📞

Cập nhật 19h ngày 12/6: Trung Quốc tố Mỹ thông tin sai về thời điểm xuất hiện Covid-19 tại Vũ Hán, Chính phủ Anh bị khiếu nại

Thế Việt 18:55 | 12/06/2020
TGVN. Bắc Kinh cho rằng việc Đại học Harvard nhận định dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra có thể xuất hiện từ tháng 8/2019 là "nỗ lực gieo rắc thông tin bịa đặt" của Mỹ.
Xét nghiệm Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: AP)

Hôm 8/6, Trường Y Harvard thuộc Đại học Harvard, Mỹ đăng một nghiên cứu mới trên cổng thông tin DASH, cho rằng Covid-19 có thể xuất hiện ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, từ đầu tháng 8/2019.

Nghiên cứu này dựa vào ảnh vệ tinh về lưu lượng ôtô trong bãi đậu xe của 5 bệnh viện ở Vũ Hán từ đầu tháng 8/2019, cũng như xu hướng tìm kiếm các từ khóa như "ho" và "tiêu chảy" trên mạng cũng gia tăng trong khoảng thời gian này.

Phát biểu tại họp báo ở Bắc Kinh hôm 11/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, bà tin rằng nghiên cứu trên là bằng chứng cho thấy những nỗ lực được phối hợp ở Mỹ nhằm "cố tình tạo ra và gieo rắc thông tin bịa đặt chống Trung Quốc".

Trung Quốc công bố những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Vũ Hán vào tháng 12/2019 và đã chia sẻ bộ gene virus với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tháng 1/2020. Đại học Hoàng gia London, đơn vị hợp tác với WHO, cũng nhận định Covid-19 xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng ngày 5/12 năm ngoái.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Australia, đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nêu giả thuyết rằng virus này có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Hôm 10/6, ông Trump đăng trên Twitter một đoạn video của Fox News về nghiên cứu của Trường Y Harvard, nhưng không đưa ra bình luận.

Hiện nay, hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19, khiến hơn 7,6 triệu người nhiễm, hơn 424.000 người tử vong. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 2,1 triệu ca nhiễm, hơn 116.000 ca tử vong. Trung Quốc, quốc gia khởi phát dịch, báo cáo hơn 83.000 ca nhiễm, hơn 4.600 ca tử vong.

Mỹ thực hiện thành công ca ghép phổi cho bệnh nhân mắc Covid-19

Các bác sĩ phẫu thuật ở Mỹ mới đây đã thực hiện thành công ca cấy ghép lần đầu tiên cả 2 lá phổi cho một nữ bệnh nhân mắc bệnh Covid-19, đem lại hy vọng cứu sống nhiều ca bệnh nặng khác.

Nữ bệnh nhân ở độ tuổi 20 đã được điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Northwestern Memorial ở Chicago trong 6 tuần. Tại đây, bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào máy trợ tim và phổi. Đến tháng 6 này, tình hình phổi của bệnh nhân không những không hồi phục mà còn có dấu hiệu xơ hóa giai đoạn cuối, phổi trái xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn, khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Do vậy, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật thay phổi.

Trước khi được ghép phổi, bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các y bác sĩ phải ngày đêm theo dõi để đảm bảo bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật. Ngày 5/6 vừa qua, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng các bác sĩ vẫn phải mất tới 10 giờ đồng hồ, thay vì 6 giờ như thường lệ, để thực hiện cuộc phẫu thuật vô cùng phức tạp, một phần do phổi của bệnh nhân bị dính vào các cấu trúc xung quanh và rất khó để loại bỏ.

Cho đến nay, nữ bệnh nhân nói trên đã tỉnh táo và có thể trò chuyện qua điện thoại với người thân. Tuy nhiên, cô vẫn phải dùng máy thở và hô hấp bằng phương pháp mở khí quản. Bệnh nhân đang dần hồi phục và có thể ra viện trong một vài tuần tới.

Người dự sự kiện tranh cử của ông Trump tự chịu trách nhiệm nếu mắc Covid-19

Những người tham dự sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải cam kết tự chịu trách nhiệm nếu họ bị mắc Covid-19.

Những người ủng hộ Tổng thống Trump sẽ phải ký vào một bản cam kết trên trang web vận động tranh cử của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, khẳng định họ sẽ không khởi kiện nếu bị mắc Covid-19 khi tham dự sự kiện vận động tranh cử của ông chủ Nhà Trắng.

“Bằng việc bấm vào nút đăng ký bên dưới, bạn đã chấp nhận rằng nguy cơ nhiễm Covid-19 tồn tại ở bất kỳ khu vực công cộng nào nơi có mọi người xuất hiện”, bản cam kết nêu rõ.

“Khi tham dự sự kiện, bạn và bất kỳ khách mời nào tình nguyện chấp nhận mọi rủi ro liên quan tới việc mắc Covid-19 và đồng ý không bắt chiến dịch tranh cử của tổng thống, nhà thầu hoặc nhân viên nào phải chịu trách nhiệm”, bản cam kết cho biết.

