📞

Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh thấy "ánh sáng cuối đường hầm"

Vinh Hà 12:35 | 07/12/2019
TGVN. Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết ông hy vọng "có tiến triển" trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh sau các cuộc đàm phán với Saudi Arabia.  
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho rằng căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đã chuyển từ "sự bế tắc" sang "có tiến triển". (Nguồn: Reuters)

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Qatar đưa ra bình luận trên vào ngày hôm qua (6/12) trong khi phát biểu tại một hội thảo về chính sách đối ngoại ở Rome (Italy) trong bối cảnh căng thẳng giữa Qatar và các nước láng giềng có dấu hiệu dịu hơn.

Khủng hoảng ngoại giao tồi tệ

Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh đã kéo dài kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia và các đồng minh gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha hậu thuẫn “chủ nghĩa khủng bố” phá hoại ổn định chính trị.

Các nước trên áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Qatar, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đường biển và không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này. Doha nhiều lần phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng những nước này muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar.

Sau đó, 4 nước trên đã đưa ra yêu sách 13 điểm tới Qatar để đổi lấy sự dỡ bỏ bao vây cấm vận quốc gia, trong đó có việc đóng cửa mạng lưới truyền thông Al Jazeera, giải tán một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và giảm quan hệ với Iran.

Những động thái này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại khu vực. Không ít nỗ lực ngoại giao đã thất bại trong việc hàn gắn quan hệ ngày càng rạn nứt giữa Qatar và liên đoàn Arab do Saudi Arabia dẫn đầu.

"Đàm phán đang diễn ra"

Phát biểu tại Hội thảo, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho hay, "chúng tôi đã chuyển từ bế tắc sang có tiến triển” theo sau “một số cuộc đàm phán đã diễn ra giữa chúng tôi và cụ thể là Saudi".

"Chúng tôi hy vọng rằng những cuộc đàm phán này sẽ dẫn đến kết quả” là “sự kết thúc của cuộc khủng hoảng”, ông nói.

Tiết lộ thêm rằng một số cuộc họp đã diễn ra giữa các quan chức của cả hai nước tại các địa điểm khác nhau song ông Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani từ chối xác nhận các bản tin về chuyến thăm gần đây của ông tới thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) để tiến hành đàm phán.

Báo Wall Street Journal trước đó đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar đã thực hiện chuyến thăm không báo trước vào tháng 10, gặp gỡ các quan chức cấp cao của Saudi Arabia và đưa ra lời đề nghị chấm dứt khủng hoảng khu vực.

Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức Qatar tới “vương quốc dầu mỏ” kể từ tháng 5 khi Thủ tướng Qatar tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Arab ở Mecca.

Nhiều dấu hiệu giảm nhiệt

Quốc vương Saudi Arabia Salman gần đây cũng đã gửi một "thông điệp bằng văn bản", mời Quốc vương Qatar tham dự phiên họp thứ 40 của Thượng đỉnh Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Riyadh vào ngày 10/12 tới. GCC bao gồm 6 nước là Qatar, UAE, Saudi Arabia, Bahrain, Oman và Kuwait. Năm ngoái, Quốc vụ khanh Ngoại giao Soltan bin Saad Al-Muraikhi dẫn đầu phái đoàn Qatar tham dự Thượng đỉnh GCC cũng tại Riyadh.

Người hâm mộ Qatar cổ vũ đội Qatar trong trận gặp UAE trong khuôn khổ Giải Bóng đá vùng Vịnh lần thứ 24 tại Doha. (Nguồn: Jazeera)

Một dấu hiệu khác cho thấy sự "tan băng" trong quan hệ căng thẳng này là việc Saudi Arabia, UAE và Bahrain đã thay đổi quyết định tẩy chay Giải Bóng đá vùng Vịnh lần thứ 24 tại Doha, thay vào đó, nhận lời mời tham dự giải đấu diễn ra từ ngày 24/11 đến ngày 6/12.

Trước đó, ngày 8/8, UAE đã rút lại đơn khiếu nại Qatar mà nước này nộp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi đầu năm. Đơn khiếu nại của UAE được đưa ra sau khi Qatar áp đặt các hạn chế thương mại mang tính phân biệt đối với hàng hóa của UAE, khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng vùng Vịnh lại càng thêm căng thẳng.

Trong một động thái hòa giải tích cực khác, ngày 16/7, chính quyền Jordan đã bổ nhiệm tân Đại sứ tại Qatar, 2 năm sau khi Jordan rút Đại sứ nhằm thể hiện tình đoàn kết với các đồng minh Arab vùng Vịnh đã cắt đứt quan hệ với Doha.