📞

Cập nhật 14h ngày 20/3: Số ca Covid-19 tử vong trên toàn cầu vượt 10.000, Indonesia xét nghiệm diện rộng, phong tỏa thủ đô

14:42 | 20/03/2020
TGVN. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 10h30 giờ Việt Nam, số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 10.000 người.
Số ca Covid-19 tử vong toàn cầu vượt 10.000. (Ảnh minh họa. Nguồn: Ctitymb)

CSSE cho biết, trong tổng số 244.517 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch Covid-19 trên thế giới, có tổng cộng 10.030 ca tử vong, trong đó, Italy có 3.405 người, nhiều nhất thế giới, riêng ngày 19/3 ghi nhận 427 ca.

Trong khi đó, châu Âu ghi nhận tổng cộng 100.470 ca nhiễm, với 4.752 ca tử vong, nhiều hơn khu vực châu Á có 94.253 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, Chính phủ Italy tiếp tục xem xét khả năng kéo dài thời gian đóng cửa các hoạt động thương mại và trường học sau ngày 3/4 và bổ sung các biện pháp thắt chặt kiểm soát hơn nữa hoạt động đi lại của người dân trước thực trạng người dân không chấp hành nghiêm sắc lệnh hạn chế di chuyển.

* Ngày 19/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ra lệnh tiến hành xét nghiệm trên diện rộng nhằm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh trong thời gian sớm nhất trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn.

Tổng thống chỉ thị Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 và Bộ Y tế phối hợp với các bệnh viện công-tư, các công ty nhà nước, quân đội, cảnh sát quốc gia, chính quyền địa phương và các viện nghiên cứu được chỉ định để triển khai chiến dịch xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Một doanh nghiệp nhà nước của Indonesia đang chờ Bộ Y tế nước này chấp thuận việc nhập khẩu 500.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 từ Trung Quốc.

Trong diễn biến liên quan, Chính phủ Indonesia kêu gọi các tình nguyện viên và nhân viên y tế tham gia Lực lượng đặc nhiệm chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Fadjroel Rahman cho biết, các tình nguyện viên sẽ được triển khai nhằm đảm trách các công việc hậu cần và các hoạt động cần thiết khác, đặc biệt là khi các bệnh viện được chỉ định chữa trị Covid-19 rơi vào tình trạng quá tải.

Cũng trong ngày 19/3, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã ban hành lệnh phong tỏa trong vòng 3 tuần tới, tất cả người dân Jakarta không được phép rời khỏi khu vực thủ đô trừ trường hợp khẩn cấp.

Lệnh cấm được đưa ra trong bối cảnh Jakarta là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với 208 ca mắc bệnh và 17 ca tử vong, chiếm tới 68% trong tổng số ca tử vong trên toàn quốc.

Thống đốc Anies cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan là giữ khoảng cách an toàn khi gặp mặt, đồng thời yêu cầu các quan chức địa phương hạn chế tiếp xúc với người dân.

Thống đốc Anies cũng quyết định trong hai tuần tới, tạm dừng các hoạt động tôn giáo như các buổi cầu nguyện vào thứ Sáu và Chủ nhật hằng tuần.

Tính tới 12h trưa 19/3, Indonesia ghi nhận thêm 52 trường hợp mới dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 309 người, với 25 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tại Indonesia cao hơn so với ghi nhận tại các quốc gia Đông Nam Á khác.

* Quan chức Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nước này ghi nhận thêm 50 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên 322 người. Đa số các ca lây nhiễm ở Bangkok.

Cho đến nay, Thái Lan đã xác nhận một trường hợp tử vong do mắc Covid-19, 43 bệnh nhân đã hồi phục và về nhà, trong khi 278 người vẫn phải nằm viện.

* Ngày 19/3, Bộ Y tế Ai Cập xác nhận thêm 46 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tại nước này lên 256 trường hợp, trong đó có 7 ca tử vong.

Nội các Ai Cập đã quyết định tạm thời đóng cửa các quán cà phê, câu lạc bộ, trung tâm mua sắm, nhà hàng và các điểm giải trí từ tối hôm trước đến sáng hôm sau.

* Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi áp dụng lệnh giới nghiêm tự giác từ 7h đến 21h ngày 22/3 để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Theo lệnh mới, việc giới nghiêm sẽ do người dân tự giác thực hiện và giám sát.

Thủ tướng Modi cho rằng, cần phải áp dụng lệnh giới nghiêm bởi phần lớn người dân không tuân thủ các tiêu chuẩn giữ khoảng cách giao tiếp nhằm hạn chế lây lan đại dịch. Ông kêu gọi toàn dân cảnh giác và nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Theo Thủ tướng Modi, nguyên tắc quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay là quyết tâm và kiềm chế, người dân cần tuân theo các hướng dẫn do chính quyền trung ương và địa phương đưa ra.

Trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra nhiều quốc gia, ông đánh giá công tác phòng chống dịch tại quốc gia có trên 1,3 tỷ dân như Ấn Độ là thách thức không nhỏ. Do đó, Thủ tướng Ấn Độ yêu cầu người dân trong thời gian tới ở nhà càng nhiều càng tốt và những người trên 60 tuổi không được ra khỏi nhà.

* Chính phủ Sri Lanka ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc, bắt đầu vào lúc 6h chiều 20/3 và kết thúc lúc 6h sáng 23/3 (theo giờ địa phương) để hạn chế sự lây lan dịch Covid-19 và kêu gọi tất cả người dân nước này tuân thủ lệnh.

Hôm 19/3, Tổng thống Gototti Rajapaksa đã công bố quy định làm việc tại nhà 7 ngày, bắt đầu từ 20/3 và kéo dài đến ngày 27/3.

Cho đến nay, Sri Lanka đã xác nhận 59 bệnh nhân mắc Covid-19, trong khi hơn 230 người vẫn đang được theo dõi tại các bệnh viện trên cả nước.

(tổng hợp)