📞

Cập nhật 19h ngày 9/4: Thế giới ghi nhận gần 90.000 ca tử vong, Tây Ban Nha tuyên bố 'dần kiểm soát' dịch Covid-19

18:45 | 09/04/2020
TGVN. Số liệu mới nhất do trang mạng worldometer.info cập nhật cho biết, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.529.961 người, với 89.426 ca tử vong và 337.276 ca phục hồi.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez phát biểu tại Quốc hội ngày 9/4, khẳng định "bắt đầu kiểm soát" dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 9/4 thông báo, nước này ghi nhận thêm 683 ca tử vong do bệnh Covid-19 trong một ngày qua, giảm so với hai ngày trước đó. Như vậy, tổng số ca tử vong do đại dịch tại Tây Ban Nha đã lên tới 15.238 người còn tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 đã tăng lên 152.446 người, từ mức 146.690 người trong ngày 8/4.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 9/4 tuyên bố, những số liệu mới nhất liên quan tới dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha rất đáng khích lệ và tình hình dịch bệnh tại nước này chuẩn bị bước vào giai đoạn thuyên giảm.

Phát biểu tại Quốc hội trước thềm một cuộc bỏ phiếu về việc kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần cho tới ngày 26/4, Thủ tướng Pedro Sanchez khẳng định: "Ngọn lửa (ý nói dịch bệnh Covid19) đã bắt đầu được kiểm soát".

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 9/4 tuyên bố, Italy có thể bắt đầu nới lỏng dần một số biện pháp hạn chế hiện đang được áp đặt nhằm ngăn chặn Covid-19 trước cuối tháng 4 nếu sự lây lan dịch bệnh tiếp tục chậm lại.

Phát biểu với đài BBC, Thủ tướng Conte nêu rõ: "Chúng tôi cần lựa chọn những lĩnh vực có thể hoạt động trở lại. Nếu các nhà khoa học xác nhận điều này, chúng tôi có thể bắt đầu nới lỏng một số biện pháp đang được áp đặt trước cuối tháng 4".

Tuy nhiên, Thủ tướng Conte cảnh báo Italy không thể hạ mức cảnh giác và các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng dần.

Italy hiện ghi nhận 139.422 ca mắc Covid-19 với 17.669 ca tử vong, riêng trong ngày 8/4 có 542 ca tử vong, thấp hơn so với mức 604 một ngày trước đó. Ngoài ra, có 3.693 bệnh nhân đang được điều trị tích cực, giảm từ mức 3.792 trong ngày 7/4 - ngày thứ 5 liên tiếp ghi nhận các số liệu giảm dần.

Quốc đảo Solomon tuyên bố kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp (SOE) do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. SOE được ban bố hôm 25/3 và Quốc hội đã thông qua kiến nghị kéo dài SOE thêm 4 tháng, tới ngày 25/7.

Thủ tướng Manasseh Sogavare cho biết sẽ có 3 giai đoạn của SOE và đảo quốc này hiện đang ở giai đoạn 1, trong đó bao gồm một lệnh giới nghiêm cuối tuần trên toàn thủ đô Honiara.

Các thủy thủ thuộc Hải quân Peru đứng gác ngoài sân bay quốc tế Jorge Chavez ở thủ đô Lima sau khi Chính phủ đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Peru Martin Vizcarra đã gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm hai tuần - đến ngày 26/4 - để đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Tuyên bố trên được Tổng thống Vizcarra được đưa ra sau khi số bệnh nhân đã tăng lên 4.342 người và 121 ca tử vong. Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông nhấn mạnh người dân không nên mất cảnh giác, lơ là các biện pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo duy trì những thành quả mà Peru đã đạt được trong giai đoạn khó khăn nhất. Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ bao gồm cả lệnh cách ly trên toàn quốc.

Honduras sẽ kéo dài lệnh giới nghiêm toàn quốc ngày 19/4 tới nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19. Hiện quốc gia Trung Mỹ này đã ghi nhận 343 ca nhiễm và 23 ca tử vong do đại dịch

Tại Brazil, ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng thổ dân Yanomami ở Amazon là một thiếu niên 15 tuổi đang được điều trị tích cực tại một bệnh viện ở Boa Vista, thủ phủ bang Roraima, miền Bắc Brazil.

Bộ trưởng Y tế Luiz Henrique Mandetta đã bày tỏ quan ngại về ca nhiễm này, khi tộc người Yanomami sinh sống ở nơi hẻo lánh và khó tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản.

