📞

Cập nhật 19h ngày 24/5: Đà lây lan Covid-19 đang chậm lại, Nga vẫn có tới hơn 8.500 ca mới dù thủ đô đã qua đỉnh dịch

Thế Việt 19:05 | 24/05/2020
TGVN. Đến 19h, theo worldometers, số ca lây nhiễm mới Covid-19 trên toàn thế giới ở mức 30.297 người - cho thấy đà lây lan đang chậm lại. Nga vẫn có tới 8.599 ca mới, dù một số địa phương, trong đó có Moscow đã qua đỉnh dịch.
Cập nhật 19h ngày 24/5: Đà lây lan Covid-19 đang chậm lại, Nga vẫn có tới hơn 8.500 ca mới dù thủ đô đã qua đỉnh dịch

Tiếp theo đến Mexico khi có tới 3.329 ca nhiễm Covid-19 mới, Iran đứng thứ hai với 2.180 ca mới, Pakistan đứng thứ ba với 2.164 ca. Brazil đứng thứ tư với 1.715 ca nhiễm mới, tiếp theo là Bangladesh với 1.532 ca, Ấn Độ là 1.332 ca, Belarus, Kuwait, UAE, Afghanistan… dưới 1000 ca. Qua đó, có thể thấy, đà lây lan của Covid-19 đang chậm lại.

Theo số liệu cập nhật của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 LB Nga, tính đến sáng 24/5 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 8.599 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số lên 344.481 ca. Trong đó, 43,91% số ca nhiễm mới không có biểu hiện lâm sàng.

Với 153 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca tử vong tại LB Nga hiện đã lên tới 3.541 người; đồng thời có thêm 5.363 ca bình phục, đưa tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 113.299 người.

Thủ đô Moscow vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất song con số ghi nhận đã giảm so với những ngày trước đó. Với 2.516 ca nhiễm mới, hiện tổng số ca nhiễm tại thủ đô là 163.913 ca. Trong 24 giờ qua, Moscow ghi nhận thêm 59 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 1.993 ca, và có thêm 2.427 bệnh nhân bình phục, đưa tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 49.840 người.

Các địa phương khác có số ca mắc Covid-19 cao trong vòng 24 giờ qua là thành phố St. Petersburg - 384 ca; tỉnh Nizhny Novgorod - 221; tỉnh Rostov - 152; tỉnh Krasnoyarsk - 146.

Chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nga Agasi Tavadyan nhận định thủ đô Moscow và tỉnh Moscow là những địa phương duy nhất ở LB Nga đã qua đỉnh dịch Covid-19, các địa phương còn lại đỉnh dịch sẽ diễn ra trong 1 hoặc 2 tuần tới.

Trong khi đó, tại các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang tiếp tục phải đối mặt với những diễn biến nghiêm trọng của đại dịch, khi mà Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất.

Ngày 24/5, cơ quan y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua đã có thêm 147 ca tử vong mới và 6.767 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại quốc gia này lên lần lượt là 3.867 ca và 131.868 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm tăng tỷ lục tại Ấn Độ.

Maharashtra tiếp tục là bang bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 47.190 ca nhiễm, tiếp đến là Tamil Nadu với 15.512 ca, Gujarat với 13.664 ca và Delhi với 12.910 ca.

Bất chấp số ca mắc liên tục tăng cao, kể từ đầu tháng 5, Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức 2.600 chuyến tàu đặc biệt đưa 3,5 triệu người lao động di cư kẹt lại tại địa phương về quê nhà. Hôm 23/5, công ty Đường sắt Ấn Độ thông báo sẽ vận hành thêm 2.660 chuyến tàu như vậy trong 10 ngày tới để đáp ứng nhu cầu của các chính quyền bang, dự kiến sẽ vận chuyển 3,6 triệu người di cư.

Tại Bangladesh, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 28 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện ở nước này vào ngày 8/3. Số ca nhiễm mới là 1.532 ca, nâng tổng số ca lên 33.610 ca.

Tổng số ca nhiễm tại Indonesia tăng 526 ca lên 22.271 ca còn tổng số ca tử vong tăng 21 ca lên 1.372 ca. Jakarta, nơi sinh sống của 10 triệu dân, là khu vực có số ca tử vong cao nhất với tổng cộng 501 ca. Dịch Covid-19 đã lan khắp tất cả 34 tỉnh thành của quốc gia Đông Nam Á này.

