Quần đảo Cape Verde đóng vai trò là địa điểm tiếp nhiên liệu trên biển và hàng không quan trọng ở Đại Tây Dương. Đây cũng được coi là một địa bàn chủ chốt trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. (Nguồn: Hải quân Mỹ) |
Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có 4 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Phi kể từ khi nhậm chức đến nay, đầu tiên là với người đồng cấp Nam Phi, tiếp đến là cuộc gọi với Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU), và thứ ba là Ethiopia.
Nhà ngoại giao cấp cao Blinken thực hiện cuộc điện đàm thứ 4 vào ngày 23/2, với ông Rui Figueosystemo, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Cape Verde. Cộng hòa Cape Verde là một đảo quốc nhỏ ngoài khơi, nằm ở bờ biển phía Tây châu Phi với dân số khoảng 550.000 người.
Trong cuộc điện đàm này, Ngoại trưởng Blinken thể hiện nước Mỹ coi trọng tình bạn với Cape Verde, đồng thời bày tỏ hy vọng thúc đẩy các ưu tiên chung, mở rộng quan hệ thương mại và tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa Washington và Praia.
Nút giao địa chiến lược trên biển
Về vị trí địa lý, Cape Verde đóng vai trò là một địa điểm tiếp nhiên liệu trên biển và hàng không quan trọng. Giới phân tích nhìn nhận rằng, có được ảnh hưởng ở quần đảo này sẽ là một chiến thắng địa chính trị cho Washington hoặc Bắc Kinh.
Quyết định điện đàm với Praia, thay vì 52 thành viên khác thuộc AU, được cho là một chỉ dấu sáng rõ cho thấy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nghiêm túc về cuộc "cạnh tranh nước lớn" với Trung Quốc.
Mỹ và Cape Verde đã thiết lập mối quan hệ từ thế kỷ XVIII thông qua các tuyến đường biển phục vụ việc săn cá voi. Cape Verde cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Phi cận Sahara mà Mỹ mở Tổng lãnh sự quán vào năm 1818.
Các tàu hải quân và cảnh sát biển Mỹ cũng thường xuyên đến thăm các hòn đảo lân cận. Vào năm 2017, hai nước đã ký kết một thỏa thuận quân sự, cho phép lính Mỹ có thể đi vào lãnh địa của Cape Verde.
Có thể thấy, tầm quan trọng địa chính trị của Cape Verde dường như đang gia tăng hơn nữa, khi Mỹ và Trung Quốc được cho là đang "chơi một ván cờ hàng hải" để phô trương sức mạnh.
Cũng vào năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti, quốc gia nằm ở phía Đông của châu Phi. Vì vậy, viễn cảnh về việc Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng đến Cape Verde là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đó, Trung Quốc đã hỗ trợ tiền mặt cho Cape Verde xây dựng phủ Tổng thống, khu phức hợp chính phủ và sân vận động bóng đá ở Cape Verde. Praia còn đang có kế hoạch trị giá 60 triệu USD nhằm nâng cấp một trường đại học trong năm nay, kinh phí cũng do Bắc Kinh tài trợ.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney nói trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hồi năm 2019 rằng: “Rõ ràng vị trí địa lý của Cape Verde có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với bất kỳ nước nào đang cân nhắc thương mại hàng hải, hoặc thậm chí có thể cả hải quân. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đang đầu tư đáng kể vào đó".
Tranh giành ảnh hưởng tại Liên hợp quốc
Về cạnh tranh Mỹ-Trung tại Liên hợp quốc (LHQ), Thượng viện Mỹ mới đây đã xác nhận Linda Thomas-Greenfield là Đại sứ của nước này tại tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới. Nữ Đại sứ 68 tuổi từng có 35 năm kinh nghiệm về chính sách đối ngoại với châu Phi, và nắm giữ những vị trí đối ngoại quan trọng ở Nigeria, Kenya và Liberia.
Đại sứ Thomas-Greenfield được coi là sự lựa chọn đúng đắn nhằm xây dựng lại vị thế của nước Mỹ tại LHQ, trong bối cảnh Washington sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 3, và sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về khả năng thúc đẩy hợp tác quốc tế của siêu cường này, như vấn đề nhân quyền, biến đổi khí hậu và cuộc đảo chính ở Myanmar.
Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất mà Mỹ cũng như bà Thomas-Greenfield phải đương đầu, là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại LHQ.
Jeffrey Feltman thuộc Viện Brookings lên tiếng chỉ trích chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã bỏ qua hệ thống của LHQ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc sử dụng tiếng nói mạnh mẽ hơn nhằm loại bỏ những ảnh hưởng mà Mỹ đã xây dựng được ở tổ chức này.
Chính quyền của ông Trump đã rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vào năm 2018, với lý do hội đồng thiên vị chống lại Israel.
Trong khi đó, Trung Quốc được bầu vào Hội đồng này vào cuối năm 2020 và chính thức gia nhập vào tháng 1. Hiện Mỹ đang tái gia nhập tổ chức với tư cách là quan sát viên dưới chính quyền của ông Biden, nhưng quyền hạn rất hạn chế.
Ngoài ra, Trung Quốc đã tham gia sâu vào hệ thống thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp quốc tế của LHQ, giữ vai trò lãnh đạo một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Nông lương và Tổ chức Phát triển Công nghiệp LHQ.
Thách thức khó nhằn trong tương lai
Trong phiên điều trần hồi tháng 1, Đại sứ Thomas-Greenfield tin rằng, quan hệ chặt chẽ với các nước châu Phi sẽ là chìa khóa để Mỹ đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Blinken đã sớm điện đàm tới Nam Phi và AU, bày tỏ mong muốn của Washington trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với châu lục này.
Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Biden cũng đang xem xét bổ nhiệm một đặc phái viên để xử lý bất ổn chính trị và xung đột ở Đông Phi.
Chiến lược đối ngoại với châu Phi của Mỹ sẽ là một thách thức trên một số khía cạnh, bởi Bắc Kinh đã tăng cường quan hệ với các nước châu Phi thông qua hỗ trợ kinh tế, và cạnh tranh là điều mà Washington không dễ dàng thực hiện được.
Dù vậy, liệu Mỹ có thể giành lại được ảnh hưởng với Trung Quốc tại châu Phi hay không, câu trả lời vẫn phụ thuộc rất lớn vào khả năng "chèo lái" con thuyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden.