📞

Cập nhật 19h ngày 10/6: Dịch trở nên tồi tệ, ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia cao kỷ lục, 4 yếu tố khiến bệnh nhân nguy cơ trở nặng

19:02 | 10/06/2020
TGVN. Ngày 10/6, Indonesia ghi nhận mức tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 hằng ngày cao nhất trong ngày thứ 2 liên tiếp với 1.241 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc đảo này lên 34.316 ca.    
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ nghỉ ngơi tại phòng cấp cứu tại Pekanbaru, Indonesia, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành tại quốc gia Đông Nam Á. (Nguồn: Reuters)

Theo quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto, nước này cũng có thêm 36 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng số ca tử vong lên 1.959 ca. Đến nay, Indonesia có 12.129 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 bình phục.

Cùng ngày, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của tỉnh Quần đảo Bangka Belitung Armayani Rusli cho biết Chính phủ Indonesia sẽ xây dựng một bệnh viện chữa trị Covid-19 trên một khu đất rộng 5 ha tại tỉnh này. Bệnh viện mới gồm 100 giường, trong đó có 25 giường chăm sóc đặc biệt, sẽ được khởi công vào tháng 7 tới và dự kiến hoàn thành trong vòng một tháng. Trong tương lai, cơ sở này có thể được sử dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm khác ngoài Covid-19.

Đây là dự án bệnh viện Covid-19 thứ 3 được Chính phủ trung ương triển khai bên cạnh một bệnh viện trên đảo Galang, thuộc tỉnh Quần đảo Riau và một cơ sở khác hiện đang được xây dựng ở huyện Lamongan thuộc tỉnh Đông Java.

* Trong diễn biến khác, cùng ngày, trong chuyến thăm, làm việc với Văn phòng Lực lượng đặc nhiệm chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Ccovid-19 quốc gia tại Jakarta, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát.

Tại buổi làm việc, Tổng thống Widodo khẳng định nhiệm vụ lớn của Chính phủ là giảm thiểu sự lây lan của dịch Covid-19, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Một số khu vực có số trường hợp nhiễm mới đã giảm về mức 0, song có khu vực ghi nhận số ca mắc gia tăng.

Cũng theo Tổng thống Widodo, trong điều kiện bình thường mới, mọi người phải thích nghi với tình hình dịch Covid-19 để khôi phục các hoạt động hằng ngày cho đến khi vaccine ngừa dịch bệnh được điều chế và có thể được sử dụng hiệu quả cho tất cả người dân Indonesia.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc thích nghi đồng nghĩa người dân phải làm quen với việc tuân thủ các quy trình y tế, để đảm bảo không bị lây nhiễm.

Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng tuyên bố việc mở một khu vực sang giai đoạn bình thường mới giữa đại dịch phải trải qua các giai đoạn nghiêm ngặt. Lực lượng đặc nhiệm phải đảm bảo không có sự gia tăng trường hợp nhiễm mới và cần xây dựng các cảnh báo cho từng khu vực để người dân có ý thức khi đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.

* Cùng ngày 10/6, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia Mohd Radzi Jidin thông báo nước này sẽ bắt đầu mở cửa lại các trường học từ ngày 24/6 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á bước vào giai đoạn phục hồi sau 3 tháng áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt về đi lại và kinh doanh nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á đã bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các hạn chế từ ngày 9/6 sau khi Chính phủ tuyên bố sự bùng phát dịch đã được kiểm soát.

*Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) Singapore ngày 10/6 cho biết đã đồng ý cấp phép có điều kiện cho loại thuốc kháng virus Remdesivir của hãng Gilead Sciences để các bác sĩ được chỉ định sử dụng đối với một số bệnh nhân nặng nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này.

Việc phê chuẩn của HSA diễn ra trong vòng 3 tuần sau khi Gilead nộp đơn đăng ký loại thuốc Remdesivir tại Singapore hôm 22/5.

Theo HSA, Remdesivir là loại thuốc điều trị duy nhất cho đến nay đã cho thấy có tác dụng tích cực đối với bệnh nhân COVID-19 trong một thử nghiệm lâm sàng vững chắc. Là một phần trong các điều kiện để được phê duyệt, hãng Gilead Sciences được yêu cầu tiến hành thu thập dữ liệu an toàn liên quan và giám sát việc sử dụng loại thuốc này.

