Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh( Cao Bằng) có chiều dài hơn 115km với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 21.000 tỉ đồng.
Tuyến đường dẫn vào Cửa khẩu Trà Lĩnh đang được tỉnh Cao Bằng đầu tư nâng cấp. |
Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tại Cao Bằng tỏ ra phấn khởi khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, qua đó góp phần gỡ nút thắt cho kinh tế tỉnh Cao Bằng.
Là đơn vị thực hiện trung chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Trà Lĩnh, Công ty cổ phần Quốc tế Quang Anh cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập. Theo ông Từ Ngọc Anh, Phó Giám đốc công ty Cổ phần Quốc tế Quang Anh, cửa khẩu Trà Lĩnh là nơi được nhiều doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc lựa chọn để thông thương do thuận tiện tới khu vực phía Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, cả 2 tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 4 đến Cao Bằng đều hẹp, nhiều dốc cua, thường xảy ra tai nạn đồng thời mất quá nhiều thời gian vận chuyển dẫn tới chi phí phát sinh lớn.
“Công ty đặt nhiều hy vọng, khi đường cao tốc mở ra lượng hàng hóa sẽ phát triển, doanh nghiệp đưa hàng hóa lên tỉnh Cao Bằng sẽ nhiều hơn. Hiện do đường đi xa hơn các cửa khẩu khác, so với biên giới phía Lạng Sơn, Móng Cái (Quảng Ninh) hay cửa khẩu khác thì đường đi về Cao Bằng hơi khó. Chủ hàng tính toán đưa về đây chi phí phát sinh lớn dẫn tới lượng hàng về đây chưa được nhiều”, ông Từ Ngọc Anh nói.
| Cao Bằng: ‘Đất lành’ cho nhà đầu tư ASEAN |
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với chiều dài khoảng 115km chạy dọc theo biên giới, kết nối với 3 cửa khẩu quan trọng tại Lạng Sơn là Hữu Nghị, Cốc Nam và Tân Thanh với cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng). Dự án này tạo ra kết nối giao thương nội địa, rút ngắn một nửa thời gian từ Cao Bằng về Hà Nội và Hải Phòng.
Quan trọng hơn, tuyến cao tốc này sẽ giúp Cao Bằng trở thành điểm trung chuyển quan trọng nhất trên con đường giao thương từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua Lạng Sơn, Cao Bằng nối đến một số điểm như thành phố Bách Sắc (Quảng Tây) - Quý Dương (Quý Châu) - thành phố Trùng Khánh - thành phố Urumqi (Tân Cương) của Trung Quốc, sau đó đến Khorgos (Kazakhastan) và tỏa đi các nước châu Âu. Tuyến đường sẽ tạo nên một hành lang kinh tế mới giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, trong đó Việt Nam là một cửa ngõ quan trọng.
Mặc dù có đường biên giới dài hơn 330km với nhiều cửa khẩu, lối mở và cặp chợ biên giới nhưng kinh tế biên mậu của Cao Bằng chưa phát triển xứng tầm, trong đó nguyên nhân do khó khăn về giao thông là "điểm nghẽn" lớn nhất. |
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, đây không đơn thuần chỉ là con đường thoát nghèo, mà còn giúp tỉnh biên giới này trở thành trọng điểm kinh tế cửa khẩu trong thời gian tới.
Ông Hoàng Xuân Ánh cũng chỉ ra việc Cao Bằng dù có lợi thế về chiều dài biên giới, nhiều cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới nhưng thời gian qua kinh tế cửa khẩu tại Cao Bằng vẫn chưa rõ nét, chủ yếu vẫn là xuất nhập khẩu tiểu ngạch, thiếu bền vững. Do đó, Cao Bằng xác định rõ mục tiêu đó là trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua cảng biển Việt Nam đi các nước ASEAN trong thời gian tới.
"Để sớm đưa Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, Tỉnh cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Ngoài việc xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng giao thương hàng hóa, Cao Bằng cũng phải đề xuất Chính phủ có chính sách cụ thể đối với địa phương trong xuất nhập khẩu, rồi phải kết nối với với nước bạn về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa qua lại. Đồng thời đề xuất Chính phủ cho khơi thông tuyến vận tải quốc tế theo tuyến cao tốc chúng tôi dự kiến xây dựng và cho xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Long Bang (Trung Quốc) - Trà Lĩnh (Cao Bằng)…", ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định.
| Hợp tác ASEAN - Trung Quốc phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực |
Để cụ thể hóa mục tiêu này, thời gian qua, ngoài việc tập trung cho triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao Bằng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cấp Cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu quốc tế. Trong đó có việc cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông, kho bãi và áp dụng công nghệ thông tin trong việc thông quan hàng hóa giúp thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp đến đầu tư.
Bên cạnh đó, hàng loạt tuyến đường dẫn tới các cửa khẩu như Pò Peo, Đức Long, Lý Vạn... cũng được đầu tư cải tạo nhằm tạo sự kết nối đồng bộ khi tuyến cao tốc hình thành.
Về phần mình, ông Lý Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng cho biết: "Tỉnh Cao Bằng xác định, cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ là một điểm trung chuyển, một nơi kết nối hành lang kinh tế Hà Nội, Hải Phòng (Việt Nam) sang các vùng phía Tây Nam Trung Quốc – nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư hạ tầng và kết nối hạ tầng để sao có thể tạo điều kiện thông quan nhanh nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, tiến tới xuất một container chỉ vài phút thôi. Vừa qua, chúng tôi đã chấp thuận, tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp áp dụng phần mềm khai báo điện tử liên thông, giúp doanh nghiệp thông quan nhanh nhất".
Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh không chỉ giúp Cao Bằng thu hút thêm các nhà đầu tư cho phát triển kinh tế cửa khẩu, đưa Cao Bằng thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trên hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN, mà cũng hứa hẹn sẽ tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ cho kinh tế các địa phương trong khu vực Đông Bắc.
| ASEAN, Trung Quốc khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng đặc biệt về Covid-19 TGVN. Hôm nay (ngày 20/2) tại thủ đô Vientiane (Lào), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã khai mạc ... |
| Tăng cường hợp tác giữa các nước ASEAN và Trung Quốc TGVN. Ngày 8/12 tại Tây An, Trung Quốc, đã diễn ra cuộc họp lần thứ 9 Hội đồng chung của Trung tâm ASEAN - Trung ... |
| ASEAN, Trung Quốc tăng cường giao lưu, hợp tác về truyền thông TGVN. Ngày 3/11, các nước ASEAN và Trung Quốc cam kết sẽ đưa ra nhiều hành động hơn nữa để tăng cường giao lưu và ... |