📞

Cập nhật 19h ngày 15/4: Tổng thống Mỹ tiết lộ 'ngày kinh hoàng', Nga phai nhạt tự tin

19:41 | 15/04/2020
TGVN. Tiến hành phân tích đường cong của đại dịch Covid-19, các nhà khoa học tại Đại học Harvard (Mỹ) nhận định, việc các nước áp đặt lệnh phong tỏa hay cách ly xã hội một lần sẽ không thể ngăn chặn được dịch bệnh. Diễn biến thực tế đòi hỏi các biện pháp này cần được triển khai nhiều lần tới tận năm 2022. 
Tổng thống Trump tiết lộ "ngày kinh hoàng nhất" đời ông là khi biết Mỹ không đủ máy thở trong kho dự trữ để đối phó dịch bệnh. (Nguồn: Reuters )

Nghiên cứu trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang bước vào giai đoạn được coi là đỉnh điểm của dịch bệnh và một số bang đang xem xét việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo để sớm nối lại các hoạt động kinh tế.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học ngày 14/4, dịch bệnh Covid-19 sẽ xuất hiện theo mùa, rất giống với các chủng virus corona gây ra các triệu chứng cảm lạnh, cúm mùa thông thường, với tỷ lệ truyền nhiễm cao hơn vào các tháng lạnh. Tuy nhiên, có quá nhiều điều chưa hiểu về cơ chế của virus SARS-CoV-2 gây bệnh cũng như khả năng duy trì miễn dịch của những người đã mắc sẽ kéo dài bao lâu.

Trưởng nhóm nghiên cứu trên, ông Stephen Kissler khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy các biện pháp giãn cách xã hội áp dụng một lần dường như chưa đủ để duy trì tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 trong phạm vi hệ thống y tế Mỹ có khả năng chống chịu được". Theo các nhà khoa học, thời gian và cường độ giãn cách xã hội chỉ có thể được nới lỏng khi có các phác đồ điều trị hiệu quả và thế giới đã bào chế được vaccine phòng bệnh.

Các nhà khoa học cũng thừa nhận một hạn chế lớn trong mô phỏng của họ là hiện tại giới chuyên gia chưa có nhiều nghiên cứu về khả năng miễn dịch của người mắc bệnh sau khi khỏi bệnh.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc Họp báo về Covid-19 ở Nhà Trắng ngày 14/4, Tổng thống Trump tiết lộ "ngày kinh hoàng nhất" đời ông là khi biết Mỹ không đủ máy thở trong kho dự trữ để đối phó dịch bệnh hồi tháng 3, khi các quan chức trong chính quyền nói với Tổng thống rằng nước Mỹ sẽ cần đến 130.000 máy thở và vẫn đang thiếu hàng trăm nghìn máy.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 600.000 ca nhiễm và hơn 26.000 ca tử vong. Cũng trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Trump tuyên bố cắt ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với lý do tổ chức này đã che giấu tính nghiêm trọng của Covid-19 ở Trung Quốc, khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng các hành động đối phó.

* Cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng là lý do ngày hôm nay, Nga đã chỉ trích Tổng thống Trump, đồng thời cho rằng, quyết định của ông chủ Nhà Trắng là ích kỷ và gây phương hại cho WHO - cơ quan mà nhiều nước đang trông cậy vào khả năng lãnh đạo giải quyết cuộc khủng hoảng đại dịch.

Hãng thông tấn TASS đã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, tuyên bố của Mỹ "rất đáng báo động" và "đây là ví dụ về một cách tiếp cận rất ích kỷ của giới chức Mỹ đối với những gì đang xảy ra trên thế giới liên quan tới đại dịch.

Trong khi đó, Nga ngày 15/4 ghi nhận thêm 3.388 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.490.

