📞

Cập nhật 15h ngày 1/5: Mang súng vào nghị viện bang đòi dỡ phong tỏa tại Mỹ, rối ren khủng hoảng Covid-19 ở Brazil

15:07 | 01/05/2020
TGVN. Hàng chục người biểu tình, một số mang theo súng vào tòa nghị viện của bang Michigan ngày 30/4 để yêu cầu Thống đốc dỡ phong tỏa.
Người biểu tình mang súng vào nghị viện bang đòi dỡ phong tỏa tại Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Người biểu tình tập trung tại sảnh tòa nhà ở Lansing, không ai đeo khẩu trang nhưng một số dùng khăn che mặt. Cảnh sát bang ngăn chặn họ xông vào phòng họp.

Bên ngoài, nhiều người biểu tình cầm theo biểu ngữ với những thông điệp phản đối lệnh phong tỏa và chỉ trích dữ dội Thống đốc đảng Dân chủ Gretchen Whitmer, trong đó có một biểu ngữ so sánh Thống đốc Gretchen Whitmer với trùm phát xít Adolf Hitler. Một thông điệp khác được đăng trên mạng xã hội Facebook viết, "Chúng tôi tin rằng mỗi người Mỹ và mỗi người Michigan có quyền được làm việc hỗ trợ gia đình, di chuyển tự do, tụ tập tôn giáo và các mục đích khác”.

Cuộc biểu tình diễn ra chỉ 1 ngày sau khi tòa án Michigan ra phán quyết rằng, lệnh ở nhà do Thống đốc Whitmer đưa ra hôm 24/3 không vi hiến. Đây là lần thứ 2 trong tháng những người biểu tình yêu cầu bà Whitmer dỡ lệnh phong tỏa. Michigan hiện có 41.379 ca mắc Covid-19 và số người thiệt mạng là 3.789. Đây là một trong những vùng dịch lớn nhất nước Mỹ.

* Trong khi đó tại Brazil, sau hơn 2 tháng phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên hồi cuối tháng 2, Brazil đang dần trở thành một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với số ca bệnh mới tăng chóng mặt từng ngày.

Theo số liệu cập nhật tới sáng 1/5, Brazil đã ghi nhận 85.380 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (tăng tới 7.218 ca trong vòng 24 giờ), trong đó có 5.901 trường hợp tử vong, cao hơn cả Trung Quốc là nơi căn bệnh này khởi phát. Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin hiện cũng đứng đầu khu vực cả về số ca nhiễm lẫn tử vong vì Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kiểm soát thì những bất đồng giữa Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và chính quyền các bang về quan điểm ứng phó với dịch bệnh khiến tình hình càng trở nên rối ren và đe dọa biến Brazil trở thành một tâm dịch mới của thế giới trong những tuần tới.

Ngay từ thời điểm virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan trong cộng đồng tại Brazil, giới chuyên gia đã cảnh báo về khả năng bùng phát những ổ dịch lớn, khuyến cáo chính quyền cần phải có những biện pháp quyết liệt để đối phó với “kẻ thù vô hình” này. Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro luôn bảo vệ quan điểm rằng đây là một chiến dịch “thổi phồng” vấn đề mà giới truyền thông đưa ra để chống phá những chương trình phát triển đất nước, đồng thời coi Covid-19 chỉ giống như một loại cúm thông thường và những lo lắng của dư luận là thái quá.

Những quan điểm “khác lạ” của Tổng thống Bolsonaro khiến cho chính quyền các bang, cho dù là đồng minh chính trị hay thuộc các đảng phái khác, buộc phải đưa ra những quyết định của riêng mình. Trước những xung đột về quyết định liên quan tới việc phòng chống Covid-19 của Chính phủ và các bang, hồi đầu tháng 4, Tòa án Tối cao Brazil đã phải vào cuộc và đưa ra phán quyết khẳng định, Chính phủ liên bang không được quyền bác bỏ các quyết định của Chính quyền địa phương liên quan tới cách ly, phong tỏa và hạn chế kinh doanh.

* Bộ Y tế Mexico ngày 30/4 đã ghi nhận thêm 1.425 ca mắc Covid-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 19.224 người, trong đó có 1.859 ca tử vong và 15.520 người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Hiện nay, tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2 ở Mexico là 9,67%, cao nhất tại châu Mỹ. Cơ quan y tế cảnh báo, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Mexico sẽ ở mức cao do trên 70% dân số mắc các bệnh về cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch và béo phì.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh, cơ quan chức năng Mexico đã kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp phòng bệnh, ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5, đồng thời khuyến cáo người dân không đến các vùng có tỷ lệ lây nhiễm cao. Dự báo đỉnh dịch ở Mexico sẽ diễn ra vào tuần tới và kéo dài trong 3 tuần.