Tuy nhiên, trang web tranh cử của ông Trump không đề cập tới các biện pháp để kiểm soát sự lây nhiễm của dịch bệnh, như đeo khẩu trang.

Tổng thống Trump ngày 10/6 thông báo sẽ nối lại các cuộc vận động tranh cử tại 4 bang gồm Oklahoma, Florida, Arizona và North Carolina, bất chấp dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát tại Mỹ.

Sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động vận động tranh cử của Tổng thống Trump sẽ diễn ra tại Tulsa, Oklahoma vào ngày 19/6. Trung tâm BOK ở Tulsa, nơi dự kiến diễn ra sự kiện, có sức chứa 19.000 người.

Các cuộc vận động tranh cử của ông Trump được nối lại sau khi tạm dừng hồi tháng 3 do dịch Covid-19. Hiện nhiều bang tại Mỹ đã nới lỏng phong tỏa và giãn cách xã hội, cho phép các hoạt động kinh doanh và sự kiện đông người được tổ chức trở lại.

EU kêu gọi duy trì cảnh giác cao trước đại dịch Covid-19

Ủy viên về y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides ngày 12/6 cho rằng, cuộc khủng hoảng y tế công cộng do đại dịch Covid-19 gây ra ở châu Âu vẫn chưa hề lắng dịu, đồng thời kêu gọi các chính phủ cần duy trì cảnh giác cao độ và đẩy mạnh thực hiện các xét nghiệm virus và truy vết nguồn bệnh.

Phát biểu với các bộ trưởng y tế EU trong cuộc họp trực tuyến, bà Kyriakides nhấn mạnh: "Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Chúng ta vẫn cần cảnh giác".

Quan chức này đưa ra cảnh báo mới giữa lúc lo ngại về sự gia tăng các ca nhiễm virus mới trong thời điểm các nước EU dẫn mở lại biên giới cũng như hoạt động kinh doanh.

3 hãng hàng không khiếu nại Chính phủ Anh

Ngày 12/6, 3 hãng hàng không British Airways, easyJet và Ryanair thông báo đã khởi động quy trình pháp lý nhằm vào Chính phủ Anh về quy định cách ly 14 ngày đối với hành khách nhập cảnh vào nước này.

Trong tuyên bố, 3 hãn hàng không trên cho rằng quy định cách ly hiện hành có "thiếu sót", sẽ để lại hậu quả "tàn phá" đối với ngành du lịch Anh nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung, cũng như khiến hàng nghìn người mất việc làm. Ba hãng này muốn Chính phủ tái áp đặt các biện pháp được ban hành vào ngày 10/3, theo đó chỉ cách ly những hành khách đến từ các nước "có nguy cơ cao".

Kể từ ngày 8/6, Chính phủ Anh yêu cầu người nhập cảnh nước này phải tự cách ly trong 2 tuần để phòng dịch Covid-19. Quy định này được áp dụng đối với cả công dân Anh và người nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai từ nước ngoài. Theo đó, người đến Anh bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển hoặc tàu hỏa phải cung cấp chi tiết hành trình và địa chỉ sẽ tự cách ly. Công dân Anh và hành khách nước ngoài nếu vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền lên đến 1.250 USD hoặc bị truy tố.

Tuy nhiên, quy định trên đã vấp phải sự bất bình từ ngành hàng không, cũng như các công ty du lịch và khách sạn vốn đang chật vật vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Indonesia thông báo về các trường hợp người nước ngoài mắc Covid-19

Truyền thông địa phương ngày 12/6 dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi cho biết có ít nhất 311 người nước ngoài bị mắc bệnh Covid-19 ở nước này, trong đó 26 người đã tử vong.

Phát biểu họp báo trực tuyến, ông Retno cho hay, tính đến ngày 10/6, có 311 người nước ngoài đã được xét nghiệm mắc Covid-19, trong đó 26 người tử vong và 204 người đã hồi phục.

Bộ Ngoại giao Indonesia cũng xác nhận 485 người nước ngoài khác hiện được xếp trong danh sách “bệnh nhân đang được theo dõi (ODP) - tức là những người đang được chữa trị với các triệu chứng nhiễm nhiễm bệnh điển hình song chưa được xét nghiệm. Trong số đó, 265 người đã được hồi hương.

Cũng theo Ngoại trưởng Retno, tính đến ngày 10/6, có 110.457 công dân Indonesia ở nước ngoài đã trở về nước, tăng 2.807 người trong vòng một tuần qua. Trong đó, 21.733 thuyền viên Indonesia hồi hương từ 29 nước qua các điểm nhập cảnh chuyên biệt tại Jakarta và Bali.

Cùng ngày, tại Indonesia, quan chức y tế Achmad Yurianto thông báo có thêm 1.111 ca nhiễm mới Covid-19 và 48 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do dịch bệnh lên lần lượt là 36.406 và 2.048.

Ông Yurianto cũng cho biết đã có thêm 577 bệnh nhân Covid-19 phục hồi, nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 13.213. Ngoài ra, tính đến ngày 12/6, Indonesia đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho tổng cộng 302.147 người.

(tổng hợp)