Hãng Bloomberg cho biết, tin tặc đã tấn công Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ đầu tháng 4 bằng cách gửi thư điện tử lừa đảo mạo danh các nhà nghiên cứu và phóng viên.
WHO trước đó cho hay, số vụ tấn công nhằm vào mạng máy tính của tổ chức này trong đại dịch Covid-19 đã tăng gấp 5 lần. Đại diện WHO tại Nga, bà Melita Vujnovich cho biết, đơn vị bảo vệ hệ thống thư điện tử của tổ chức này đang phải đối phó với tình trạng tấn công mạng ngày càng gia tăng.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, ngày 3/4 ghi nhận một đợt tấn công mạng, tin tặc âm mưu đánh cắp mật khẩu và có thể đã cài được phần mềm độc hại vào máy tính của nhân viên WHO. Các nguồn tin lưu ý, "sự cố này nằm trong số các vụ tấn công tin tặc được hậu thuẫn ở cấp nhà nước để chống lại các quan chức WHO trong những tuần gần đây".
Người phụ trách công tác an toàn thông tin tại WHO Flavio Aggio từ chối bình luận về những trường hợp tấn công mạng cụ thể, nhưng xác nhận, tổ chức này đã phải gánh chịu những đợt tấn công được chuẩn bị “rất kỹ lưỡng”, tuy nhiên, những âm mưu tấn công này cho đến giờ vẫn chưa đạt kết quả.
* Theo thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 7/5, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại khu vực Mỹ Latinh đã vượt quá 300.000 người, trong khi số ca tử vong do Covid-19 tại đây tăng lên khoảng 16.000 người.
* Brazil, quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh, đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực, với 9.146 ca tử vong (tăng 610 ca trong 24 giờ qua) và 135.106 ca nhiễm (tăng 9.888 ca trong 24 giờ qua)
Thông báo của Bộ Y tế Brazil cho hay, đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong vì Covid-19 cao hơn 600 người, đồng thời khẳng định, Brazil đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch và sẽ phải đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp hơn.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hệ thống y tế tại nhiều địa phương của quốc gia Nam Mỹ này đang bị quá tải. Tại bang miền Bắc Amazonas, tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 được xác định là 2.437 người trên 1 triệu dân, trong khi tại bang Sao Paolo có tới 90% số giường điều trị tích cực đang có bệnh nhân điều trị.
Một số bang của Brazil đã phải gia tăng các biện pháp cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó bang Para quyết định cách ly hoàn toàn 10 thành phố, trong khi Maranhao cũng quyết định tiến hành cách ly toàn sau khi tòa án ra phán quyết chấp thuận chính sách này của chính quyền bang.
* Tại Mexico, Bộ Y tế cho biết, trong 24 giờ qua tăng thêm 1.982 ca nhiễm Covid-19 và 257 ca tử vong lên lần lượt 29.616 và 2.961 trường hợp. Đây cũng là ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia lớn thứ hai của Mỹ Latinh này.
Nhà chức trách cho biết, một số khu vực như thủ đô Mexico City, các bang Mexico và Puebla đã bước vào giai đoạn đỉnh dịch với số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Nhằm ngăn chặn dịch lây lan, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp về phòng bệnh, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5, đồng thời khuyến cáo người dân không đến các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Mexico vẫn lên kế hoạch mở cửa lại một số lĩnh vực công nghiệp vào ngày 10/5 tới, cũng như dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp y tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17/5 và tại các bang còn lại từ ngày 1/6.
Công nhân mặc đồ bảo hộ cá nhân khi thực hiện lễ chôn cất nạn nhân Covid-19 ở nghĩa trang Panteon 13 tại Tijuana, Mexico, ngày 27/4. (Nguồn: Getty Images) |
* Peru xác nhận Bộ trưởng Nông nghiệp Jorge Montenegro đã dương tính với SARS-CoV-2. Bộ Nông nghiệp và Tưới tiêu của Peru khẳng định, Bộ trưởng Montenegro đã tuân thủ biện pháp cách ly xã hội và khuyến nghị của bác sĩ để nhanh bình phục.
Bộ trưởng Montenegro là thành viên đầu tiên trong nội các của Tổng thống Peru Martin Vizcarra mắc Covid-19.
Peru hiện đang trong tình trạng khẩn cấp, áp dụng các biện pháp cách ly và giới nghiêm nhằm ngăn ngừa virus lây lan. Theo Bộ Y tế Peru, tính đến ngày 7/5, nước này đã ghi nhận tổng cộng 58.526 ca nhiễm và 1.627 ca tử vong. Trong khi đó, Quốc hội Peru ghi nhận 10 ca nhiễm và đã phải tổ chức các phiên họp trực tuyến.
