Tăng trưởng xanh đang là chủ đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam. |
Với cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã có câu trả lời rõ ràng về mục tiêu theo đuổi tiến trình phục hồi xanh và bao trùm. Đây chắc chắn là một tiến trình chuyển đổi sâu sắc, đầy khó khăn, thách thức.
Đó là những thách thức về hoàn thiện thể chế, khắc phục những rào cản đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đó là khó khăn xử lý những tác động xã hội của quá trình chuyển đổi, khi con người chưa được trang bị đủ kiến thức, năng lực để đáp ứng những đòi hỏi cao hơn. Đó là những thách thức về thiếu hụt nguồn tài chính, công nghệ và năng lực phục vụ quá trình chuyển đổi này…
Tất nhiên, thực tế gây không ít khó khăn cho mọi đối tượng có liên quan. Các cơ quan chức năng phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế; Đối với doanh nghiệp, đặt ra bài toán về đầu tư, công nghệ sản xuất, định vị lại dòng sản phẩm trên thị trường...
Tuy vậy, những thay đổi trên sẽ góp phần tạo nên nền tảng vững chắc để kinh tế Việt Nam có những bước nhảy vọt trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu, không ngừng đưa hàng Việt vượt qua những rào cản kỹ thuật khắt khe về môi trường, vươn rộng và đi sâu vào 200 thị trường thế giới.
Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, mà trong bất kỳ hiệp định nào, yếu tố an toàn về môi trường đều được đề cao.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Chính phủ sẽ thúc đẩy phát triển tiêu dùng xanh. Người dân tuy phải tăng chi phí sinh hoạt nhưng ngược lại những chi phí cho an sinh, khám chữa bệnh do môi trường ô nhiễm, do tiếp cận thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh sẽ giảm đi. Quan trọng hơn, ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng sẽ tăng lên đáng kể.
Chia sẻ tại Hội nghị quốc tế “Thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế” (ngày 25/2) Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam đang xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, điển hình là Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030, song song với những nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26.
Kỳ vọng, những kế hoạch bài bản, kết hợp các bài học từ kinh nghiệm quốc tế, cùng với nền tảng tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã thực hiện sẽ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế bền vững, còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
| 2022 nghĩ khác để bứt phá Đại dịch có thể kết thúc vào năm 2022, hoặc chúng ta có thể phải chịu thêm những thất bại mới. Nhưng trong sự bất ... |
| Tăng trưởng xanh ở châu Phi: Đi sau về trước Nhờ lợi thế đến sau cùng điều kiện thuận lợi, các quốc gia châu Phi đang có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ trong xây ... |