Quan hệ Nga-Mỹ nảy sinh căng thẳng mới sau bình luận gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: PTE) |
Giới phân tích cho rằng sắp tới Mỹ có thể áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga sau báo cáo tình báo Mỹ về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020.
Mặc dù, các biện pháp trừng phạt sắp tới của Mỹ khó có thể cản bước Nga, song sẽ phát đi tín hiệu rằng Washington tiếp tục sẵn sàng công khai quy trách nhiệm cho Moscow đối với những hành động mà họ coi là nguy hiểm.
Trong khi đó, "lửa phẫn nộ" cũng bùng phát tại Moscow và nhiều ý kiến cho rằng Mỹ có thể "phải trả giá" nếu áp đặt những đòn trừng phạt này đối với Nga.
Những cái giá phải trả
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải "trả giá". Dự kiến, Mỹ sẽ áp đặt các đòn trừng phạt ngay trong tuần này, bao gồm các biện pháp phong tỏa tài sản của Nga tại Mỹ nhằm ngăn chặn Moscow phát hành trái phiếu nợ công.
Nga bác bỏ lời cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử Mỹ cũng như chủ mưu tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm xâm nhập vào mạng lưới máy tính các cơ quan chính phủ Mỹ thông qua công ty công nghệ SolarWinds của Mỹ.
Tin liên quan |
Cùng lúc 'gay gắt' với cả Nga và Trung Quốc, ông Biden đang thực sự muốn gì? |
Điện Kremlin cũng bác bỏ những thông tin cho rằng Moscow đã treo thưởng cho lực lượng Taliban sát hại binh sỹ Mỹ tại Afghanistan.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo mới đây đã nhanh chóng nhất trí gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), song ông Biden đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn nhiều đối với Nga so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Cả Mỹ và Nga đều công khai bày tỏ những vấn đề gây bất đồng trong quan hệ song phương. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước, Tổng thống Biden nói rằng nhà lãnh đạo Nga là một "kẻ sát nhân". Về phần mình, ông Putin cũng đáp lại rằng "người nói ra điều đó chính là người làm điều đó".
Giới phân tích cho rằng các đòn trừng phạt tới đây khó có tác dụng răn đe Nga song là biện pháp cần thiết để Mỹ thể hiện thái độ cứng rắn hơn khi đối phó với các chiến dịch tác động từ bên ngoài nhằm lôi kéo dư luận về phía ông Trump như báo cáo đánh giá mà tình báo Mỹ công bố gần đây.
Ông Andrew Weiss, thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhận định: "Đó là vấn đề về lâu dài đối với các nước phương Tây và chúng ta không kỳ vọng chính quyền Washington sẽ có thể sớm giải quyết được vấn đề".
Mặc dù vậy, ông Andrew Weiss cho rằng với các lệnh trừng phạt sắp tới, Washington muốn phát đi thông điệp rằng Mỹ đang dõi theo những hoạt động của Nga và sẽ công khai lên án những hành động đó.
Một cựu quan chức Mỹ giấu tên cho rằng mặc dù không làm thay đổi cách hành xử của Moscow trong ngắn hạn, song các đòn trừng phạt như vậy giúp vạch ra những ranh giới rõ ràng về những điều mà Mỹ không thể chấp nhận đối với Nga.
Vị quan chức này nói: "Điều mà chính quyền ông Biden đang nỗ lực triển khai liên quan đến chính sách đối với Nga là răn đe và ngăn chặn Nga thực hiện những hành động gây rủi ro, thể hiện thái độ và lập trường rõ ràng đối với những hành động mà Nga sẽ phải trả giá, song cũng vạch ra những lĩnh vực hạn hẹp mà cả hai có thể hợp tác".
Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?
Hãng tin Reuters cho rằng, ông Biden có nhiều "công cụ" để trừng phạt Nga, mà một trong số đó là Sắc lệnh Hành pháp 13848 cho phép Mỹ đóng băng tài sản của bất kỳ thực thể hoặc cá nhân nước ngoài nào tại Mỹ mà bị phát hiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp vào bầu cử Mỹ.
