Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra “Sáng kiến Văn minh toàn cầu" tại đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới tổ chức trực tuyến hôm 15/3/2023. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Bốn sáng kiến nổi bật tiếp nối BRI dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thu hút sự quan tâm lớn, đó là: Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI), Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI) và Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu (GIDS).
Đối với BRI, theo sách trắng công bố năm 2023 nhân kỷ niệm 10 năm triển khai sáng kiến này, Trung Quốc đã rót hơn 1 nghìn tỷ USD vào các dự án hạ tầng tại hơn 60 quốc gia trên khắp các châu lục, thu hút sự tham gia của 155 nước và 32 tổ chức quốc tế. Các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ BRI trải dài từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ, hàng hải và không gian vũ trụ… Theo Ruby Osman, nhà nghiên cứu cao cấp về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu về thay đổi toàn cầu Tony Blair, mặc dù vẫn còn không ít tranh cãi, nhưng BRI là một trong những hoạt động xây dựng thương hiệu chính sách thành công nhất thế kỷ của Trung Quốc.
Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI)
GDI được Trung Quốc công bố năm 2021 tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 76 với tám nội dung chính: kiên trì ưu tiên cho phát triển, lấy người dân làm trung tâm, cùng có lợi và bao trùm, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, con người và thiên nhiên chung sống hài hòa, đề cao định hướng hành động hướng tới đẩy nhanh thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.
Với GDI, Trung Quốc thúc đẩy hơn 200 dự án với các đối tác, với nhiều cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực giảm nghèo, giáo dục, y tế. GDI đồng thời hướng tới tăng cường động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như phát triển xanh, công nghiệp hóa kiểu mới, kinh tế số, thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, phát triển với chất lượng cao.
Phát biểu tại cuộc đối thoại giữa các nhà lãnh đạo nhóm BRICS và các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển khác tại Johannesburg, Nam Phi ngày 24/8/2023, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, nước này đã thành lập Quỹ Phát triển toàn cầu và Hợp tác Nam - Nam trị giá 4 tỷ USD. Ngoài ra, cùng với các tổ chức tài chính khác, nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ dành nguồn vốn đặc biệt 10 tỷ USD để thực hiện GDI.
Theo học giả Vương Tuấn Sinh của Học viện Xã hội Trung Quốc, GDI không đơn thuần nhằm đạt được sự cùng phát triển mà còn là tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai thế giới với mục tiêu thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, thể hiện trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách là nước lớn.
Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI)
Tháng 4/2022, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch nước Trung Quốc đưa ra GSI với các nội dung gồm “Sáu kiên trì”: kiên trì quan niệm an ninh cộng đồng, hợp tác bao trùm và bền vững; kiên trì tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; kiên trì tuân thủ tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương LHQ; kiên trì coi trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của các nước; kiên trì giải quyết bất đồng và tranh chấp giữa các nước bằng biện pháp hòa bình; kiên trì thống nhất hoạch định bảo vệ an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Tiếp theo, ngày 21/2/2023, Trung Quốc công bố “Văn bản khái niệm Sáng kiến an ninh toàn cầu” đề cập chi tiết các khái niệm và nguyên tắc cốt lõi của “Sáu kiên trì” và xác định các lĩnh vực ưu tiên chính. Cơ chế thực hiện GSI bao gồm những sáng kiến của Trung Quốc trong LHQ, Trung Quốc tiếp xúc với các nước đang phát triển thông qua nhiều cơ chế đa phương, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Hội nghị thượng đỉnh về phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA)… Ngoài ra, Đông Nam Á là khu vực đầu tiên được đưa vào định hướng hợp tác chủ yếu của Văn bản khái niệm GSI, tiếp theo là Trung Đông, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và Caribe, các quốc đảo Thái Bình Dương.
