📞

Cập nhật 7h ngày 18/6: Ấn Độ chưa thoát khỏi 'vòng xoáy kỷ lục' Covid-19, virus ở Bắc Kinh có thực sự bắt nguồn từ cá hồi nhập khẩu?

Thế Việt 07:11 | 18/06/2020
TGVN. Toàn cầu ghi nhận 8.391.516 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây ra, trong đó có 450.436 ca tử vong và 4.378.962 người bình phục.
Biểu đồ tỷ lệ số ca nhiễm trên toàn cầu tính đến 7h ngày 18/6.

Mỹ vẫn là quốc gia có nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới. Ngày 17/6 ghi nhận ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới Covid-19 ở mức trên 25.000 ca sau vài ngày số ca nhiễm trong ngày giảm xuống dưới 21.000, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ 2, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang lan rộng.

Tính đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã lên tới 2.233.526, trong đó có 119.939 người tử vong, cao hơn số người thiệt mạng trong Thế chiến I.

Brazil chưa tìm được cách thoát khỏi 'hố đen' Covid-19 khi ghi nhận tới hơn 30.000 ca nhiễm mỗi ngày. Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 31.475 người mắc bệnh, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên 960.309, tiệm cận mốc 1 triệu ca. Trong số đó, 46.665 trường hợp đã tử vong, tăng 1.209 ca trong 24 giờ qua và là quốc gia có số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới.

Ấn Độ vẫn đang loay hoay trong 'vòng xoáy' của những kỷ lục Covid-19 khi trong ngày 17/6, ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục với 13.103 trường hợp, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 367.264. Trong số đó có 12.262 trường hợp tử vong và 194.438 người bình phục.

Tại Nga, theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Liên bang, tính đến sáng 17/6 ghi nhận thêm 7.843 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Nga lên 553.301 người (tăng 1,4%) tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang.

Như vậy, lần đầu tiên sau vài tháng qua, số bệnh nhân Covid-19 mới tại Nga tính theo ngày giảm xuống dưới 8.000 người, trong đó 31,8% không có biểu hiện lâm sàng.

Trong 24 giờ qua, Nga có thêm 194 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 7.478 người, đồng thời có thêm 10.036 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 304.342 người.

Thủ đô Moscow vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất, song số lượng đã giảm còn 1.065 ca nhiễm mới, thêm 48 trường hợp tử vong và 2.271 bệnh nhân bình phục.

* Tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trong 6 ngày qya, tổng số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến lên tới 137 ca. Theo nhà chức trách thành phố, SARS-CoV-2 được phát hiện trong những chiếc thớt mổ cá hồi nhập khẩu tại khu chợ thực phẩm ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc và cho rằng, cá hồi nhập khẩu có thể là nguồn gốc lây nhiễm trong đợt bùng phát này.

Tuy vậy, ngày 17/6, theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngư nghiệp và Hải sản Na Uy Odd Emil Ingebrigtsen cho biết, nước này Trung Quốc đã kết luận, nguồn lây nhiễm tại Bắc Kinh không xuất phát từ mặt hàng cá xuất khẩu của Na Uy. Bộ trưởng Ingebrigtsen nêu rõ, chính quyền hai nước đã xóa bỏ mọi nghi ngờ liên quan đến sản phẩm này và nối lại xuất khẩu cá hồi sang Trung Quốc.

Ngày 13/6, chợ Tân Phát Địa, ở thủ đô Bắc Kinh đã buộc phải đóng cửa tạm thời sau khi phát hiện SARS-CoV-2 trên thớt mổ cá hồi nhập khẩu. Kết quả kiểm tra hàng loạt ngay trong ngày đã cho thấy có ít nhất 46 ca mắc Covid-19 liên quan khu chợ này, nhưng không biểu hiện triệu chứng bệnh. Sau khi nhận được thông tin, nhiều siêu thị lập tức đưa sản phẩm này khỏi kệ hàng, trong khi chính quyền Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu cá hồi châu Âu.

Về phần mình, các nhà chế biến cá hồi châu Âu cho biết các đơn hàng từ Trung Quốc đã bị hủy vào cuối tuần qua, dù Cơ quan An toàn thực phẩm Na Uy khẳng định không có bằng chứng cho thấy loài có thể bị lây nhiễm virus.

Cùng ngày, Cục Thể dục thể thao thành phố Bắc Kinh đã ra thông cáo khẩn yêu cầu ngừng các sự kiện thể thao cũng như đóng cửa một số phòng tập gym, do thành phố đã nâng mức độ ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 từ mức II lên mức III.

Trung Quốc cũng đã đóng cửa trường học tại Bắc Kinh và hạn chế đi lại bằng hàng không từ thủ đô nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Tình hình diễn biến dịch làm dấy lên lo ngại rằng thủ đo của Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phong tỏa lần nữa.

* Ngày 17/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra khuyến cáo chỉ nên sử dụng thuốc dexamethasone để điều trị Covid-19 dưới sự giám sát chặt chẽ.

Theo người đứng đầu WHO, thuốc dexamethasone đã được chứng minh là không có tác dụng đối với những trường hợp mắc bệnh nhẹ, mà chỉ phù hợp chữa trị cho những bệnh nhân nặng. Hiện WHO đang phối hợp phân tích dữ liệu từ một số thử nghiệm lâm sàng để hiểu rõ hơn về hiệu quả của thuốc.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO Mike Ryan cho biết, không nên sử dụng thuốc dexamethasone như một biện pháp phòng ngừa. Theo ông, đây là một loại thuốc chống viêm rất mạnh, có thể dùng chữa trị cho các bệnh nhân thể nặng nhưng lại không thể dùng cho các bệnh nhân thể nhẹ cũng như điều trị dự phòng.