Hồi năm 2019, sau khi chính phủ Anh cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh để sát hại cựu điệp viên Sergei Skripal, ông Trump đã cấm các ngân hàng Mỹ tham gia thị trường sơ cấp phát hành trái phiếu nợ công của Nga theo mệnh giá đồng Rouble.
Thời điểm hiện tại, ông Biden có thể sẽ mạnh tay hơn ông Trump bằng cách áp dụng những giới hạn nói trên đối với cả những trái phiếu nợ chính phủ của Nga bằng được định giá bằng đồng Rouble hoặc áp dụng các biện pháp này trên cả thị trường thứ cấp.
Một quan chức Nga giấu tên đã hạ thấp tính hiệu quả của các đòn trừng phạt của Mỹ nói chung, đồng thời cho rằng những biện pháp hạn chế đối với nợ chính phủ của Nga sẽ không tác động nhiều đến "những tính toán của Thống thống Nga Putin".
Tuy nhiên, ông Dan Fried, từng là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở châu Âu, đã miêu tả ông Putin là "một nhân vật biết tính toán hợp lý những rủi ro và lợi ích dựa trên quan điểm riêng của mình".
"Lịch sử Liên Xô cho thấy sức ép quốc tế kéo dài cùng với sự đình trệ trong nước cả về chính trị và kinh tế chỉ khiến ban lãnh đạo Nga tái đánh giá đường hướng hành động của họ một cách chiến lược hơn", ông Dan Fried nhấn mạnh.
Liệu những đòn trừng phạt của Mỹ với Nga sẽ khiến Mỹ phải "trả giá" hay không? (Nguồn: Pell Center) |
Sự đáp trả của Nga
Theo trang mạng Tạp chí The National Interest, một ngày sau khi ông Biden bình luận ông Putin là "kẻ sát nhân", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov trở về Moscow để tham vấn về những đối sách với Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ hiện nay.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng đáp lại bình luận của ông Biden rằng: "Khi chúng ta đánh giá người khác hoặc thậm chí đánh giá các nước khác đó là lúc giống như khi chúng ta nhìn vào gương. Chúng ta luôn thấy mình ở đó và chúng ta luôn coi người khác giống như những gì chúng ta thể hiện trong gương và những gì đích thị là chúng ta".
Bình luận của ông Biden cũng kích động cơn phẫn nộ tại Moscow. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho rằng bình luận của ông Biden với tư cách nhà lãnh đạo Mỹ là "chưa từng có tiền lệ".
Hiện xuất hiện sự đồng thuận sâu rộng ở Moscow rằng Nga cần đáp trả Washington bằng cách nào đó, song lại không có sự thống nhất nào về phương thức đáp trả cụ thể.
Tin liên quan |
Nga triệu hồi Đại sứ tại Mỹ: Cuộc đối đầu chính trị trầm trọng hơn |
Một số ý kiến cho rằng Nga có thể tạm thời đình chỉ việc thực hiện New START mới được gia hạn gần đây.
Trong khi đó, ông Igor Korotchenko, một thành viên thuộc Hội đồng Cố vấn thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng Moscow cần "tung" thêm gián điệp nằm vùng tại Mỹ.
Một số ý kiến khác cho rằng Nga có thể trả đũa bằng cách tỏ ra thời ơ trước các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ về các lĩnh vực kinh tế, quân sự và chính trị. Hiện Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ đối sách chính thức nào.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã có bước đi không theo thông lệ khi mời ông Biden tham gia một cuộc đối thoại trực diện và cởi mở, cho rằng cuộc đối thoại như vậy sẽ "là mối quan tâm của cả người dân Nga và người dân Mỹ".
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 19/3 giải thích rằng đề nghị của ông Putin là nỗ lực nhằm duy trì quan hệ song phương.
Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hiện chưa có bất kỳ thông tin nào về cuộc gặp trong tương lai giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.