Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã phát biểu hôm 1/3: “Khủng hoảng gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”.
Nhiều người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Ukraine đã phải sơ tán sang các nước khác hoặc được cứu trợ khẩn cấp đưa trở lại quê hương. Nga bị các nước phương Tây cấm vận trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, từ giá xăng dầu tăng đến sự đứt gãy các chuỗi cung ứng làm cho thế giới đang gồng mình sau đại dịch Covid-19 lại càng khó khăn hơn.
Sản phẩm may mặc Việt Nam xuất sang cả Nga và Ukraine. (Nguồn: TTXVN) |
Nhiều thách thức
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Vì thế, với độ mở của nền kinh tế, mặc dù giao thương trực tiếp với Nga và Ukraine không ảnh hưởng quá lớn tới nền kinh tế, nhưng chúng ta cũng chịu tác động chung ở cấp độ toàn cầu và có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt thứ cấp của các nước phương Tây đối với các doanh nghiệp hợp tác với phía đối tác Nga.
Lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương Tây lên Nga cùng với việc cắt kết nối ra khỏi hệ thống SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu) của một số ngân hàng Nga cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga.
Về lĩnh vực đầu tư, việc chuyển tiền ra, vào nước Nga gặp khó khăn. Cụ thể: Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến cuối tháng 2/2022, Nga đứng thứ 24 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn 953 triệu USD. Việt Nam có 22 dự án đầu tư sang Nga, trị giá gần 3 tỷ USD.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, không những gặp khó khăn trong việc thanh toán cho nhau mà còn gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi vận chuyển tới Nga; một số hãng tàu biển lớn như MSC, Maersk và CMA CGM đã tuyên bố dừng vận chuyển hàng hóa tới Nga.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, khi Nga bị cấm vận thì việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu sang Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Xung đột tại Ukraine tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của người Việt; các hoạt động đầu tư và xuất nhập khẩu với Việt Nam bị gián đoạn.
Hiện nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9/2020), đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam; Việt Nam có 6 dự án đầu tư tại Ukraine với tổng vốn đầu tư gần 4 triệu USD. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam thì kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với Ukraine năm 2021 đạt 478,33 triệu USD.
Một số lĩnh vực nhập khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường Nga và Ukraine như phân bón, sắt thép, than, hàng hóa nông nghiệp; những lĩnh vực xuất khẩu có ảnh hưởng như điện thoại di động, sản phẩm dệt may và thiết bị điện tử.
Khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ gây ảnh hưởng lạm phát cho nền kinh tế Việt Nam. Nga và Ukraine là hai nước chiếm thị phần lớn trong việc cung cấp khí đốt - dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô… cho thế giới.
Do tác động của khủng khoảng, nguồn cung bị hạn chế nên giá của những mặt hàng trên tăng cao, đặc biệt là năng lượng dầu mỏ, khí đốt ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất.
Tìm cách thích ứng
Rõ ràng là khủng khoảng Nga-Ukraine tạo ra những khó khăn, thách thức nhất định cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam; có thể ảnh hưởng tới các kế hoạch tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua.
Nhưng “cái khó ló cái khôn”, đấy là cách mà doanh nghiệp và người dân chúng ta đã thường xuyên ứng phó với khó khăn tương tự đã xảy ra. Trong quá trình tìm hiểu, thích ứng đấy, rất có thể chúng ta lại bắt gặp những cơ hội mới.
Trước hết, các doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ hệ thống quy trình sản xuất kinh doanh, cập nhật thông tin để dự báo chính xác xu thế thị trường, mở rộng thị phần và các thị trường thay thế để bù đắp các thiếu hụt nguồn cung từ thị trường truyền thống; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh, am hiểu thông lệ quốc tế để thiết lập các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, Nhật và các nước Tây Âu.
Trung Quốc luôn luôn là đối tác thay thế tiềm năng, ở cả khía cạnh thị trường xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên vật liệu, sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần hạn chế tối đa xuất nhập khẩu thông qua con đường tiểu ngạch qua các tỉnh biên giới như hiện nay.
Để làm ăn lâu dài và ổn định với Trung Quốc, chúng ta cần tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, thông qua các hợp đồng hợp tác tương tự như với các nước phương Tây. Sự nhất quán, minh bạch, công bằng trong hợp tác kinh tế với nước lớn sẽ không chỉ gia tăng đáng kể kim ngạch xuất nhập khẩu mà còn nâng cao vị thế và giữ vững độc lập chủ quyền an ninh quốc gia.
Cuối cùng, ở tầm vĩ mô, là nước có quan hệ truyền thống với cả Nga và Ukraine, Việt Nam đã nêu rõ quan điểm nhất quán là kêu gọi chấm dứt hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng.
Khi hòa bình được lập lại ở châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội vàng để trở lại Nga và Ukraine với các phương án mới, với hoài bão mới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thu Hằng phát biểu về tình hình Ukraine hôm 3/3: Việt Nam yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. |
* Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
| Na Uy quyết tâm đồng hành cùng Việt Nam thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế xanh và bền vững Đó là khẳng định của Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen trước cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong ... |
| Bất chấp thách thức, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng ấn tượng, thương mại bùng nổ, vì sao? Trong khi Mỹ đau đầu với lạm phát cao nhất trong 40 năm, nhiều nước tăng trưởng chậm lại thì GDP Trung Quốc năm 2021 ... |