Cạnh tranh tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi đang gia tăng. (Nguồn: Istock) |
Ngày 25/5, Ukraine cho biết, trong năm nay, nước này sẽ mở thêm các đại sứ quán ở châu Phi và tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo từ lục địa này, nơi Nga cũng đang tiến hành một cuộc cạnh tranh ngoại giao.
Trong tuyên bố nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tổ chức tiền thân của Liên minh châu Phi (AU), Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói: "Gần đây, chúng tôi đã thông qua chiến lược châu Phi đầu tiên của mình và tăng cường đối thoại chính trị với nhiều quốc gia trên lục địa".
Theo nhà ngoại giao, Ukraine "muốn phát triển một quan hệ đối tác chất lượng mới dựa trên ba nguyên tắc chung: tôn trọng lẫn nhau, cùng quan tâm và cùng có lợi".
Ngoại trưởng Kuleba hiện đang trong chuyến công du châu Phi và hôm 24/5, tại Ethiopia, ông đã kêu gọi "những người bạn châu Phi" chấm dứt tuyên bố trung lập của họ trong xung đột Nga-Ukraine.
Cùng ngày 25/5, tại tiệc chiêu đãi kỷ niệm Ngày châu Phi ở Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương cho rằng, châu Phi đã trở nên ngày càng quan trọng với vị thế quốc tế ngày càng tăng.
Ông nói: “Bước vào kỷ nguyên mới xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-châu Phi gần gũi hơn với một tương lai chung, chúng ta cần tăng cường đoàn kết và hợp tác hơn bao giờ hết”.
Quan chức ngoại giao Trung Quốc kêu gọi hai bên kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, đồng thời tăng cường hơn nữa sự ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền và phát triển.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và châu Phi nên tích cực thúc đẩy các chương trình hiện đại hóa với những đặc điểm khác biệt cũng như thúc đẩy sức mạnh tổng hợp từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi...
Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh, hai bên nên cùng nhau thúc đẩy cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, bảo vệ lợi ích chung và tiếp tục tập hợp sức mạnh của các nước đang phát triển, cần cùng nhau thực hiện Sáng kiến An ninh toàn cầu, giảm leo thang căng thẳng ở các điểm nóng và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống.
Trong bối cảnh nhiều nước đang cố gắng cạnh tranh giành ảnh hưởng ở châu Phi, cùng ngày 25/5, các nhà lãnh đạo AU cảnh báo rằng, lục địa này không được trở thành một "chiến trường địa chiến lược" cho các cường quốc toàn cầu vì châu lục này đang phải vật lộn với một số mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh của chính họ.
Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nêu rõ: "Trong bối cảnh quốc tế chứng kiến sự đối đầu về các lợi ích chính trị khác nhau, ý chí của mỗi bên có nguy cơ biến châu Phi thành một chiến trường địa chiến lược, từ đó tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".
Theo ông, trong trò chơi 'được-mất' này, "lợi ích của những người khác sẽ chuyển thành tổn thất cho châu Phi - cần phải chống lại mọi hình thức công cụ hóa các quốc gia thành viên của chúng ta".