Giới chức đang đẩy mạnh xét nghiệm ở những vùng có phát hiện ca nhiễm, trong khi mọi người dân được yêu cầu luôn đeo khẩu trang để ngăn chặn virus lây lan.

Philippines ghi nhận thêm 258 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 14.035 ca kể từ khi dịch bùng phát tại đây hồi tháng 1. Số ca tử vong cũng tăng lên 868 ca sau khi có thêm 5 ca mới trong 24 giờ qua.

Tại Malaysia, giới chức y tế xác nhận có thêm 60 ca nhiễm mới, trong đó 33 ca liên quan đến 2 cơ sở giam giữ người nhập cư. Cho đến thời điểm này, tổng số ca nhiễm là 7.245 ca.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc xác nhận thêm 25 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.190 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc là trên 20 ca. Trong số các ca mới có 8 ca là "nhập khẩu", nâng tổng số ca đến từ nước ngoài lên 1.212 ca.

Theo thông báo của Trung tâm Y tế cộng đồng trực thuộc Bộ Y tế Ukraine, tính đến sáng 24/5, nước này ghi nhận thêm 406 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc ở nước này lên thành 20.986 ca. Trong 1 ngày qua, Ukraine có thêm 12 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 617 ca, trong khi có 179 bệnh nhân hồi phục, đưa tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 7.099 người.

Hiện 14.443 bệnh nhân được điều trị tại nhà theo chế độ tự cách ly, 6.543 người được chữa trị tại bệnh viện. Số bệnh nhân nặng phải sử dụng máy trợ thở là 256 người.

Bộ Y tế Belarus công bố số liệu cập nhật tính đến ngày 23/5, cho biết nước này ghi nhận thêm 941 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 35.244 ca. Trong 24 giờ qua có thêm 4 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong lên 194 người.

Cũng đến thời điểm này, có 13.528 ca hồi phục và được xuất viện. Tổng cộng Belarus đã thực hiện 434.618 xét nghiệm Covid-19.

Thái Lan không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 và ca tử vong nào trong ngày 24/5, duy trì ở mức 3.040 ca nhiễm và 56 ca tử vong kể từ khi dịch bẹnh bùng phát hồi tháng 1 vừa qua.

Theo người phát ngôn lực lượng ứng phó với dịch Covid-19 của Thái Lan Panprapa Yongtrakul, đây là ngày thứ 4 trong tháng 5 này, Thái Lan không phát hiện ca nhiễm mới nào trong ngày. Số trường hợp phục hồi là 2.921 người.

Mông Cổ ngày 24/5 cũng không phát hiện trường hợp nhiễm mới nào, theo số ca nhiễm trên toàn nước này vẫn là 141 ca.

Theo nhà chức trách Mông Cổ, tất cả các trường hợp mắc Covid-19 ở nước này, trong đó có 4 người nước ngoài, đều lây nhiễm từ nước ngoài, chủ yếu từ Nga. Đến nay, Mông Cổ vẫn chưa ghi nhận ca lây nhiễm trong nước hay ca tử vong nào do Covid-19.

Đại dịch Covid-19 phơi bày bất bình đẳng về kinh tế-xã hội tại Canada. Các chuyên gia nghiên cứu về bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế nhận định tình hình này sẽ còn tồi tệ hơn khi các tỉnh mở cửa trở lại hoạt động kinh tế.

Một phân tích mới công bố của Cơ quan Y tế Công cộng Toronto dựa trên số liệu các ca nhiễm Covid-19 được theo dõi tới ngày 10/5 cho thấy: Nhóm dân thu nhập thấp nhất có 205 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với 34 ca nhập viện/100.000 dân, trong khi tại nhóm thu nhập cao nhất chỉ có 94 ca nhiễm, với 15 trường hợp nhập viện. Ở khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất có 198 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 30 trường hợp nhập viện/100.000 dân, trong khi ở khu vực có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, chỉ có 98 ca nhiễm với 15 ca nhập viện.

Tại Canada, trong 31 ngày qua, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng hơn gấp đôi lên 83.621 ca, trong đó có 6.355 trường hợp tử vong.

Hãng hàng không LATAM của Chile ngày 23/5 thông báo quyết định sa thải thêm 450 nhân viên, do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với ngành hàng không.

Thông cáo của LATAM nêu rõ do những hậu quả nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với ngành hàng không thế giới nói chung và LATAM nói riêng, tập đoàn LATAM Airlines buộc phải cắt giảm khoảng 450 nhân viên, chủ yếu thuộc các chi nhánh tại Chile, Peru, Ecuador và Colombia.

