Mối quan hệ giữa Ukraine-Nga chưa được cải thiện cơ bản trong khi Mỹ, EU và NATO tiếp tục coi Nga là mối đe doạ an ninh trực tiếp. (Nguồn: dailysabah) |
BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Những gì hiện đang xảy ra ở Ukraine và giữa Nga-Ukraine khiến liên tưởng đến tình trạng cách đây 7 năm mà diễn biễn “dây mơ rễ má” tiếp theo cuối cùng dẫn đến việc Nga tiếp nhận Crimea và giao tranh vũ trang giữa quân đội chính phủ Ukraine với lực lượng ly khai ở vùng Donbass và Luhansk trong lãnh thổ Ukraine.
Khác biệt với ‘ác mộng xưa’
Phía Ukraine viện dẫn bằng chứng về việc Nga triển khai quân đội ở vùng biên giới giữa Crimea và Ukraine cũng như giao tranh giữa lực lượng ly khai ở vùng Donbass với quân đội chính phủ Ukraine để cáo buộc Nga chuẩn bị đưa quân đội sang lãnh thổ Ukraine.
Phía Nga đương nhiên bác bỏ những cáo buộc này. Bảy năm trước đây, phía Ukraine, NATO và EU đều bị bất ngờ bởi kịch bản chính trị và quân sự mà Nga thực hiện ở Ukraine. Nó trở thành cơn ác mộng thường trực suốt từ đó đến nay đối với Ukraine, NATO và EU. Và nó thử thách chính quyền mới ở Mỹ trong xử lý quan hệ của Mỹ với Nga.
Liên quan đến Ukraine, hiện tại khác so với cách đây 7 năm là Ukraine có tổng thống mới. Và Tổng thống mới ở Mỹ, ông Joe Biden, là người hiểu biết rất tường tận về những gì đã xảy ra ở bên trong Ukraine và giữa đất nước này với Nga, Crimea đã trở thành một phần của Liên bang Nga và ông Vladimir Putin vẫn là Tổng thống Nga, chính phủ Ukraine không còn có thể kiểm soát được hai vùng lãnh thổ ly khai cả bằng biện pháp chính trị lẫn quân sự cũng như có Thoả thuận Minsk từ năm 2015 về ngừng bắn ở Ukraine.
Hiện tại có thể thấy tình hình chung là thoả thuận kia không hẳn đến nỗi hữu danh vô thực nhưng không có hiệu lực thực tế là chấm dứt giao tranh vũ trang ở Ukraine giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai cũng như giải pháp chính trị cho toàn bộ vấn đề Ukraine vẫn rất xa vời.
Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine chưa được cải thiện cơ bản trong khi Mỹ, EU và NATOtiếp tục coi Nga là mối đe doạ an ninh trực tiếp, vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Nga và chính phủ mới ở Mỹ làm găng với Nga sau khi Nga tiếp nhận Crimea trong khi phía Nga tăng cường gắn kết Crimea vào Liên bang Nga.
Những diễn biến mới đây nhất ở phía Mỹ, NATO và chính phủ Ukraine khiến phía Nga không thể hài lòng và ngồi im. |
Việc Nga thực hiện chính sách cấp hộ chiếu cho người dân tại vùng lãnh thổ ly khai ở Ukraine đồng nghĩa với việc Nga nhận về nghĩa vụ pháp lý bảo hộ những người dân này ở Ukraine bằng biện pháp chính trị, bằng công cụ pháp lý quốc gia và quốc tế, nhưng cũng còn cả bằng hành động quân sự. Vì thế, ác mộng đối với chính phủ Ukraine, EU và NATO là Nga bây giờ nêu lý do có được nào đấy để dụng lại kịch bản trước đây ở Ukraine.
Ông Biden mới lên cầm quyền ở Mỹ, EU và NATO rối ren nội bộ, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đẩy Mỹ và EU vào tình trạng khủng hoảng, ở Ukraine sắp có bầu cử quốc hội, ông Putin củng cố vị thế quyền lực ở Nga - bối cảnh tình hình như thế làm suy yếu Mỹ, EU, NATO và chính phủ Ukraine trong xử lý vấn đề Ukraine với Nga.
Những diễn biến mới đây nhất ở phía Mỹ, NATO và chính phủ Ukraine khiến phía Nga không thể hài lòng và ngồi im. Ông Biden xác nhận đánh giá ông Putin là sát nhân và khẳng định hậu thuẫn Ukraine trong cuộc điện đàm với tổng thống Ukraine. NATO tổ chức cuộc tập trận lớn Defender 2021 mà phía Ukraine coi là 'Giải phóng châu Âu', Tổng thống Ukraine thôi thúc NATO kết nạp Ukraine.
Mỹ, EU và NATO làm găng với Nga về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền. Mối quan hệ giữa Phương Tây với Nga xấu đi đến mức chưa từng thấy kể từ sau kết thúc cuộc chiến tranh lạnh.
Phía Nga cảm nhận thấy bị bên kia khiêu khích trong khi bên ấy lại ngờ vực Nga chuẩn bị lặp lại kịch bản xưa và lần này nhằm vào vùng Dombass.
Những gì hiện đang xảy ra ở Ukraine và giữa Ukraine với Nga khiến liên tưởng đến tình trạng cách đây 7 năm. |
Kịch bản cũ có trở lại?
Phía Ukraine cáo buộc Nga chuẩn bị chiến tranh thôi chứ trong thâm tâm không cho rằng Nga sẽ đưa quân đội vào vùng Donbass và không giải quyết vấn đề cung ứng nước cho bán đảo Crime bằng cách ấy. Cả Mỹ, EU và NATO cũng như vậy.
Tiến hành chiến tranh vào thời điểm hiện tại trong bối cảnh tình hình hiện tại bất lợi nhiều hơn có lợi cho Nga. Cứ nhì nhằng như lâu nay mới là cách thức hiệu quả nhất giúp Nga duy trì và gia tăng áp lực đối với chính phủ Ukraine và làm phép thử thích hợp nhất tân tổng thống Mỹ.
Mục tiêu của Nga là phía chính phủ Ukraine phải dành quyền tự trị sâu rộng hơn cho vùng Donbass và Luhansk, tức là phải nhượng bộ nhiều hơn nữa và cơ bản hơn nữa trong đàm phán về giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine.
Vấn đề nội chiến và ly khai còn dai dẳng thì tổng thống Ukraine Volodymir Selensky càng thêm khó khăn và khó xử vì không thực hiện được cam kế tranh cử là giải quyết ổn thoả vấn đề nội chiến và ly khai. Không chiến tranh là cách hiệu quả nhất giúp Nga răn đe NATO trong chuyện Ukraine xin gia nhập NATO, tức là duy trì được con chủ bài chiến lược cho xử lý quan hệ của Nga với EU và NATO.
Nga làm phép thử với chính quyền mới ở Mỹ để dò biết Nga còn có thể đi xa đến đâu trong quan hệ với Mỹ và trong vấn đề Ukraine cũng như để xem có thể gò ép Mỹ phải trao đổi và nhượng bộ Nga trong đàm phán về giải pháp cho vấn đề Ukraine đến mức độ nào.
Sau 7 năm, chuyện kịch bản cũ và ác mộng xưa lại trở nên thời sự cũng còn bởi cả Ukraine và Nga cũng như EU và NATO đều chủ ý đặt vấn đề Ukraine vào tác động của việc có chính quyền mới ở Mỹ và chính quyền này coi trọng EU và Nga, vừa ủng hộ Ukraine lại vừa cứng rắn với Nga.