198 người chết tại Nga, tăng 28 trường hợp so với hôm trước, trong khi số người đã hồi phục là 1.986, theo thông cáo của Trung tâm xử lý Khủng hoảng do nCoV thuộc Cơ quan Giám sát Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng và Nhân quyền Liên bang Nga (Rospotrebnadzor). Covid-19 đã xuất hiện tại 84 địa phương của Nga và chỉ còn duy nhất Cộng hòa Altai ở khu vực Trung Nam chưa có ca nhiễm.

Nói với các quan chức cấp cao trong cuộc họp trực tuyến mới đây, Tổng thống Nga Putin đưa ra nhận định: "Chúng ta chưa qua đỉnh dịch, ngay cả ở Moscow. Chúng ta có rất nhiều vấn đề. Chắc chắn không thể lơi lỏng cảnh giác". Tổng thống Nga nói rằng, những tuần tới sẽ quyết định cuộc chiến chống đại dịch tại nước này vì tình hình "đang thay đổi từng ngày và không phải theo hướng tốt hơn", cần "xem xét mọi kịch bản về diễn biến tình hình, thậm chí phức tạp nhất và bất thường nhất".

* Ngày 15/4, Điện Kremlin cũng đã bác bỏ chỉ trích về cách nước này giải quyết sự bùng phát dịch Covid-19 sau khi Trung Quốc cho rằng, nguồn bệnh nhân Covid-19 "nhập khẩu" lớn nhất vào nước này xuất phát từ nguồn lây nhiễm ở khu vực Đông Bắc xa xôi, giáp với Nga.

Tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc, đã trở thành một "tiền tuyến" mới trong cuộc chiến chống các ca Covid-19 nhập khẩu trong bối cảnh nhiều công dân Trung Quốc bị mắc Covid-19 hồi hương từ Nga theo đường bộ.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: "Chúng tôi được biết hiện có sự chỉ trích qua lại giữa các nước liên quan tới Covid-19. Chúng tôi coi đây là hành động vô ơn".

Ủy ban Y tế Quốc gia (NHS) ngày 15/4 cho biết, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 36 ca bệnh Covid-19 từ nước ngoài về trong ngày 14/4, nâng tổng số ca bệnh "ngoại nhập" lên thành 1.500 người.

* Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 15/4 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ chủ trì một hội nghị trực tuyến vào ngày 4/5 để các chính phủ và tổ chức đưa ra cam kết hỗ trợ công tác nghiên cứu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2.

Phát biểu họp báo chung với Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel, bà Leyen nói: "Để hỗ trợ sáng kiến toàn cầu này, việc tài trợ là cần thiết. Tôi hy vọng rằng các quốc gia và tổ chức trên toàn thế giới sẽ hưởng ứng lời kêu gọi này".

* Bộ Y tế Tây Ban Nha thông báo, ngày 15/4 số ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở nước này trong 24 giờ qua tiếp tục giảm xuống 523 người, so với 567 người một ngày trước đó.

Hiện tổng số ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 ở Tây Ban Nha đã lên tới 18.579 người. Trong khi đó cùng ngày, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha đã tăng lên tới 177.633 người, so với 172.541 ca ngày 14/4.

* Ngày 15/4, Malaysia đã ghi nhận thêm 85 ca mắc Covid-19, số ca ghi nhận hàng ngày thấp nhất kể từ khi Chính phủ Malaysia áp đặt các biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan virus vào hôm 18/3, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch nguy hiểm này lên 5.072 ca.

Bộ Y tế Malaysia cũng báo cáo 1 ca tử vong mới. Như vậy, cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này đã xác nhận 83 ca tử vong.

* Trong khi đó cùng ngày tại Iran, người phát ngôn Bộ Y tế Kianush Jahanpur thông báo số ca tử vong do Covid-19 đã tăng lên 4.777 ca với việc có thêm 94 bệnh nhân tử vong trong vòng 24 giờ qua. Theo quan chức này, Iran - quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch này, đã ghi nhận tổng cộng 76.398 ca mắc Covid-19.

(theo Eurasiareview, Reuters, AFP)