Đây là lần cắt giảm nhân viên lần thứ hai chỉ trong vòng một tuần lễ của hãng hàng không lớn nhất khu vực Nam Mỹ này. Trước đó, ngày 15/5, hãng này cũng đã cho nghỉ việc 1.400 nhân viên với lý do tương tự. Ngoài ra, trong hai tháng 4-5/2020, LATAM đã phải cắt giảm 95% số chuyến bay quốc tế và chỉ giữ lại một số chuyến bay giữa thủ đô Santiago với Mỹ và Brazil cũng như các chuyến bay nội địa.

Cho đến ngày 23/5, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Chile đã lên tới 65.393 người, trong đó có 673 ca tử vong.

Biểu tình tiếp diễn ở Đức phản đối các biện pháp phong tỏa do dịch Covid-19. Cảnh sát cho biết, trong ngày 23/5, gần 30 cuộc tuần hành đã diễn ra ở thủ đô Berlin và nhiều thành phố khác trên khắp nước Đức, trong đó có Nuremberg, Munich và Stuttgart. Tại Hamburg, 750 người đã tham gia tuần hành. Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng để giải tán một cuộc tuần hành có khoảng 120 người tham gia. Nhiều người biểu tình quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ.

Các cuộc tuần hành đã được tổ chức hằng tuần ở các thành phố lớn của Đức kể từ đầu tháng 4 vừa qua và đã leo thang trong những tuần gần đây với sự tham gia của hàng nghìn người. Mục đích của những người biểu tình là phản đối các biện pháp hạn chế của chính phủ, với lý do các biện pháp này xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, phát biểu ngày 23/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các biện pháp hạn chế do dịch Covid-19 là cần thiết.

Theo số liệu của Viện nghiên cứu Robert Koch của Đức công bố ngày 24/5, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 431 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc lên 178.281 ca. Số ca tử vong tăng 31 ca lên thành 8.247 ca.

Đức bắt đầu nới lỏng các hạn chế được đưa ra để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 từ đầu tháng 5, sau khi ghi nhận số ca nhiễm trong ngày giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.

Indonesia đối mặt với làn sóng bùng nổ dân số hậu Covid-19. Trong báo cáo mới đây, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Quốc gia (BKKBN) cho biết trong tháng 3 vừa qua, khoảng 10% trong tổng số 28 triệu người thuộc chương trình kế hoạch hóa gia đình đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận các biện pháp kiểm soát sinh sản.

Với tổng dân số gần 270 triệu người, Indonesia hằng năm đón nhận khoảng 4,8 triệu trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, theo ước tính của BKKBN, việc giảm sử dụng các biện pháp tránh thai trong vòng một tháng có thể khiến tỷ lệ mang thai tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này tăng thêm 15% trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng, tương đương khoảng 420.000 thai nhi. Nếu tình trạng trên kéo dài 3 tháng, tỷ lệ mang thai sẽ tăng thêm 30% trong các tháng tiếp đó, tương đương với 800.000 thai nhi.

Tiến sĩ Augustina Situmorang, chuyên gia nhân khẩu học tại Viện Khoa học Indonesia (Lipi), dự đoán số lượng các bà mẹ mang thai tại quốc gia này sẽ tăng vọt do mọi người bị hạn chế tiếp cận các biện pháp tránh thai.

Tính đến nay, Việt Nam đã bước vào ngày thứ 38 không phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. 267 bệnh nhân đã được chữa khỏi, tương ứng với tỷ lệ khỏi bệnh đạt 82%. Hiện còn 58 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 cho rằng chúng ta đã dập tắt các ổ dịch nhưng nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn vẫn còn (do đưa công dân từ vùng dịch về nước; các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao các nước sang làm việc tại các dự án…). Do đó không được chủ quan, cần quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đường biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là các đường mòn lối mở... Ở trong nước phải thực hiện nghiêm công tác cách ly, tiếp tục tiến hành xét nghiệm sàng lọc đối với những nhóm đối tượng, khu vực có nguy cơ...

Việt Nam vẫn duy trì chiến lược phòng chống dịch theo phương châm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Tất cả công dân nhập cảnh về nước đều được cách ly, xét nghiệm, khi về nhà vẫn phải theo dõi sức khỏe.

(tổng hợp)