Dịch Covid-19 phức tạp ở Mỹ Latin, dự báo đạt đỉnh trong vài ngày tới. (Ảnh minh họa. Nguồn: Youtube) |
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực này trong 24 giờ qua, trong khi chính phủ các nước có những động thái khác nhau trong việc ứng phó với đại dịch.
Đến nay, trên toàn khu vực hiện có hơn 282.000 ca mắc Covid-19 được chính thức xác nhận. Các chuyên gia dự báo đại dịch Covid-19 ở Mỹ Latin sẽ chạm đỉnh trong vài ngày tới.
* Đứng đầu danh sách các nước Mỹ Latin có số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất là Brazil với 7.921 trường hợp trong số 114.715 ca mắc bệnh.
Riêng trong ngày 5/5, Brazil ghi nhận thêm 6.935 ca nhiễm SARS-CoV-2 và 600 ca tử vong. Số ca nhiễm mới đã tăng khoảng 6,4% kể từ tối 4/5, trong khi đó số ca tử vong tăng khoảng 8,2%.
* Tại Mexico, Bộ Y tế ghi nhận thêm 1.120 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 26.025 người, trong đó có 2.507 ca tử vong và 16.099 người nghi nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp và sắp bước vào đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã triển khai kế hoạch ứng phó ở cấp độ cao nhất (trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thiên tai và đại dịch), bao gồm sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang ở tất cả các cấp. Cơ quan chức năng đang tăng cường các nguồn nhân lực và vật lực để đối phó với bệnh dịch.
Chính phủ Mexico kêu gọi các bác sỹ và y tá nghỉ hưu chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và cho phép các cơ quan chức năng ký hợp đồng thuê bác sỹ nước ngoài để bù đắp cho số lượng bác sỹ và y tá thiếu hụt trong nước. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua vật tư, thiết bị y tế đang được hoàn tất. Các chuyến hàng y tế đầu tiên từ Trung Quốc và Mỹ đã đến Mexico.
Cơ quan y tế cảnh báo số ca bệnh và tử vong do Covid-19 sẽ tăng mạnh khi bước sang giai đoạn đỉnh dịch. Bên cạnh đó, tỉ lệ tử vong sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.
Bất chấp tình hình dịch bệnh, Chính phủ Mexico vẫn giữ nguyên kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17/5 tới, trong khi các bang còn lại sẽ được hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/6.
* Tại khu vực Trung Mỹ, số ca nhiễm bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 10.637 ca bệnh, trong đó có 324 ca tử vong.
* Tại Peru, quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực sau Brazil, Tổng thống Martin Vizcarra xác nhận số ca nhiễm tại nước này đã lên tới trên 50.000 người.
Dù là một trong những quốc gia Mỹ Latin đầu tiên đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, số ca bệnh ở Peru đã tăng gấp 2 lần chỉ trong vòng 10 ngày. Nước này ghi nhận 50.189 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 1.444 ca tử vong.
* Trong khi đó, Colombia thông báo có hơn 8.600 ca mắc Covid-19, trong đó có 378 ca tử vong. Tổng thống Ivan Duque ngày 5/5 tuyên bố gia hạn lệnh cách ly bắt buộc thêm 2 tuần, tức đến ngày 25/5. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, trong đó có ngành công nghiệp và một số doanh nghiệp bán lẻ nhất định như các nhà bán ô tô và đồ nội thất, có thể bắt đầu mở cửa trở lại.
Colombia đã áp dụng lệnh cách ly toàn quốc từ ngày 24/3 và kể từ đó đã gia hạn các biện pháp hạn chế thêm 2 lần.
* Tại Đức, báo cáo mới nhất của Viện bệnh dịch truyền nhiễm Robert Kock (RKI) công bố ngày 5/5 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 947 ca dương tính với SARS-CoV-2 (tăng gần 300 ca so vớ con số ghi nhận ngày 4/5) và 165 ca tử vong, nâng số ca nhiễm lên 164.087 với 6.996 người thiệt mạng.
Thông tin trên được công bố trong bối cảnh nhiều bang của Đức đã bắt đầu nới lỏng lỏng các biện pháp hạn chế được ban bố nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trên thực tế, các biện pháp này đã tỏ ra khá hiệu quả khi số ca nhiễm mới tại Đức trong tuần trước giảm còn khoảng 700 đến 1.600 ca nhiễm mới/ngày, thấp hơn con số 6.000 ca nhiễm mới/ngày vào thời điểm trước.
Cả RKI và Thủ tướng Angela Merkel đều nhiều lần nhấn mạnh các biện pháp hạn chế chỉ có thể được dỡ bỏ nếu tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức 1 người lây cho 1 người khác. Thực tế, theo ghi nhận của RKI, hiện tỷ lệ lây nhiễm ở Đức trong vài ngày qua ở mức 0,7 và 0,8 tùy địa phương.
