📞

Cập nhật 21h00 ngày 9/2: Virus corona lan nhanh tại bệnh viện, trước mắt không có bằng chứng cho thấy lây truyền qua aerosol

21:37 | 09/02/2020
TGVN. Tính đến 19h ngày 9/2, thế giới ghi nhận 37.589 ca dương tính với chủng mới của virus corona (2019-nCoV), trong đó có 368 trường hợp ngoài Trung Quốc. 
Cập nhật 21h00 ngày 9/2: Virus corona lan nhanh tại bệnh viện, trước mắt không có bằng chứng cho thấy lây truyền qua aerosol

Nguy cơ lây nhiễm cao tại bệnh viện

Báo cáo đăng trên chuyên san JAMA phát hiện có đến 41% trong số 138 bệnh nhân đầu tiên của dịch viêm phổi Vũ Hán do nhiễm virus corona mới (2019 – nCoV) được chẩn đoán tại cùng một bệnh viện ở Vũ Hán.

Số liệu trên có nghĩa là, gần phân nửa số ca nhiễm ban đầu dường như đã lây lan bên trong một bệnh viện duy nhất. Thuật ngữ cho tình trạng này gọi là lây nhiễm “nosocomial” – tức nhiễm virus tại bệnh viện.

Báo cáo cũng loại bỏ trường hợp gọi là “cá thể siêu lây nhiễm” – chỉ tình trạng một bệnh nhân lây cho nhiều người khác. Chẳng hạn, quy trình nội soi phế quản, với bác sĩ chèn ống vào phổi nạn nhân, cũng có thể khiến lây lan cho nhiều bệnh nhân.

Dù đáng quan ngại, nhưng điều này không là gì so với chuyện đã xảy ra cho bệnh viện trong báo cáo: Nhiều nhân viên y tế và các bệnh nhân bị lây nhiễm tại khắp các khu vực của bệnh viện.

Không dừng lại ở đó, vì mức độ lây nhiễm quá rộng và chỉ có những người thể hiện triệu chứng mới được xét nghiệm virus corona mới, số ca nhiễm virus corona do lây lan trong bệnh viện trên thực tế ắt hẳn phải cao hơn nhiều so với con số được ghi nhận.

Hàn Quốc ghi nhận thêm 2 ca nhiễm mới

Giới chức y tế Hàn Quốc ngày 9/2 thông báo có thêm 2 trường hợp được xác nhận nhiễm chủng mới của virus corona (2019-nCoV), nâng tổng số ca nhiễm virus tại nước này lên 27 người.

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, một người đàn ông Hàn Quốc 51 tuổi và một phụ nữ Trung Quốc 37 tuổi, những người đã trở về nước này sau khi ở tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc từ tháng 11/2019 đến ngày 31/1/2020, đã xét nghiệm dương tính với nCoV.

Trước đó cùng ngày, một người phụ nữ Hàn Quốc khác, 73 tuổi, cũng được xác nhận nhiễm virus. Bà là người nhà của cặp đôi trên.

Chưa có bằng chứng về việc lây truyền qua aerosol

Hãng tin Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp báo của Quốc vụ viện Trung Quốc (tức chính phủ Trung Quốc) ngày 9/2, ông Phùng Lục Triệu, nghiên cứu viên tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, đã cung cấp n’hững thông tin về virus corona chủng mới (2019-nCoV) “lây truyền qua aerosol.

Mọi chuyện xuất phát từ bài phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 8/2 của phó cục trưởng Cục Dân chính thành phố Thượng Hải, ông Tăng Quần. Trong tuyên bố của mình, ông Tăng đã nói: “Lây truyền qua aerosol chỉ những giọt bắn li ti hòa lẫn trong không khí hình thành aerosol, mà sau khi hít vào dẫn tới nhiễm bệnh".

Một phòng chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện của Vũ Hán (Trung Quốc). (Nguồn: EPA)

Tuy nhiên, một số người dùng mạng, thậm chí có chuyên gia, nói rằng “lây truyền qua aerosol” như ông Tăng nói phải được hiểu là lây qua “khí dung”. Khí dung được hiểu là một phương pháp điều trị tại chỗ các bệnh lý đường hô hấp, trong đó sử dụng máy xông khí, xông thuốc dưới dạng sương mù vào mũi, họng, khí quản, phế quản của bệnh nhân.

Làm rõ vấn đề này, ông Phùng Lục Triệu, nghiên cứu viên về bệnh truyền nhiễm, cho rằng “lây truyền qua aerosol” đề cập tới việc hòa lẫn virus (mầm bệnh) với những giọt nước li ti trong không khí để hình thành nên aerosol (tiếng Trung Quốc là khí dung giao), vốn có thể trôi nổi đến khoảng cách xa hơn và gây lây nhiễm nếu hít phải, theo trang China Daily.

"Vậy cụ thể lây truyền qua aerosol là gì? Là trong quá trình những giọt nước li ti lơ lửng trong không khí, bởi vì nước mất đi, sẽ còn lại các protein và mầm bệnh, hình thành các hạt.Những hạt này có thể bay tới những nơi xa hơn, dẫn tới lây nhiễm ở khoảng cách xa. Đây gọi là lây truyền qua aerosol. Nói chung, trong những môi trường nhất định có thể xảy ra lây truyền qua aerosol, chẳng hạn trong hình thức luồn ống (vào khí quản…) lâm sàng” - ông Phùng giải thích chi tiết.

Trái với những gì ông Tăng cung cấp, ông Phùng cho biết trước mắt “không có bằng chứng cho thấy nCoV lây truyền qua aerosol”. Ông Phùng trấn an: “Dưới điều kiện sống và làm việc có các biện pháp phòng ngừa, việc tiếp tục đeo khẩu trang đúng cách đã đủ để bảo vệ công chúng không nhiễm bệnh. Do đó, mọi người không cần phải lo sợ”.

Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc vẫn chưa kết luận con đường “lây truyền qua aerosol” có nằm trong số các con đường lây truyền nCoV. WHO tuyên bố họ cần nghiên cứu thêm, vì còn nhiều điều giới chuyên gia chưa biết hết về nCoV.

Chuyên gia tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc trên cũng khẳng định, các con đường lây truyền nCoV chủ yếu được biết hiện tại là lây truyền do trúng những giọt nước bắn ra từ người bệnh (lây truyền trực tiếp), và lây truyền qua tiếp xúc gián tiếp, tức tay chạm vào bề mặt vật thể dính mầm bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

(tổng hợp)