📞

Cập nhật 19h ngày 6/6: Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng nhanh chưa từng có, Brazil mỗi phút chết một người

Chu Văn 19:15 | 06/06/2020
TGVN. Với trung bình 100.000 ca mắc/ngày, số người mắc Covid-19 trên thế giới được xác nhận đang tăng nhanh chưa từng có.
Tổng thống Jair Bolsonaro không đeo khẩu trang khi diễn thuyết trước đám đông phản đối phong tỏa và giãn cách xã hội tại Brazil hồi tháng 4. (Nguồn: Dailymail)

Số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, trong tháng 4, chưa bao giờ số ca mắc mới Covid-19 vượt 100.000 ca/ngày, tuy nhiên kể từ ngày 21/5, chỉ có 5 ngày con số này dưới mốc 100.000 ca. Số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu trong ngày đạt kỷ lục 130.400 ca vào hôm 3/6.

Số ca mắc mới tăng mạnh một phần được cho là do các nước tăng năng lực xét nghiệm, nhưng tại nhiều quốc gia, năng lực xét nghiệm còn hạn chế và vẫn chưa phản ánh đúng quy mô của đại dịch Covid-19.

Số ca mắc mới Covid-19 tại nhiều quốc gia từng là tâm dịch như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, bắt đầu tăng chậm lại. Trong khi đó, tại nhiều nước, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, dịch tiếp tục bùng phát mạnh. Tại Libya, Iraq, Uganda, Mozambique và Haiti, dữ liệu cho thấy số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi mỗi tuần. Tại Brazil, Ấn Độ, Chile, Colombia và Nam Phi, số ca Covid-19 tăng gấp đôi cứ sau 2 tuần.

Một số quốc gia được đánh giá đã kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên như Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, lại đang đối mặt với nguy cơ làn sóng thứ hai khi xuất hiện các cụm lây nhiễm mới.

Giới phân tích nhận định, tâm dịch Covid-19 của thế giới đang dịch chuyển về Mỹ Latin. Những nước đông dân nhất trong khu vực, như Brazil và Mexico, đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm mới ở mức cao nhất. Dịch bệnh cũng lan ra nhanh chóng tại các nước như Peru, Colombia, Chile và Bolivia.

Ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới với gần 2 triệu ca mắc, trong đó gần 112.000 ca tử vong. Brazil mới đây đã vượt qua Italy và hiện chỉ đứng sau Mỹ và Anh về số ca tử vong do Covid-19. Nước này cũng đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm bệnh.

* Theo thống kê của Worldometers, Brazil hiện ghi nhận 35.047 người chết vì Covid-19, trong khi số ca nhiễm đã lên tới 646.006 người. Bài viết đăng trên trang nhất của Folha de S.Paulo viết, đã 100 ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Brazil Bolsonaro mô tả Covid-19 chỉ là bệnh “cúm nhẹ”, chủng mới của virus corona “cứ mỗi phút giết chết một người Brazil”.

Phát biểu trước các phóng viên ngày 5/6, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết Brazil sẽ cân nhắc rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu cơ quan này không chấm dứt việc trở thành một “tổ chức phe phái chính trị”. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump, một đồng minh chính trị của ông Bolsonaro, cũng đã tuyên bố sẽ chấm dứt mối quan hệ với WHO, sau khi cáo buộc tổ chức này là “con rối” của Trung Quốc.

Tuyên bố của tổng thống Brazil được đưa ra sau khi WHO cảnh báo chính phủ các nước, đặc biệt tại khu vực Mỹ Latin, về những rủi ro có thể xảy ra nếu dỡ bỏ phong tỏa trước khi kiểm soát được tốc độ lây lan của bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, Tổng thống Brazil vẫn chọn cách đi ngược lại các biện pháp phòng dịch vì cho rằng, các biện pháp đó không đáng để hy sinh các lợi ích kinh tế. Ông Bolsonaro tiếp tục khuyến khích các bang dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa kinh tế trở lại, phản đối các biện pháp giãn cách xã hội vì lo kinh tế sụp đổ.

* Tại Nga, Bộ Y tế đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc Levilimab (tên thương mại Ilsira) để điều trị bệnh nhân nhiễm mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thể nặng. Thuốc này do công ty công nghệ sinh học Biocad điều chế.