* Ngày 6/5, đánh dấu 1 tuần Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức dưới 10 và là ngày thứ 3 liên tiếp không có ca nhiễm ở trong nước.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính tới 10 giờ sáng 6/5 (giờ địa phương), với 2 ca mới được phát hiện khi làm thủ tục nhập cảnh, số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc là 10.806 người.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc là 255, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn tăng thêm 50 người, nâng số người hồi phục lên thành 9.333 người, chiếm 86,3%. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 640.237 người, trong đó 97% có kết quả âm tính.
Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi các ca nhiễm mới duy trì liên tục ở mức dưới 10 ca/ngày kể từ ngày 30/4 vừa qua, bắt đầu từ ngày 6/5, Hàn Quốc sẽ tiến hành nới lỏng các biện pháp "giãn cách xã hội" và chuyển sang giai đoạn "sinh hoạt phòng dịch" tức là "thực hiện giãn cách song song với duy trì nhịp sống bình thường".
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ sáng cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nhấn mạnh, cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc cho dù Chính phủ đã quyết định nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, đây mới là những bước đi tối thiểu để chuẩn bị cho việc trở lại giới hạn bình thường. Ông Chung cam kết tiếp tục cuộc chiến nhằm kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2 vì có khả năng xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19 sau khi những quy định giãn cách xã hội được nới lỏng.
Theo phương thức phòng dịch mới, Hàn Quốc sẽ cho phép các cuộc gặp gỡ, tụ tập, sự kiện diễn ra với điều kiện tuân thủ nghiệm ngặt hướng dẫn phòng dịch. Các cơ sở công cộng cũng sẽ dần được mở cửa trở lại, bắt đầu từ các công viên quốc gia, phòng triển lãm và bảo tàng. Tuy nhiên, người dân vẫn được yêu cầu tuân thủ nghiêm chỉnh 5 nguyên tắc phòng dịch cơ bản, gồm ở nhà khi có dấu hiệu ốm, sốt; giữ khoảng cách từ 1-2m với người khác; rửa tay thường xuyên; đeo khẩu trang và giữ không gian trong nhà thông thoáng.
* Ngày 6/5, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc thông báo không ghi nhận ca tử vong nào do Covid-19 trong 24 giờ qua. Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 "ngoại nhập" và 20 ca mới không có triệu chứng bệnh.
Cũng theo NHC, có thêm 87 người bình phục và xuất viện trong 24 giờ qua, trong khi số ca bệnh nặng giảm 4 người xuống còn 29 người.
Như vậy, tính đến hết ngày 5/5, Trung Quốc đại lục xác nhận tổng cộng 82.881 ca mắc, trong đó 4.633 ca tử vong, 77.853 ca đã xuất viện và 395 người đang được điều trị.
Tổng cộng 1.676 ca mắc bệnh từ nước ngoài nhập cảnh Trung Quốc đại lục, trong đó có 1.351 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, 325 người vẫn được điều trị tai bệnh viện với 5 ca bệnh nặng và không có ca tử vong nào.
Đến ngày 5/5, tỉnh Hồ Bắc - từng là tâm dịch của Trung Quốc - không ghi nhận ca mắc mới trong 32 ngày liên tiếp kể từ ngày 4/4. Tổng số ca mắc tại Hồ Bắc đến nay là 68.128 ca, trong đó có 50.333 ca tại thành phố Vũ Hán.
Kể từ ngày 2/5, Hồ Bắc đã hạ mức ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19 từ mức cao nhất xuống mức thứ hai. Trước đó, vào ngày 8/4, Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại tại Vũ Hán, chấm dứt thời gian phong tỏa kéo dài 76 ngày đối với 10 triệu dân sinh sống tại đây.
Các vùng lãnh thổ khác của Trung Quốc gồm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong ghi nhận 1.040 ca mắc với 4 ca tử vong, Macau có 45 ca mắc và Đài Loan có 438 ca mắc với 6 ca tử vong. Số ca bình phục và xuất viện tại Hong Kong, Macau và Đài Loan lần lượt là 900, 39 và 334 người.
* Tình hình dịch Covid-19 tại Thái Lan tiếp tục chuyển biến tích cực khi chỉ ghi nhận thêm 1 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày thứ 2 liên tiếp và 1 ca tử vong mới, nâng tổng số bệnh nhân ở nước này lên 2.989 người, trong đó có 55 trường hợp tử vong.
Từ đầu tháng này, Thái Lan bước vào giai đoạn 1 nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch Covid-19, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới ngày 31/5.
* Tại Indoneisa, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong nội các tận dụng mọi nguồn lực cần thiết để đảm bảo đường cong dịch tễ đi xuống trong tháng 5 này và tiến tới giảm thiểu số ca mắc Covid-19 vào tháng 7 tới.
Đến nay, Indonesia đã ghi nhận 12.071 ca mắc Covid-19, trong đó có 872 ca tử vong