Eo biển Hormuz là tuyến đường vận chuyển gần 20% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng của thế giới. (Nguồn: Hellenicshippingnews) |
Bất chấp những nỗ lực của Liên minh năng lượng OPEC+ (gồm các nước thành viên OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga) nhằm níu chân giá dầu, thị trường “vàng đen” thế giới vẫn có nguy cơ trượt dốc. Vai trò dẫn dắt của OPEC đang thực sự mất tác dụng, triển vọng thị trường dầu mỏ thế giới khả năng cao tiếp tục ảm đạm trong những tháng còn lại của năm 2019, giá dầu lại một phen chông chênh bởi các yếu tố mới.
Viễn cảnh ảm đạm
Giá dầu nhiều tháng gần đây chỉ dao động trong khoảng từ 57 đến 65 USD/thùng, mức thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nước xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Giá dầu vẫn đang chông chênh lao dốc và dường như chưa có lý do để dừng lại, kể cả khi Liên minh năng lượng OPEC+ một lần nữa nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối tháng 3/2020, nhằm tránh tình trạng dư cung, cũng như để hỗ trợ giá.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung có thể gây tâm lý đầu cơ trên các thị trường toàn cầu; những căng thẳng địa, chính trị đang diễn ra giữa Iran với phương Tây và kể cả khi tuyến đường biển huyết mạch của các hoạt động giao thương dầu mỏ và khí đốt từ “rốn dầu mỏ” Trung Ðông ra thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thì giá dầu cũng mới chỉ có thể nhích thêm vài USD/thùng. “Sức nóng” đã không thể tạo một áp lực đáng kể nào để giá dầu có thể vọt lên trên ngưỡng 70-75 USD/thùng như giới phân tích dự đoán.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng ở eo biển Hormuz - tuyến đường vận chuyển gần 20% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng của thế giới, chỉ phần nào tác động đến giá dầu mỏ. Thị trường “vàng đen” hiện đang chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi khác, trong đó có hai yếu tố then chốt là việc Mỹ tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), chỉ tính trong tháng 5/2019, sản lượng khai thác của Mỹ đã đạt 12,1 triệu thùng/ngày, tăng hơn 1,7 triệu thùng so cùng kỳ năm trước. Từ nhiều tháng qua, sản lượng dầu thô của Mỹ gần như vượt mọi dự báo. Và Mỹ, dù vẫn nhập vào dầu thô, nhưng đồng thời cũng xuất ra ngày càng nhiều, góp phần đáng kể tăng nguồn cung ra thị trường.
Trong khi đó, quỹ đạo xuống dốc của giá dầu còn chịu sự tác động đáng kể của dấu hiệu kinh tế toàn cầu suy giảm, thậm chí là suy thoái. Đặc biệt, nhu cầu dầu mỏ có nguy cơ bị đe dọa bởi triển vọng khó khăn về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi Bắc Kinh hiện vẫn là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tiêu thụ tới 20% lượng dầu nhập khẩu toàn cầu năm 2018. Cụ thể, IEA mới đây cho biết, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tính từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua, nhu cầu dầu mỏ tăng 520 nghìn thùng/ngày, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2008 và còn tiếp tục giảm.
Diễn biến trên thị trường dầu mỏ tất nhiên còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, trong đó có vấn đề an ninh dầu mỏ tại vùng Vịnh, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran – một thành viên quan trọng của OPEC leo thang. Hàng loạt các yếu tố khách quan đang tác động mạnh mẽ tới tâm lý các nhà đầu tư và thị trường “vàng đen” được dự báo sẽ còn bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong thời gian tới. Nếu nhìn từ góc độ này, giá dầu có thể có cơ hội tăng trở lại. Đặc biệt, khi các thành viên OPEC+ vẫn kiên trì với các chính sách nhằm bình ổn thị trường.
60 USD/thùng là giấc mơ
Tuy nhiên, OPEC bất lực và giá dầu không còn là thước đo để đánh giá mức độ nghiêm trọng của một cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, đó là những đặc điểm rất mới của thị trường dầu mỏ.
Lâu nay, các diễn biến địa chính trị ở Trung Đông, thường có tác động nhất định đến giá dầu trên thị trường toàn cầu, nếu không muốn nói là có ánh hưởng lớn. Tuy nhiên, đánh giá trên đã không còn đúng trong thời điểm hiện tại. Tới thời điểm này, khi mà leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, thậm chí chuyển sang một giai đoạn tồi tệ hơn, mà giới quan sát gọi là “bên miệng hố chiến tranh”, thì hiệu ứng tiêu cực mang tên khủng hoảng Trung Đông vẫn chỉ có “tác động hạn chế” tới giá dầu thế giới.
Mức 60 USD/thùng dường như đã trở thành mức giá lý tưởng mà các nhà sản xuất dầu mong muốn, bởi đã có nhà phân tích thẳng thắn đưa ra nguy cơ “vàng đen” có thể chỉ còn 40 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích độc lập về thị trường dầu lửa Kamel Al-Harami đặt câu hỏi, liệu khi thương chiến Mỹ - Trung kết thúc nhu cầu dầu lửa sẽ tăng trở lại? Hay đây mới là cấu trúc cơ bản của thị trường, với sự dư thừa từ hầu hết mọi nơi trên thế giới? Bởi trên thực tế, thị trường vẫn đang trong tình trạng dư cung, dù hai “người khổng lồ” về dầu mỏ là Iran và Venezuela vẫn trong thời gian bị cấm vận, không được sản xuất hoặc không được xuất khẩu. Vậy nếu Iran hay Venezuela quay lại thị trường, ai có thể chắc chắn rằng, giá dầu không thể xuống mức 40 USD/thùng?
Đà giảm giá của dầu lửa trong những tuần qua dường như không còn bất ngờ. Kỳ vọng vừa lóe lên nhờ việc xuất khẩu của Iran sẽ bị cắt đứt hoàn toàn do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã tắt ngấm, khi Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu từ quốc gia Trung Đông này. Nguồn cung dầu vẫn dư dả và do đó giá dầu đã nhanh chóng giảm trở lại quanh 60 USD/thùng – vốn đã trở thành mức bình thường mới kể từ năm 2016.
Cam kết giới hạn sản xuất của các thành viên OPEC+ hiện có tỷ lệ tuân thủ trên 150% nhưng vẫn “mất thiêng”. Mất khả năng thúc đẩy giá dầu đi lên, hiện họ chỉ hy vọng làm mọi cách để giá dầu đứng ở 60 USD/thùng - mức tối thiểu để tất cả các nước xuất khẩu đều hài lòng. Tuy nhiên, liệu những cố gắng của họ có ích gì khi nguồn cung dầu ngoài OPEC vẫn tăng đều đặn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ dầu đá phiến của Mỹ.
Bình luận mới nhất về tương lai thị trường dầu lửa trên trang Arabtimes, chuyên gia Kamel Al-Harami cho rằng, với mức giảm hiện tại hoặc với việc cắt giảm thêm sản lượng thì triển vọng của thị trường dầu mỏ trong tương lai chắc chắn không khả quan. “Có phải kỷ nguyên 60 USD/thùng dầu đã kết thúc?”