Châu Âu, châu Á đứng trước nguy cơ đối mặt làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19. (Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock) |
Tại Mỹ, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của (CDC) nhận định, số ca tử vong thực tế do mắc Covid-19 tại thành phố New York cao hơn tới 5.300 ca so với thống kê chính thức. Theo các chuyên gia, số ca tử vong do Covid-19 có thể chưa được thống kê đầy đủ bởi có những người tử vong tại nhà và không được cơ quan y tế xét nghiệm xem mắc bệnh gì.
Báo cáo phân tích của CDC công bố hôm 11/5 đã làm rõ nhiều thách thức mà chính quyền Mỹ phải đối diện trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Một trong những vấn đề đó là do sợ nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nên nhiều người dân ngại ngần và trì hoãn việc tìm kiếm sự giúp đỡ y tế khi họ bị mắc các bệnh khác như tim mạch hoặc tiểu đường.
Trên thực tế, không chỉ ở New York mà tại nhiều nơi trên thế giới, số ca tử vong do Covid-19 chưa được thống kê đầy đủ do khả năng xét nghiệm hạn chế và cách thống kê khác nhau của mỗi nước.
Tính tới nay, Mỹ đã ghi nhận 1.407.363 người nhiễm Covid-19, trong đó có 83.302 ca tử vong và 280.560 người bình phục.
* Ngày 12/5, Bộ Y tế Brazil thông báo ghi nhận thêm 881 ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca thiệt mạng lên 12.400, trong khi số trường hợp nhiễm mới cũng tăng thêm 9.258 người, lên thành 177.589 ca.
Báo cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết, đây là số ca tử vong do Covid-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi đầu tháng 3. Với số ca nhiễm mới, Brazil đã vượt Đức trở thành nước có số người mắc bệnh cao thứ 7 trên thế giới.
Hiện nay, bệnh viện và các cơ sở y tế công tại các thành phố lớn như Manaus và Rio de Janeiro bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân liên tục tăng mạnh. Trong tổng số 177.589 ca mắc bệnh đã có 72.597 người hồi phục, tương đương 40,9%.
* Tại Pháp, số ca tử vong do mắc Covid-19 là 26.991, tăng 348 ca trong 24 giờ qua, bao gồm 17.003 ca trong bệnh viện (tăng 183), 9.823 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác (tăng 165).
Hiện có 178.225 người nhiễm Covid-19, trong đó có 21.595 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 689 ca so với hôm trước) với 2.542 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 170), 57.785 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Trong phiên điều trần trước Hạ viện chiều 12/5, ông Jean Castex, tác giả kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa toàn quốc, cảnh báo, Chính phủ đã chuẩn bị cho khả năng phải thiết lập lại phong tỏa. Ông nhấn mạnh, nếu các chỉ số xấu đi, Chính phủ sẽ không đợi đến ngày 2/6 - ngày bắt đầu giai đoạn 2 của kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa - mới phản ứng. Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa mới có thể chỉ áp dụng với các địa phương ghi nhận số lượng mắc bệnh cao bất thường.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, ít nhất 5.000 công dân Pháp đang mắc kẹt tại Morocco và 5.000 người khác tại Tunisia từ giữa tháng 3. Trong tháng 4, có 150 chuyến bay đặc biệt đưa 30.000 người Pháp từ Morocco về nước, cũng như 100 chuyến khác đã hồi hương được 17.000 người từ Tunisia. Cho đến nay, chưa một chuyến bay thương mại nào được lên kế hoạch, vì biên giới ngoài khu vực Schengen tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Hàng chục nghìn người Morocco và Tunisia hiện cũng đang bị mắc kẹt tại Pháp.
Cùng ngày, tập đoàn ADP quản lý các sân bay Paris đã thông báo tăng số tiền dành cho kế hoạch phục hồi lên 450 triệu Euro, thay vì 375 triệu như ước tính ban đầu. Tổng giám đốc ADP Augustin de Romanet cũng dự đoán, hoạt động của ngành hàng không chỉ đạt khoảng 50% mức bình thường vào mùa Thu tới.