Brazil hiện là nơi sinh sống của khoảng 800.000 thổ dân thuộc hơn 300 sắc tộc. Cho đến nay, Brazil đã ghi nhận ít nhất 7 ca nhiễm trong các cộng động thổ dân. Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 20 tuổi thuộc tộc người Kokama, được xác nhận dương tính cách đây 1 tuần.

Bộ Y tế Iran thông báo nước này đã ghi nhận thêm 117 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong do đại dịch lên 4.110 ca.

Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu một cách nghiêm túc nhằm đối phó với tác động tài chính ngày càng sâu sắc của dịch Covd-19.

Vài ngày sau khi cắt giảm lương và phụ cấp khác của các nghị sĩ và bộ trưởng, Chính phủ trung ương Ấn Độ đã thông qua các chỉ thị yêu cầu tất cả các bộ giảm tới 60% kế hoạch chi tiêu quý đầu. Chỉ có duy nhất chi tiêu dành cho các chương trình liên quan đến đại dịch là không nằm trong diện cắt giảm này.

Số tiền cắt giảm sẽ gần như là từ ngân sách trị giá 3,43 nghìn tỷ rupee (khoảng 45 tỷ USD) trong dự toán chi tiêu của chính phủ trong quý đầu tiên của tài khóa năm nay. Việc cắt giảm này đã trở nên cần thiết bởi tất cả các ước tính cho thấy doanh thu thuế và phi thuế của chính phủ sẽ thấp hơn rất nhiều so với dự toán ngân sách của năm 2021.

Chính phủ Ấn Độ đã chia các bộ thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên sẽ phải giảm 20% chi tiêu, nhóm tiếp theo là 40% và còn lại là 60%. Các bộ tương ứng sẽ thực hiện việc cắt giảm phù hợp. Tuy nhiên, các chỉ thị không đề cập việc cắt giảm lương và trợ cấp.

Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 6.200 ca mắc Covid-19, trong đó số ca tử vong đã vượt 200 ca.

Liên quan đến cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, Công ty vũ khí Pindad và công ty điện tử LEN Industri của Indonesia thông báo việc lên kế hoạch sản xuất hàng loạt máy thở nhằm giúp các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tránh nguy cơ thiếu trang thiết bị y tế.

Giám đốc điều hành Pindad, ông Abraham Mose cho biết công ty quốc doanh này đã phát triển một loại máy thở từ đầu tháng 3 vừa qua và hiện đang xin giấy chứng nhận từ Bộ Y tế để sản xuất. Sau khi có giấy phép, Pindad sẽ sản xuất 40 máy/ngày, vốn đã được thử nghiệm tại một bệnh viện quân y tại Bandung.

Theo thống kê ngày 23/3 của Bộ Y tế Indonesia, quốc gia này hiện có 8.936 máy thở được đặt tại 1.827 bệnh viện trên khắp cả nước.

Số liệu được Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 (CCSA) công bố ngày 9/4 cho thấy tỷ lệ các nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 ở Thái Lan là 3,4% tổng số các ca nhiễm được ghi nhận cho tới nay.

Tính đến ngày 9/4, Thái Lan đã xác nhận 2.423 ca nhiễm virus và 32 trường hợp tử vong, đồng thời chữa khỏi cho 940 bệnh nhân Covid-19. Trong số các ca nhiễm SARS-CoV-2 đã được công bố, có 80 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 50 nhân viên y tế bị lây nhiễm tại các bệnh viện, 18 nhân viên y tế bị lây nhiễm trong cộng đồng và 12 trường hợp đang được điều tra.

Theo người phát ngôn CCSA Thaweesin Visanuyothin, Thái Lan vẫn phải thận trọng trong việc đưa công dân hồi hương, bởi vì có những ca bệnh là người Thái từ nước ngoài trở về.

Chính phủ Thái Lan vẫn chưa thay đổi thời gian giới nghiêm từ 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau, nhưng sẽ xem xét các tình huống đặc biệt, trong đó có việc triển khai nhân viên an ninh và các lực lượng khác để hỗ trợ phòng dịch.

Theo bản tin phát lúc 18h ngày 9/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Việt Nam đã có thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 2 người tiếp xúc gần bệnh nhân 243, nâng tổng số ca mắc tại nước ta đến thời điểm này là 255 ca.

Ngày 9/4, Việt Nam ghi nhận thêm 2 bệnh nhân mắc Covid-19 khỏi bệnh, nâng tổng số người khỏi bệnh lên 128.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 74.941, trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 720; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.329; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 49.892.

(tổng hợp)