranh. Đánh giá vị trí của Mỹ trong cuộc đối đầu này, ông nói: “Mỹ đang cố gắng hành động như ‘người bảo vệ thế giới’. Trên thực tế, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích của mình và họ không hiểu rằng có thể thay đổi chính sách ‘ra lệnh’, chuyển sang chính sách ‘thỏa thuận, nhượng bộ’. Hiện giờ Mỹ đã tập trung một nhóm quân sự đáng kể, có thể bắt đầu tấn công vào các vị trí của lực lượng hải quân Iran”.
Ông Sergey Sudakov cũng lưu ý, nếu Mỹ gây chiến với Iran, điều này sẽ làm phức tạp cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới: “Nếu ông Trump muốn dấn vào cuộc chiến lớn với Iran, điều đó có nghĩa là cơ hội tái đắc cử của ông sẽ rất ít, vì người Mỹ không bao giờ bỏ phiếu cho một tổng thống gây chiến”.
Thông điệp hỗn độn từ Iran
Vào thời điểm đối đầu leo thang với Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lên tiếng bác bỏ khả năng xảy ra chiến tranh trong khu vực, khẳng định Tehran không muốn xung đột và rằng không nước nào lại có ảo tưởng có thể đối đầu Iran. “Sẽ không có chiến tranh bởi chúng tôi không muốn điều đó và cũng không nước nào ảo tưởng nghĩ rằng họ có thể đối đầu Iran”, ông Zarif tuyên bố trước khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cũng lưu ý rằng chính Trump đã tuyên bố không muốn có một cuộc chiến, song đội ngũ cố vấn lại thúc đẩy chiến tranh với cái cớ là muốn Mỹ hùng mạnh hơn Iran. Ngoại trưởng Iran cũng nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc và Nga “có những hành động cụ thể” nỗ lực cứu vớt thỏa thuận hạt nhân 2015.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Phó tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammad Saleh Jokar tuyên bố các tàu chiến của Mỹ ở Vùng Vịnh nằm trong tầm bắn tên lửa Iran, đồng thời nhận định Washington không đủ sức cho một cuộc chiến tranh mới. “Ngay cả tên lửa tầm ngắn của chúng tôi có thể dễ dàng vươn tới tàu chiến Mỹ ở Vùng Vịnh. Mỹ không thể có đủ tiền cho cuộc chiến mới”, ông này tuyên bố. Hãng tin tức bán chính thức Mehr của Iran dẫn lời người đứng đầu quân đội Iran, Thiếu tướng Abdolrahim Mousavi tuyên bố: “Nếu kẻ thù tính toán sai lầm và gây ra sai lầm chiến lược thì họ sẽ nhận sự đáp trả mà họ sẽ phải hối tiếc (vì hành động của mình). Người đứng đầu ủy ban an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh kêu gọi trên mạng xã hội Twitter rằng Mỹ và Iran cần thiết lập một “bàn thương lượng” để giúp giảm căng thẳng, ngăn chặn chiến tranh.
Iraq “đu dây”
Ngạn ngữ có câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Trong cuộc đọ sức giữa Iran và Mỹ này, bất hạnh thay đó chính là Iraq. Báo Le Monde cho biết “Iraq, trong tâm bão cuộc đọ sức giữa hai nước đỡ đầu, Mỹ và Iran”.
Hãng tin AFP cho rằng, mặc dù Iraq chẳng xa lạ gì với các cuộc chiến tranh liên miên song căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran khiến nhiều người tin rằng sẽ kéo theo một cuộc xung đột mới giữa các đồng minh chủ chốt, trong đó Iraq sẽ là “bên thua thiệt đầu tiên”.
Sau khi ngầm hợp tác chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq, Mỹ và Iran quay lại đối đầu nhau, lao vào một cuộc chiến khác: Tranh giành ảnh hưởng tại Iraq. Theo Le Monde, Chính quyền Washington thực hiện chính sách “áp lực tối đa” với Iran còn vì hai mục tiêu khác: Thứ nhất là gây sức ép buộc Baghdad phải hạn chế giao thương với quốc gia láng giềng Iran, đối tác kinh tế không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực chủ chốt của nước này. Thứ hai là nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng của phe dân quân tự vệ hệ phái Shia thân Iran ngay trong lòng bộ máy an ninh của Iraq. Phe này đã gia tăng thế lực tại nghị viện trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 5/2018 và liên tiếp có những lời lẽ khiêu khích chống lại Mỹ nhưng đã không thành lập được một liên minh đa số để buộc Mỹ phải rút hết 5.200 quân ra khỏi lãnh thổ.
Làm thế nào giữ được thế cân bằng giữa hai cường quốc? Đây sẽ là một bài toán khó cho Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi, vốn có chủ trương “ôn hòa”.