* Ngày 12/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố ghi nhận thêm 1.402 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 221.216 trường hợp, trong đó có 30.911 trường hợp (tăng 172 ca trong 24 giờ) và số ca hồi phục là 109.039 (tăng 2.452 ca).
Cơ quan trên cũng cho biết, Italy hiện có 12.865 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó, tổng số ca phải điều trị tích cực là 952 ca, giảm 47 trường hợp
* Ngày 12/5, trong một bài viết đăng trên mạng xã hội, các nhà kinh tế học cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, châu Á và châu Âu đứng trước nguy cơ tái phát dịch Covid-19 nếu mở cửa trở lại nền kinh tế quá sớm và trước khi các biện pháp toàn diện được đưa ra nhằm nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các ca nhiễm mới.
Các tác giả bài viết cho hay, lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế đã gây ra những tác động đáng kể về kinh tế và tâm lý đối với người dân và có thể hiểu lý do các nước muốn nhanh chóng dỡ bỏ những biện pháp này. Tuy nhiên, hành động vội vã có thể đẩy những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vào tình thế bị đe dọa và phát sinh những hậu quả mới về kinh tế và con người.
Các nhân viên y tế đưa một phụ nữ về nhà sau khi cô vừa đi xét nghiệm Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 5/5. (Nguồn: AP) |
Giám đốc IMF khu vực châu Á-Thái Bình Dương Chang Yong Rhee Giám đốc IMF khu vực châu Âu Poul Thomsen cho rằng: "Trong khi vạch ra lộ trình dỡ bỏ những lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ này, các nền kinh tế châu Á và châu Âu cần triển khai một cách thận trọng và tránh vội vã làm quá nhiều việc mà đứng trước nguy cơ tái phát".
Một số ít nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế, song các nỗ lực đang được bổ sung bằng cách xét nghiệm hàng loạt, bao gồm cả việc kiểm tra ngẫu nhiên tại một số tỉnh chọn lọc ở Trung Quốc. Một số quốc gia châu Âu cũng đã thông báo kế hoạch dần mở cửa trở lại, trong khi một vài nước đã bắt đầu triển khai tiến trình này.
Theo IMF, trong chu kỳ dịch bệnh, châu Âu dường như mở cửa sớm hơn so với Trung Quốc, nơi bùng phát dịch vào cuối năm 2019, điều này khiến châu Âu đứng trước nguy cơ lớn hơn, do năng lực xét nghiệm quy mô lớn, truy dấu nguồn tiếp xúc cũng như công tác cách ly ở châu Âu có thể đứng sau những ví dụ điển hình tại châu Á.
Singapore là một ví dụ, nước này sớm đưa ra một nỗ lực ngăn chặn dịch nhanh chóng và quy củ, song mới đây đã một lần nữa phải thắt chặt các biện pháp do một đợt dịch mới. Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với đợt dịch thứ hai khi mọi hoạt động ở đây trở lại bình thường.
* Ngày 12/5, truyền thông Israel đưa tin, một công ty công nghệ sinh học Bonus Biogroup đã báo cáo thử nghiệm thành công thuốc để điều trị bệnh nhân Covid1-19 có tên MesenCure.
Báo cáo cho hay, công ty gần đây đã tiến hành các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, cho thấy phổi của chúng đã hoàn toàn khỏe mạnh sau khi được điều trị bằng thuốc này.
Công ty hiện đang chờ Chính phủ Israel chấp thuận để tiến hành thử nghiệm trên bệnh nhân mắc Covid-19. Loại thuốc mới này bao gồm thành phần từ các tế bào gốc lấy từ mô mỡ của người hiến tặng khỏe mạnh. Những tế bào này sẽ được truyền trực tiếp vào máu của bệnh nhân mắc Covid-19, qua đó sẽ giúp giảm viêm nhiễm và phục hồi các mô phổi.