Chính phủ Mexico đã lên kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế tại một số bang kiểm soát tốt dịch bệnh từ ngày 17/5, trong khi các bang còn lại sẽ được phép hoạt động bình thường trở lại từ ngày 1/6.

* Ngày 1/5, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định, nước này cần chuẩn bị cho một làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 tiềm ẩn vào tháng 10-11, dù sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này có thể sẽ chậm hơn vào Hè này.

Phát biểu trên đài phát thanh, nhà lãnh đạo này cũng cho hay, nếu các quan chức có các biện pháp để giảm tỉ lệ tử vong do Covid-19 tại Budapest, nơi 80% ca tử vong trong tổng số các ca tử vong tại nước này được ghi nhận, chỉ khi đó, các quy định hạn chế mới có thể được nới lỏng tại Thủ đô.

Hungary sẽ dỡ bỏ một phần lớn những hạn chế được áp đặt tại các vùng nông thôn từ ngày 4/5.

* Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho hay đã nhận được các báo cáo về 12 trường hợp mắc mới Covid-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 30/4, trong đó có 6 ca “nhập ngoại”. Như vậy, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 “nhập ngoại” ở Trung Quốc hiện là 1.670 người, trong đó có 1.165 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi bình phục và 505 người đang được điều trị tại các bệnh viện.

Thông báo ngày 1/5 của cơ quan trên cho hay, 6 ca lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở trong nước gồm 5 người ở tỉnh Hắc Long Giang và 1 người ở Khu tự trị Nội Mông. Cũng trong ngày 30/4, Trung Quốc không ghi nhận thêm bất cứ trường hợp tử vong nào vì Covid-19.

Ngoài ra, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc còn thông báo thêm 3 trường hợp “nhập ngoại” nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều ở Thượng Hải.

* Hàn Quốc ngày 1/5 tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tăng trở lại sau một ngày không có ca nhiễm mới trong nước. Thời điểm Hàn Quốc ghi nhận có số ca nhiễm cao nhất là ngày 29/2 với 909 ca.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy, tính tới 10 giờ sáng 1/5 (theo giờ địa phương), với 9 ca mới được phát hiện (chủ yếu vẫn là từ nước ngoài), số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.774 người. Số ca tử vong là 248 (tăng thêm 1 ca), trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 13 người nâng tổng số lên 9.072 người, chiếm 84,2%. Số ca nhiễm bệnh từ nước ngoài nhập cảnh đã vượt ngưỡng 1.000 người, trong đó 91% là công dân Hàn Quốc.

Tính đến thời điểm này Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho trên 600.000 người và hiện vẫn còn hơn 8.000 người đang chờ kết quả.

Để đối phó với khả năng dịch Covid-19 kéo dài, Hàn Quốc đã chuẩn bị phương án giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường và đang thu thập ý kiến người dân về dự thảo Hướng dẫn phòng dịch cá nhân và cộng đồng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có xu hướng chậm lại, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tập trung ở "xứ sở kim chi" đã bắt đầu nối lại từ ngày 26/4 vừa qua sau khi KCDC nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội.

* Ngày 1/5, Thái Lan xác nhận thêm 6 ca nhiễm SARS-CoV-2, nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào. Đây là ngày có số lượng ca mới nhiễm Covid-19 thấp nhất được ghi nhận kể từ hôm 14/3.

Đến nay, Thái Lan đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca Covid-19 mắc mới theo ngày ở mức 1 con số. Như vậy, tính đến ngày 1/5, Thái Lan có tổng cộng 2.960 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong.

Mặc dù vẫn đang trong quá trình thực thi Sắc lệnh về Tình trạng Khẩn cấp và lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho tới hết tháng này, nhưng từ 3/5, quốc gia Đông Nam Á này bắt đầu giai đoạn 1 của việc nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19. Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch cho 4 giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng 2 tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện số lượng ca mắc Covid-19 mới trong tầm kiểm soát.

Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ mở cửa lại tất cả các trường công lập cho năm học mới từ ngày 1/7, mặc dù có thể xảy ra tình huống học sinh tại một số trường vẫn chưa thể đến lớp.

(theo AFP, Reuters, TTXVN)