Theo học giả Từ Bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, GSI phản ánh xu thế của thời đại hòa bình và phát triển, cả hai thúc đẩy lẫn nhau. An ninh là tiền đề của phát triển, không có an ninh thực sự nếu không có phát triển. Giới phân tích cho rằng, GSI được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu để phù hợp hơn với lợi ích và giá trị của Trung Quốc. Sáng kiến này sẽ trở thành khuôn khổ tổng thể cho nhiều sáng kiến an ninh của Trung Quốc, từng bước thiết lập vai trò lãnh đạo toàn cầu của Trung Quốc. GSI có thể coi là một chủ thuyết mới, tương thích với giai đoạn phát triển mới mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI)
GCI được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới ngày 15/3/2023. Theo Tân Hoa xã, Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo hơn 500 đảng chính trị và tổ chức chính trị từ hơn 150 quốc gia trên thế giới.
Trong bài phát biểu “Dắt tay nhau cùng bước trên con đường hiện đại hóa”, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: “Một bông hoa không làm nên mùa Xuân, trong khi trăm bông hoa đua nở mang đến mùa Xuân cho khu vườn”. Một hình ảnh ẩn dụ thú vị, thể hiện cái nhìn về sự đa dạng trong yếu tố văn minh, văn hóa của Bắc Kinh ngày nay đối với sự lựa chọn phát triển của các quốc gia.
GCI nhấn mạnh đến những nội dung cơ bản như ủng hộ tôn trọng đối với sự đa dạng, các giá trị chung của nhân loại, tầm quan trọng của sự kế thừa và đổi mới của các nền văn minh, ủng hộ giao lưu và hợp tác quốc tế và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế. Là bên đưa ra sáng kiến, Trung Quốc đã chủ động đề xuất vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản trong “khu vườn mùa Xuân” này.
Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, trong thế giới ngày nay, tương lai vận mệnh của tất cả các quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, các nền văn minh khác nhau có thể cùng tồn tại, đồng thời đóng vai trò không thể thay thế trong thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa của xã hội loài người. Từ đó, GCI kêu gọi tôn trọng sự đa dạng, phát huy các giá trị chung của nhân loại, xem trọng sự kế thừa và đổi mới văn minh, tăng cường giao lưu và hợp tác nhân văn quốc tế.
Sáng kiến An ninh dữ liệu toàn cầu (GIDS)
GIDS được Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra tại một hội thảo quốc tế về quản trị dữ liệu toàn cầu do Trung Quốc chủ trì tại Bắc Kinh ngày 8/9/2020. Phát biểu tại Hội thảo này, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, sự ra đời của GIDS là nhằm: ngăn chặn các hành động phá hoại cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc sử dụng công nghệ thông tin để đánh cắp dữ liệu người dùng. Việc thực thi sáng kiến này sẽ giúp các quốc gia chống lại những hành vi phá hoại hạ tầng trọng yếu cũng như đánh cắp dữ liệu bằng công nghệ thông tin, và buộc các hãng công nghệ phải lưu trữ dữ liệu phát sinh ở nước ngoài tại quốc gia gốc của họ. Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, sáng kiến an ninh dữ liệu toàn cầu là cần thiết, trong bối cảnh các nguy cơ gia tăng trong vấn đề này, và đòi hỏi cần có một giải pháp toàn cầu.
Các nhà quan sát cho rằng, việc Trung Quốc công bố GIDS trong bối cảnh rủi ro về bảo mật dữ liệu ngày càng tăng, đòi hỏi phải có một giải pháp toàn cầu. Cũng tại sự kiện này, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định, “Điều cấp bách hiện nay là xây dựng các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu, phản ánh nguyện vọng và lợi ích của đa số các quốc gia”.
Trong khi đó, ông Lư Truyền Dĩnh, cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho rằng, mục tiêu cơ bản của sáng kiến này chủ yếu là đối phó với các hành động thu thập thông tin bất hợp pháp từ bên ngoài đối với người dùng toàn cầu và an ninh mạng của các quốc gia. GIDS sẽ góp phần nâng cao hiểu biết của người dùng để đưa ra các biện pháp đối phó với các mối nguy cơ đối với an ninh mạng toàn cầu.
Theo các chuyên gia, các sáng kiến mới cần có thêm thời gian để có thể đánh giá một cách toàn diện, nhưng nó cho thấy sự điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm gia tăng mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu của Bắc Kinh trước một thế giới nhiều biến động và cạnh tranh nước lớn ngày càng rõ nét.