Việc chấp thuận sử dụng thuốc Redemsivir dựa trên dữ liệu lâm sàng của Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia trong cuộc thử nghiệm 3 giai đoạn toàn cầu của Mỹ và kết hợp dữ liệu từ một nghiên cứu khác của Gilead Sciences.

HSA hiện đang phối hợp với Bộ Y tế Singapore và các chuyên gia để xác định rõ hơn những nhóm bệnh nhân nào đáp ứng điều trị tốt nhất từ loại thuốc này.

*Trong diễn biến liên quan, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) ngày 10/6 cho biết đã phát triển ứng dụng ngăn ngừa sự lây lan dịch Covid-19 dựa trên hệ thống giám sát hành trình trên điện thoại thông minh.

Đây là hệ thống thu thập các tín hiệu nhận được trong lộ trình di chuyển từ hộp đen smartphone của người mắc Covid-19, sau đó thông báo đến những người dùng khác để kiểm tra xem lộ trình di chuyển của họ có trùng với lộ trình của người nhiễm virus hay không.

Cũng trong ngày 10/6, giới y tế Hàn Quốc đã công bố 4 yếu tố giúp sớm sàng lọc bệnh nhân mắc Covid-19 có nguy cơ trở nặng.

Để xác định được điều đó, nhóm nhiên cứu về cơ quan hô hấp và dị ứng thuộc Trung tâm hô hấp, trong đó có Giáo sư Jang Jong-geol và Giáo sư Ahn Jun-hong của Bệnh viện Đại học Yeungnam, đã tiến hành phân tích 110 bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện điều trị từ tháng 2 đến tháng 4.

Nhóm nghiên cứu đã phân loại bệnh nhân nặng theo các tiêu chí xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), cần điều trị ở phòng chăm sóc tích cực (ICU), và trường hợp tử vong. Trong 110 bệnh nhân được theo dõi, có 23 trường hợp nằm trong nhóm bệnh nhân nặng.

Theo đó, những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân có thân nhiệt cao trên 37,8 độ C khi mới nhập viện, bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu thấp dưới 92% và bệnh nhân có chỉ số CK-BM thể hiện mức độ tổn thương tim cao hơn 6,3 là 4 yếu tố chính khiến tình trạng bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng.

* Bộ Y tế New Zealand ngày 10/6 thông báo không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Như vậy, quốc gia châu Á-Thái Bình Dương này đã không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào trong 19 ngày qua.

Hiện tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại New Zealand là 1.154 ca, trong đó có 22 ca tử vong. Đến nay, New Zealand cũng đã dần khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân, song vẫn tăng cường các biện pháp hạn chế tại biên giới. Theo đó, mọi người tại cửa khẩu biên giới đều sẽ phải xét nghiệm dù họ có triệu chứng hay không.

Trong khi đó, khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội, hủy bỏ các biện pháp kiểm soát đường biên và cách ly bắt buộc theo từng giai đoạn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang ổn định dần.

* Theo số liệu ngày 10/6 của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ, nước này đã ghi nhận 9.985 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trong 24 giờ qua, đưa tổng số bệnh nhân lên 276.583 người, trong đó có 7.745 trường hợp tử vong.

Các bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh là Maharashtra với 90.787 ca, Tamil Nadu 34.914 ca và Delhi 31.309 ca. Chính quyền Delhi thậm chí dự báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại thủ đô có thể tăng lên mức 550.000 ca vào cuối tháng 7 tới.

Bộ trên hôm 9/6 cho hay, Chính phủ đã cử các đội y tế trung ương đến 15 bang và vùng lãnh thổ liên bang để hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh và xử lý các ổ dịch. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan khẳng định nước này đang ở vào trạng thái tốt hơn so với nhiều quốc gia khác trong cuộc chiến chống COVID-19, song ông cũng cảnh báo không được tự mãn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 9/6 đánh giá đại dịch Covid-19 đang trở nên tồi tệ trên toàn cầu và giờ không phải lúc để bất kỳ quốc gia nào ngơi nghỉ trong cuộc chiến này.

Trong khi đó, viện nghiên cứu tổng hợp Nomura cho rằng Ấn Độ nằm trong nhóm 15 quốc gia có nguy cơ cao, nơi việc nới lỏng lệnh phong tỏa có thể dẫn tới sự gia tăng đột biến các ca bệnh mới, dẫn đến một tình huống, mà trong trường hợp cực đoan, có thể buộc nhà chức trách phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

(tổng hợp)