Báo cáo cũng chỉ ra, loại thuốc này có thể làm giảm 47% chất lỏng tích tụ trong phổi của động vật.
* Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố gói kích thích trị giá 20 nghìn tỷ Rupi (khoảng 275 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế chống lại tác động của dịch Covid-19 và tình trạng phong tỏa toàn quốc kéo dài 50 ngày qua.
Phát triểu trên chương trình truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Modi cho biết, gói kinh tế trên tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhằm hướng tới phong trào tự lực của Ấn Độ thông qua việc nhấn mạnh vào đất đai, lao động và các yếu tố quan trọng khác. Gói kích thích này sẽ được dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, nông dân, người lao động và tầng lớp trung lưu.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Modi cho rằng phong trào tự lực của Ấn Độ dựa trên 5 trụ cột: Kinh tế, Cơ sở hạ tầng, Hệ thống, Nhân khẩu học và Nhu cầu. Ông Modi cũng cho biết khoản tiền trên bao gồm cả gói kích thích 2 tỷ USD mà Chính phủ Ấn Độ công bố hồi cuối tháng 3.
Tính đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 74.243 người nhiễm Covid-19 với 2.415 ca nhiễm.
* Ngày 12/5, Bộ Y tế Ai Cập thông báo phát hiện thêm 347 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.093 người. Bên cạnh đó, số bệnh nhân tử vong cũng tăng lên 544 người, sau khi có thêm 11 trường hợp tử vong trong ngày.
Người phát ngôn Bộ Y tế Ai Cập Khaled Megahed cho biết, đã có thêm 154 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số trường hợp khỏi bệnh lên 2.326 người.
Bất chấp các biện pháp để kiềm chế dịch Covid-19 mà Chính phủ Ai Cập đang triển khai, số ca nhiễm bệnh ở quốc gia Bắc Phi này vẫn tăng nhanh vượt mốc 10.000 người kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên hồi giữa tháng 2 vừa qua.
Cùng ngày, truyền thông Ai Cập đưa tin, Trợ lý Bộ trưởng Y tế phụ trách bảo hiểm y tế, bà Niven El-Nahas đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được đưa tới bệnh viện Abu Khalifa để cách ly.
* Ngày 12/5, Bộ Y tế Nam Phi thông báo ghi nhận tổng cộng 11.350 ca nhiễm SARS-CoV-2 sau khi phát hiện thêm 698 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây cũng là ngày có ca nhiễm cao nhất kể từ khi quốc gia này thông báo ca nhiễm đầu tiên hôm 5/3.
Theo Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize, tỉnh Western Cape, nơi có thành phố Cape Town mang tính biểu tượng của du lịch toàn cầu, hiện là ổ dịch lớn nhất tại Nam Phi với 6.105 ca mắc Covid-19, chiếm 53,8% tổng số ca trên cả nước. Đứng thứ hai là tỉnh Gauteng, nơi đặt thủ đô hành chính Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, với 2.014 ca nhiễm SARS-CoV-2, chiếm 17,7% tổng số ca.
Đến thời điểm hiện tại, Nam Phi ghi nhận 206 ca tử vong do Covid-19 và 4.357 bệnh nhân mắc đã khỏi.
Cũng trong ngày 12/5, Mỹ đã tặng Nam Phi 1.000 máy thở thế hệ mới nhất với tổng trị giá khoảng 500 triệu Rand (27 triệu USD).
Tính đến 6h ngày 13/5, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 27 bảo vệ được thành quả bước đầu trong chống dịch Covid-19 là không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca mắc Covid-19 vẫn là 288, trong đó có 252 ca đã được công bố khỏi bệnh. 36 ca bệnh còn lại đang được điều trị tại các cơ sở ý tế trên cả nước, trong đó chỉ còn 20 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, 16 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên. |