Văn phòng báo chí Bộ Y tế Nga ngày 6/6 cho biết: “Thuốc được chỉ định cho những bệnh nhân thể nặng, khi phát triển cái gọi là cơn bão cytokine - phản ứng quá mức của cơ thể khi virus phát triển ”. Bộ trên lưu ý, việc ngăn chặn sự phát triển của cơn bão cytokine là vô cùng quan trọng trong điều trị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho loại thuốc điều trị Covid-19 có tên Avifavir. Người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev đã báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, Avifavir sẽ được cấp miễn phí ở Nga trong chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc.

Tính đến sáng 6/6, Nga ghi nhận thêm 8.855 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 458.689 (tăng 2,0%). Trong vòng 24 giờ qua tại Nga có thêm 197 người tử vong do Covid-19, nâng tổng số người tử vong lên thành 5.725, đồng thời có thêm 8.708 người bình phục, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh được xuất viện lên thành 221.388 người.

* Trong khi đó, ngày 6/6, Indonesia lại ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất. Bộ Y tế nước này cho biết, với 993 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi phát hiện dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, và nâng tổng số ca mắc tại quốc gia vạn đảo lên 30.514 người.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, ông Achmad Yurianto, một quan chức Bộ Y tế, cho biết, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1.801 ca tử vong, tăng 31 ca trong vòng 24 giờ qua. Như vậy tính đến nay, tất cả 34 tỉnh thành của Indonesia đều có ca mắc Covid-19. Hiện giới chức các tỉnh thành đang tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại những khu vực có người nhiễm dịch cao và yêu cầu công dân thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống dịch tiếp tục lây lan.

* Tại Philippines, trong vòng 24 giờ qua, cũng ghi nhận thêm 714 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 21.340. Theo Bộ Y tế, tổng số ca tử vong cũng đã lên tới 994, tăng 7 ca.

* Ngày 6/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo người dân Iran nên chuẩn bị cho việc sống chung với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong thời gian dài, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch bệnh lây lan.

Phát biểu trong phiên họp hàng tuần với lực lượng đặc trách chống Covid-19, Tổng thống Rouhani nêu rõ người dân không nên cho rằng căn bệnh này sẽ bị loại trừ trong 15 ngày hay 1 tháng nữa, mà cần tất cả cần tuân thủ hướng dẫn trong thời gian dài. Người dân cần chấm dứt việc tụ tập, bất kể là lễ cưới, đám tang, hay thăm thân trừ phi Bộ Y tế thay đổi khuyến cáo.

Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã tăng thêm 2.269 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 169.425 ca. Số người tử vong đã tăng 75 ca lên 8.209 ca.

Thời gian qua, nhà chức trách Iran đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và các hoạt động đã gần như trở lại bình thường tại phần lớn khu vực trong số 31 tỉnh của Iran. Xu hướng các ca nhiễm tăng lên so với mức thấp được ghi nhận vào đầu tháng 5 và việc người dân không tuân thủ giãn cách xã hội đang khiến nhà chức Iran lo ngại. Tuy nhiên, nguyên nhân số ca nhiễm tăng lên có thể là do việc mở rộng xét nghiệm.

Mặc dù giới chức y tế Iran lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, song Tổng thống Rouhani nhấn mạnh, Iran không có lựa chọn khác và hoạt động kinh tế trên cả nước cần được duy trì.

Các trường đại học Iran đã mở lại vào ngày 6/6 sau hơn 3 tháng đóng cửa, trong khi các trường mẫu giáo dự kiến sẽ mở lại vào ngày 13/6 tới. Tổng thống Rouhani thông báo sẽ nới lỏng hạn chế đối với các công ty lữ hành nhằm nối lại các tour nội địa từ ngày 13/6, trong khi các rạp chiếu phim và nhà hát sẽ được mở lại nhưng giảm một nửa công suất đón khách từ ngày 21/6 tới. Phần lớn các đền thờ cũng sẽ được phép hoạt động trở lại, thay vì chỉ tập trung tại những khu vực nguy cơ thấp như tháng trước.

(theo Reuters, AFP, CBS, TTXVN)