Tiến trình nới lỏng phong tỏa của Thái Lan bắt đầu từ ngày 3/5 song không loại trừ khả năng gia tăng ca mắc Covid-19. (Nguồn: CNN) |
Thái Lan bắt đầu giai đoạn 1 của tiến trình nới lỏng phong tỏa từ ngày 3/5, mặc dù Sắc lệnh về Tình trạng Khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới hết tháng 5/2020. Giai đoạn 2 của tiến trình gồm 4 giai đoạn này dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 17/5 nếu số ca mắc Covid-19 mới không tăng.
Truyền thông sở tại dẫn lời bác sĩ Charas Suwanwela, Chủ tịch Tư vấn Đại dịch Covid-19 nhận xét rằng Chính phủ, giới kinh doanh và người dân phải sẵn sàng cho sự gia tăng các ca Covid-19 có thể xảy ra sau việc nới lỏng phong tỏa. Đáng lưu ý là nguy cơ sự gia tăng này có thể làm quá tải hệ thống y tế.
Theo bác sĩ Charas, vốn là Hiệu trưởng và Giáo sư danh dự của Đại học Chulalongkorn, Thái Lan đã làm tương đối tốt trong đối phó với đại dịch, với tỷ lệ tử vong ở mức 1,8% so với những con số cao hơn nhiều ở châu Âu.
Tuy nhiên, bất chấp thành tích này, ông Charas cảnh báo rằng Ủy ban Tư vấn Đại dịch Covid-19 lo ngại về những tin tức liên quan đợt lây nhiễm thứ hai ở các nước mới nới lỏng một số hạn chế.
Ủy ban ước tính rằng sẽ phải mất thời gian lâu hơn, tới 1 năm hoặc 1 năm rưỡi, để Thái Lan hồi phục sau những tác động kinh tế và xã hội “mạnh mẽ” của đại dịch. Do đó, Chính phủ sẽ cần áp dụng các biện pháp chuyên sâu để hồi phục những khu vực chủ chốt và thúc đẩy tăng trưởng.
Trong khi Chính phủ Thái Lan từ từ nới lỏng các biện pháp phong tỏa, Bộ Y tế đã cam kết rằng nước này sẽ đạt 5.000 xét nghiệm trên 1 triệu dân trong tháng 5, với những khu vực được chú trọng bao gồm các trại dành cho lao động nhập cư, những cộng đồng đông dân ở các thành phố lớn và các bệnh viện.
Ngoài ra, Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Thái Lan Chatchai Promlert đã ra lệnh cho tất cả tỉnh trưởng trong cả nước phải thành lập Trung tâm điều hành Covid-19 ở các cấp chính quyền khác nhau từ tỉnh tới tận xã, phường.
Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 9/5 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này chỉ tăng thêm 18 ca lên 10.840 ca. Tin vui là số ca tử vong không tăng thêm và đã có thêm 84 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, đưa tổng số ca được chữa khỏi lên 9.568 ca.
Số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc lại gia tăng do sự lây nhiễm cụm liên quan đến bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở thủ đô Seoul. Anh này từng đến 5 quán bar ở khu phố Itaewon đêm 1/5 trước khi có triệu chứng mắc bệnh, khiến khoảng 1.500 người có tiếp xúc với anh này trở thành F1.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 9/5 thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 1 ca mắc Covid-19 xuất phát từ nước ngoài, nâng tổng số ca mắc bệnh "nhập ngoại" lên thành 1.681 người. Ca bệnh mới được ghi nhận ở thị trấn Thiên Tân.
Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như ca tử vong do dịch bệnh Covid-19.
Trong ngày 8/5, có thêm 53 bệnh nhân tại Trung Quốc đại lục được xuất viện sau khi khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên thành 78.046 người.
Tính tới ngày 8/5, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 82.887 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.633 ca tử vong.
Anh đã lên kế hoạch áp đặt cách ly bắt buộc 14 ngày đối với hầu hết các du khách quốc tế nhập cảnh vào nước này, bất chấp sức ép gia tăng với Chính phủ nhằm nới lỏng những biện pháp phong tỏa liên quan tới đại dịch Covid-19.
Theo tờ The Times, ngoài những người nhập cảnh từ nước láng giềng Ireland, tất cả những người tới Anh bằng đường hàng không, đường biển và đường sắt đều sẽ buộc phải tự cách ly 2 tuần.
Quy định mới sẽ được thực thi thông qua các cuộc kiểm tra đột xuất địa chỉ của du khách. Các hình phạt nếu vi phạm, sẽ bao gồm mức phạt lên tới 1.200 USD hoặc bị trục xuất.
Czech đã tham gia cuộc đua phát triển vaccine chống lại Covid-19. Vaccine hiện đang được phát triển trong giai đoạn đầu tiên, trong phòng thí nghiệm, có thể sẽ mất vài tháng và dự kiến sẽ tiêu tốn hàng chục triệu CZK.
Bộ trưởng Y tế Adam Vojtěch cho biết nhu cầu về vaccine chống Covid-19 sẽ rất lớn và tốt nhất là Czech nên tự lực nhất có thể, vì không có sự đảm bảo rằng vaccine được phát triển ở một quốc gia khác sẽ có đủ cho công dân Czech.
Ngoài ra, không thể biết đại dịch sẽ phát triển như thế nào trong tương lai cũng như có thể có một làn sóng thứ hai hoặc thứ ba, vì vậy tốt nhất nên sẵn sàng cho điều đó.
Ngày 8/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các nước nên sẵn sàng xác định nhanh các ca mắc Covid-19 nếu dịch tái bùng phát, trong khi mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng chống đại dịch.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, chuyên gia dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO cho biết hiện một số nước đang dần nối lại các hoạt động sản xuất, kinh tế sau khi chứng tỏ khả năng khống chế thành công dịch Covid-19, đồng thời cho rằng các nước khác nên học theo mô hình này.
Những nước đang có xu hướng mở cửa trở lại kinh tế bao gồm nhiều nước châu Á, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đã dần dỡ bỏ một số biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội “một cách có kiểm soát”.
Trong khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, nhiều nước đang cải thiện các hệ thống, tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi để phát hiện các ca nhiễm mới. Bên cạnh đó, một số nước cũng nỗ lực đảm bảo số lượng giường bệnh để chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19.
Theo bà Kerkhove, với cách làm như vậy, các nước có thể lại kiểm soát được dịch Covid-19 nếu dịch bệnh tái bùng phát.
Cùng ngày, WHO cho rằng các chính phủ cần cải thiện tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ buôn bán động vật sống. Tổ chức này không khuyến nghị các chợ như vậy trên toàn thế giới phải đóng cửa dù chợ bán hải sản và động vật tươi sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, được cho là có liên quan đến sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.