* Tại khu vực Trung Mỹ, trong 24 giờ qua, Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador ghi nhận thêm 500 ca nhiễm và 24 ca tử vong, nâng tổng số mắc bệnh và tử vong tại khu vực này lần lượt lên 11.450 và 359 ca.
* Ngày 8/5, sau 3 ngày ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-10 ở mức dưới 5, Hàn Quốc ghi nhận số bệnh nhân nhiễm mới quay trở lại mức hai con số với 12 ca (trong đó có 11 ca nhập cảnh), nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc lên 10.822 ca.
Số ca tử vong vẫn là 256, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 65 người, nâng tổng số lên 9.484, chiếm 87,6%.
Liên quan đến một ca nhiễm mới (nam, 29 tuổi ở thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi) trong cộng đồng, được phát hiện ngày 7/5, KCDC cho biết, chính quyền quận Yongsan (Seoul) đã xác định ca nhiễm trên đã từng tới 5 quán bar và quán nhậu, dự kiến sẽ công bố lộ trình di chuyển của người này qua dữ liệu từ camera giám sát an ninh (CCTV) và lịch sử thanh toán thẻ ngân hàng, đồng thời cảnh báo khoảng 2.000 người có mặt ở khu vực này trong thời điểm đó đã trở thành diện F1 "bất đắc dĩ".
* Ngày 8/5, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, phát hiện một trường hợp mắc bệnh Covid-19 lây nhiễm trong nước ở Cát Lâm. Ngoài ra, có 3 trường hợp nghi là lây nhiễm từ nước ngoài, đều ở Thượng Hải. Không có trường hợp tử vong được ghi nhận trong ngày.
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 82.886 người nhiễm, trong đó có 77.993 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện, 4.633 người tử vong.
* Một nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học của Đại học Kitasato (Nhật Bản) chủ trì vừa sản xuất thành công một loại kháng thể trung hòa (neutralizing antibody) nhân tạo chống SARS-CoV-2.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, phần lớn các tế bào có kháng thể trung hòa này không bị nhiễm SARS-CoV-2. Kháng thể trung hòa được tạo ra trong cơ thể con người khi các tế bào bị nhiễm virus. Kháng thể này bám chặt vào virus và ngăn không cho chúng đeo bám các thụ quan trên bề mặt của các tế bào.
Giáo sư Katayama Kazuhiko của Đại học Kitasato cho biết, việc nghiên cứu phương pháp chữa trị bằng kháng thể sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn và bày tỏ hy vọng đây sẽ là một phương pháp chữa trị mới.
Theo đài truyền hình NHK, nhóm nghiên cứu trên dự định sẽ hợp tác với các hãng dược phẩm để thực hiện thí nghiệm trên động vật và tiến hành các nghiên cứu cần thiết khác. Sau đó, họ hy vọng sẽ sản xuất kháng thể để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
* Ngày 7/5, Báo cáo dẫn nghiên cứu của văn phòng khu vực của WHO tại Brazzaville (CH Congo) nhận định, khoảng 83.000 đến 190.000 người có thể tử vong và khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại châu Phi nhiễm SARS-CoV-2 trong năm đầu bùng phát dịch.
Mặc dù tốc độ lây lan dịch Covid-19 tại châu Phi chậm hơn so với châu Á hay châu Âu, song các chuyên gia của WHO đã liên tục cảnh báo, lục địa này rất dễ bị "tổn thương" nếu đại dịch Covid-19 bùng phát do có hệ thống cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, tỉ lệ nghèo đói cao, nhiều khu vực giao tranh và xung đột vẫn đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Giám đốc khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cho biết, mặc dù Covid-19 có thể sẽ không lan rộng theo cấp số nhân ở châu Phi như ở những nơi khác trên thế giới, nhưng có khả năng đang lan truyền âm ỉ ở các điểm nóng. Tốc độ lây lan chậm hơn cho thấy đợt bùng phát có thể kéo dài hơn, trong vài năm.
Ngoài ra, ông Moeti nhấn mạnh, người dân châu Phi có thể sẽ phải sống chung với đại dịch Covid-19 trong vài năm tới nếu chính phủ các nước không chủ động ứng phó với đại dịch.
Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 7/5, châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 53.334 ca nhiễm và 2.065 ca tử vong do Covid-19.