Trung Quốc tung 'át chủ bài' (Nguồn: Reuters) |
Mới đây, ngày 3/7, Bắc Kinh tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hai kim loại quan trọng cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn.
Theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và hải quan Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/8, việc xuất khẩu gali và germani sẽ bắt buộc phải có giấy phép đi kèm, trong đó mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu phải được khai báo rõ ràng.
Bộ trên cho biết thêm, "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia" là lý do chính dẫn đến việc ban hành các biện pháp này.
Trung Quốc "chơi át chủ bài"
Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu như cấm các công ty Trung Quốc mua chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip mà không có giấy phép. Để các biện pháp hạn chế có hiệu quả, Washington cần các nhà cung cấp chính khác, ở Hà Lan và Nhật Bản, tham gia.
Tin liên quan |
Thương mại khí đốt bị sứt mẻ, châu Âu nhanh tay 'chữa cháy', Nga đang ôm 'bom hẹn giờ' |
Đáp lại, phía Hà Lan công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với thiết bị sản xuất chip vào cuối tuần trước (ngày 30/6).
Và Nhật Bản, vào cuối tháng 3/2023 đã thêm 23 mặt hàng, bao gồm các thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến vào danh sách kiểm soát xuất khẩu.
CNN nhận định, Bắc Kinh đã đáp trả phương Tây bằng cách "chơi một con át chủ bài". Gali và germani rất quan trọng đối với ngành sản xuất chip toàn cầu.
Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Trung Quốc là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về cả gali và germanium. Quốc gia này chiếm 98% sản lượng gali toàn cầu và 68% sản lượng germani của nhà máy lọc dầu.
Các nhà phân tích từ Công ty tư vấn Eurasia Group cho rằng: “Quy mô kinh tế trong các hoạt động khai thác và chế biến mở rộng, cùng với các khoản trợ cấp của nhà nước đã cho phép Bắc Kinh xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến với chi phí mà các nhà khai thác ở nơi khác không thể sánh được. Điều này giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì vị thế thống trị đối với nhiều mặt hàng quan trọng".
Doanh nghiệp phản ứng thế nào?
Về phía doanh nghiệp, ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia - một trong những công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới - cho biết, những hạn chế của Mỹ, Trung Quốc, Hà Lan và Nhật Bản có nguy cơ gây ra “thiệt hại to lớn” cho ngành công nghệ.
Tính đến tháng 2/2023, doanh thu của Nvidia từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc tài chính của Nvidia Colette Kress cũng lo ngại, về lâu dài, các lệnh hạn chế “sẽ dẫn đến việc ngành công nghiệp Mỹ mất đi vĩnh viễn cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới”.
Theo bà Kress, thị trường Trung Quốc tạo ra 20%-25% doanh thu của công ty, bao gồm các sản phẩm khác ngoài chip phục vụ cho mục đích phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Các công ty Trung Quốc cũng cảm nhận được sức ép. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu chip giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước khi hạn chế xuất khẩu gali và germani, Bắc Kinh cũng đã cấm sử dụng chip do công ty Micron của Mỹ sản xuất trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn muốn có được những con chip cao cấp này. Theo Financial Times, một số doanh nghiệp đang thuê chip hoặc mua chúng qua trung gian.
Đất hiếm - mục tiêu tiếp theo?
Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh có thể leo thang phản ứng hơn nữa, nếu động thái kiểm soát xuất khẩu gali và germanium không thuyết phục được Mỹ lùi bước.
Theo Ngân hàng đầu tư Jefferies, đất hiếm - một thành phần rất quan trọng trong việc chế tạo chất bán dẫn - có thể là mục tiêu tiếp theo.
Tuy nhiên, các nhà phân tích từ Eurasia Group cảnh báo, việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm sẽ là “con dao hai lưỡi”.
Eurasia Group: Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là một “phát súng cảnh cáo”. |
Những nỗ lực trong quá khứ của Trung Quốc nhằm tận dụng sự thống trị của họ đối với đất hiếm đã làm giảm nguồn cung và giá tăng nhanh. Mức giá cao hơn khiến đất hiếm của Trung Quốc tăng sức cạnh tranh với các nhà sản xuất tại các quốc gia khác.
Năm 2010, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh căng thẳng với Washington. Điều khiến các công ty bên ngoài Trung Quốc đẩy mạnh khai thác nguyên tố này. Dữ liệu của Mỹ cho thấy, thị phần toàn cầu của Trung Quốc đã giảm từ 97% năm 2010, xuống còn khoảng 60% vào năm 2019.
Không phải "đòn chí tử"
Về phía Mỹ, nước này đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc về hai yếu tố quan trọng: gali và germanium. USGS cho biết, họ đã nhập khẩu hơn 50% lượng gali và germani vào năm 2021 từ nước này.
Các nhà phân tích của Eurasia Group mô tả, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là một “phát súng cảnh cáo”.
“Đây là một 'phát súng' nhằm mục đích nhắc nhở các quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan rằng, Trung Quốc có các lựa chọn để trả đũa", Eurasia Group viết.
Ông Paul Triolo, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ bình luận, nếu Trung Quốc chọn “vũ khí hóa” chuỗi cung ứng các chất nói trên thì bài toán giảm phụ thuộc vào phương Tây (bao gồm Mỹ và châu Âu) sẽ càng phức tạp.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: "Gần như chắc chắn, Bắc Kinh coi những biện pháp kiểm soát này là một quân bài mặc cả đầy tiềm năng để thuyết phục Mỹ và phương Tây hạn chế các biện pháp kiểm soát xuất khẩu gần đây đối với chất bán dẫn".
Các nhà phân tích của Ngân hàng Jefferies cũng nhận thấy, Mỹ có ít nhất hai ngày để "tiêu hóa và đưa ra phản ứng" về quyết định của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này không được coi là "đòn chí tử" đối với Mỹ và các đồng minh.
Eurasia Group cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể là nhà sản xuất hàng đầu thế giới cho gali và germani, nhưng vẫn có những nhà sản xuất và các sản phẩm thay thế cho cả hai loại khoáng sản này. Bên cạnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Mỹ nhập khẩu 1/5 lượng gali từ Vương quốc Anh và Đức, đồng thời, mua hơn 30% lượng gecmani từ Bỉ và Đức.
| Thủ tướng Chris Hipkins có chuyến thăm 'êm đềm' tới Bắc Kinh, New Zealand đang đi đúng hướng? New Zealand dường như đang cố gắng gạt sang một bên những bất đồng với Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác kinh tế đem ... |
| Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc: Rút khỏi ‘công xưởng thế giới’ - nói luôn dễ hơn làm, ngụ ý của Bắc Kinh khi ban hành luật mới về đối ngoại Luật mới về chính sách đối ngoại cho phép Trung Quốc đáp trả các hành động của Mỹ một cách mạnh mẽ hơn. Sẽ có ... |
| 'Ra đòn' đáp trả Mỹ và Hà Lan, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát hai mặt hàng này Ngày 3/7, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hai kim loại quan trọng cần thiết ... |
| Dùng 'đòn độc' với Nga, tấn công đối thủ bằng chiến tranh thương mại, phương Tây đang dựng lên một NATO kinh tế? Đối mặt với những thách thức do Trung Quốc và Nga đặt ra - hai nước đang tìm cách thay đổi trật tự hiện có ... |
| Trung Quốc: Kiểm soát xuất khẩu là phù hợp, không nhằm vào quốc gia cụ thể nào Ngày 3/7, Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm soát xuất khẩu 8 sản phẩm Gali và 6 sản phẩm Germanium từ ngày 1/8 để bảo ... |