Bản thân thuốc dexamethasone không tiêu diệt virus, thậm chí có thể "tạo điều kiện cho sự phân chia và nhân lên của virus trong cơ thể người". Do vậy, các quốc gia nên áp dụng phương pháp đo lường khi sử dụng dexamethasone và hiện không phải là lúc để thay đổi thực hành lâm sàng.

Trước đó, hôm 16/6, một nhóm nghiên cứu do trường Đại học Oxford dẫn đầu đã công bố kết quả thử nghiệm dùng thuốc dexamethasone cho hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Kết quả ban đầu cho thấy loại thuốc này giúp làm giảm tới 35% tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nặng phải thở máy. WHO coi đây là một đột phá quan trọng.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tuyên bố, nước này sẽ lập tức đưa thuốc dexamethasone vào phác đồ điều trị bệnh Covid-19. Anh bắt đầu dự trữ dexamethasone từ tháng 3 vừa qua và hiện đang có sẵn 200.000 liều để sử dụng cho các bệnh nhân nặng.

* Ngày 17/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi công dân nước này tiếp tục thận trọng và tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, đồng thời cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 hiện ở mức thấp và ổn định.

Sau khi thảo luận với thủ hiến của 16 bang của Đức, Thủ tướng Merkel cho hay, tất cả các bên đã nhất trí gia hạn lệnh cấm đối với các sự kiện lớn, ít nhất cho tới cuối tháng 10 nhằm tránh một đợt dịch Covid-19 mới bùng phát.

Tính đến nay, Đức ghi nhận 190.179 người nhiễm Covid-19, trong đó có 8.927 trường hợp tử vong và 173.600 người đã bình phục.

Trong khi đó, cùng ngày, Viện nghiên cứu Paul-Ehrlich (PEI) cho biết, Công ty công nghệ sinh học CureVac của Đức đã được cấp phép tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng virus SARS-CoV-2. Đây là công ty thứ hai ở Đức, sau công ty công nghệ BioNTech, được cấp phép cho hoạt động nghiên cứu này.

Theo PEI, các cuộc thử nghiệm lâm sàng về vaccine phòng Covid-19 trên người là một "cột mốc quan trọng" trong tiến trình cho phép một loại vaccine an toàn và hiệu quả phòng căn bệnh nguy hiểm này tới người dân ở Đức nói riêng và nhiều quốc gia khác nói chung. PEI cũng cho biết, 168 tình nguyện viên khỏe mạnh đã đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm và 144 người trong số này sẽ được tiêm loại vaccine phòng SARS-CoV-2 do công ty CureVac điều chế.

CureVac là một trong nhiều công ty trên thế giới đang chạy đua phát triển vaccine phòng Covid-19. Hồi giữa tháng 5 vừa qua, công ty có trụ sở ở Tübingen đã công bố kết quả tiền lâm sàng tích cực về dự án bào chế vaccine của mình.

Trước đó, CureVac thông báo có thể sẽ sản xuất hàng loạt một loại vaccine chống SARS-CoV-2 nếu hoạt động thử nghiệm vaccine liều thấp của họ thành công. Lãnh đạo công ty CureVac hy vọng sẽ giới thiệu một loại vaccine thử nghiệm vào tháng 6 hoặc tháng 7. Sau đó họ sẽ xin phép các cơ quan quản lý để thử nghiệm trên con người.

Hôm 15/6, Bộ Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức thông báo, Chính phủ sẽ chi 300 triệu Euro (337 triệu USD) để mua 23% cổ phần của CureVac, trong bối cảnh một số nguồn tin cho thấy Mỹ đang để mắt tới công ty này cùng chương trình điều chế vaccine ngừa SARS-CoV-2.

Trước đó hồi tháng 4, công ty công nghệ BioNTech, có trụ sở ở thành phố Mainz của Đức, đã được Viện nghiên cứu PEI cấp phép tiến hành thử nghiệm vaccine phòng SARS-CoV-2 có tên gọi BNT162. Các thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ được thực hiện với khoảng 200 người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-55.

Trong trường hợp các thử nghiệm cho kết quả tích cực, sẽ có thêm nhiều đối tượng, kể cả nhóm bệnh nhân có nguy cơ, được tiếp tục thử nghiệm với một liều vaccine tối ưu từ 1-100 microgram ở giai đoạn 2.

Nghiên cứu trên của công ty BioNTech là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên tại Đức có liên quan tới vaccine phòng virus SARS-CoV-2. BioNTech đang xin cấp phép để thực hiện nghiên cứu lâm sàng ở Mỹ.

Hiện công ty này cũng đã hợp tác với công ty dược phẩm Trung Quốc Fosun để phát triển vaccine BNT162 tại Trung Quốc - nơi Fosun có nguyện vọng tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Tại Việt Nam, đã 63 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Số ca nhiễm được ghi nhận là 335, trong đó, 325 bệnh nhân đã được công bố khỏi bênh. Trong 10 bệnh nhân còn lại đang được chữa trị, có 4 bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 lần trở lên.

(tổng hợp)