📞

Cập nhật 7h ngày 25/4: 'Nhóm bí mật' đứng sau các quyết định chống Covid-19 gây tranh cãi của Anh, thêm một chiến hạm Mỹ thành ổ dịch

07:23 | 25/04/2020
TGVN. Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 7h ngày 25/4 theo giờ Việt Nam, trên thế giới đã có 2.826.847 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó, số ca tử vong đã lên tới 196.981 trường hợp.  
Tin nhắn cho những người thân yêu được gắn trên hàng rào bên ngoài một viện dưỡng lão trong thời gian cách ly để phòng chống dịch Covid-19 tại Ashbourne, Derbyshire, Anh. (Nguồn: Theguardian)

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 783.418 người và vẫn còn 58.527 bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch.

Nhóm Cố vấn Khoa học cho Các tình huống khẩn cấp (SAGE) được cho là có ảnh hưởng lớn tới các quyết định đối phó với dịch Covid-19 của Chính phủ Anh, nhưng hoạt động của họ luôn được tiến hành sau bức màn bí ẩn. Trước làn sóng chỉ trích cách xử lý dịch bệnh Covid-19, Chính phủ Anh cho biết họ làm theo "khoa học", nhưng không ai biết về những chuyên gia đứng sau họ, bởi danh sách thành viên của nhóm không được tiết lộ. Các cuộc họp đều diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Những khuyến cáo được giữ bí mật và biên bản cuộc họp nếu được công bố cũng rất muộn so với sự kiện.

Chính phủ Anh đã rất nhiều lần đề cập đến SAGE mà chưa từng cho biết họ đưa ra lời khuyên như thế nào, thậm chí những nhà khoa học đó là ai. Sự thiếu minh bạch đó làm dấy lên tranh cãi, trong lúc Chính phủ phải vật lộn giải thích lý do họ đợi đến tận tháng 3 mới áp dụng các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt mà những nước châu Âu khác đã tiến hành từ trước đó rất lâu. Giới phê bình đánh giá sự chậm trễ này khiến đại dịch ở Anh tồi tệ hơn, nhưng người dân vẫn không biết tại sao Chính phủ chọn phương án đầy rủi ro như vậy. Hàng loạt câu hỏi đang tiếp tục được đặt ra.

Trong khi đó, Anh vẫn phát hiện thêm 5.386 ca nhiễm Covid-19, tăng so với mức 4.583 một ngày trước đó, nâng tổng số lên 143.464. Nước này ghi nhận 19.506 ca tử vong, tăng 684 trường hợp. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.

Nước này đã sống dưới lệnh phong tỏa hơn một tháng, Chính phủ dự kiến xem xét lại lệnh phong tỏa vào ngày 7/5.

Trả lời Sky News, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua cho biết, sức khỏe Thủ tướng Boris Johnson "rất tốt và đang hồi phục", nhưng chưa rõ khi nào ông trở lại làm việc.

* Nước Đức ghi nhận 143.464 ca nhiễm và 5.760 ca tử vong, tăng lần lượt 1.870 và 185. Đức được đánh giá phản ứng nhanh với Covid-19 và bước đầu kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.

Chính phủ Đức nới dần các biện pháp phong tỏa, song yêu cầu người dân tiếp tục duy trì "cách biệt cộng đồng" đến 3/5 và gấp rút tăng cường khả năng đối phó với đợt bùng phát thứ hai.

Ngày 24/4, phát biểu tại Thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, Đức sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cho chiến dịch do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác phát động trong ngày để chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

* Tính đến tối 24/4, số ca tử vong vì Covid-19 tại Pháp đã lên tới 22.245 người (tăng 389 ca trong 24 giờ), bao gồm 13.852 (tăng 305) ở bệnh viện và 8.393 (tăng 84) ở nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội.

Hiện 28.658 người đang nằm viện (giảm 561 ca so với hôm trước), trong đó 4.870 người rơi vào tình trạng nghiêm trọng phải chăm sóc đặc biệt (giảm 183). Từ ngày 1/3 đến nay, tổng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xác nhận qua xét nghiệm là 122.577 người.

Hải quân Pháp cùng ngày cho biết 120 thủy thủ của tàu sân bay Charles-de-Gaulle đã được chữa khỏi bệnh Covid-19 và được phép ra viện hoặc rời khỏi nơi cách ly trong căn cứ. Trước đó, gần 2/3 thủy thủ đoàn, tức là 1.046 trên tổng số 1.760 binh sĩ, đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân và việc quản lý trên tàu gây ra sự lây nhiễm nghiêm trọng này, khiến Charles-de-Gaulle phải cắt ngắn lịch trình và trở về nước sớm hơn 10 ngày so với dự kiến.

* Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 24/4 công bố nước này ghi nhận thêm 3.021 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 192.994 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 25.969 trường hợp (tăng 420 ca) và số ca hồi phục là 60.498 ca (tăng 2.922 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italy hiện có 22.068 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm với 2.173 ca, giảm 94 trường hợp.

Cùng ngày, Liên đoàn Bác sĩ Italy (FNOMCEO) cho biết, 150 bác sĩ đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2, danh sách gồm các bác sĩ đang công tác và đã nghỉ hưu quay trở lại hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19. Trong khi đó, Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) cũng công bố số y bác sĩ, nhân viên y tế mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng, với 19.628 trường hợp trong độ tuổi từ 18-79

* Hải quân Mỹ ngày 24/4 cho biết, thêm một tàu chiến nữa của lực lượng này thông báo về việc xuất hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên tàu và chiến hạm này đang quay lại cảng.

Theo thông báo của Hải quân Mỹ, ít nhất 18 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu khu trục USS Kidd đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và dự kiến số ca nhiễm bệnh sẽ tăng. Lực lượng này đang đánh giá mức độ lây lan của ổ dịch trên tàu.

Tàu USS Kidd đang ở vùng biển Caribe để làm nhiệm vụ, trong đó có chiến dịch chống buôn bán ma túy. Hiện trên tàu có 350 thành viên thủy thủ đoàn. Đây là tàu thứ 2 của Hải quân Mỹ trong số 90 tàu đã được triển khai khắp thế giới, báo cáo về việc xuất hiện ổ dịch virus SARS-CoV-2 trong khi trường hợp đầu tiên là tàu USS Theodore Roosevelt.

Một thủy thủ có các triệu chứng mắc bệnh Covid-19 hôm 23/4 đã được máy bay đưa từ tàu USS Kidd tới một cơ sở y tế ở San Antonio. Tại đây, anh này đã có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngay sau đó, Hải quân đã triển khai một đội ngũ y tế chuyên biệt lên tàu USS Kidd để tiếp hành truy tìm nguồn lây bệnh và xét nghiệm bổ sung tại chỗ.

Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với 890.524 người nhiễm và 51.017 ca tử vong, tăng lần lượt 17.387 và 1.269. Tổng thống Trump tuyên bố giãn cách cộng đồng có thể kéo dài tới sau 1/5 nếu ông cảm thấy đất nước chưa an toàn.

* Ngày 24/4, Chính phủ Ecuador cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 11.183 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm đã được xác định lên 22.719 trường hợp.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Nội vụ Maria Paula Romo nhấn mạnh mặc dù số ca nhiễm mới được xác định tăng đột biến trong 24 giờ qua song con số này bao gồm các xét nghiệm đã được lấy mẫu từ trước nhưng bị chậm xử lý. Điều này không có nghĩa là trong những ngày vừa qua bùng phát những ổ dịch mới. Dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp song Bộ trưởng Romo cũng thông báo kể từ ngày 4/5 tới các hoạt động kinh tế xã hội sẽ quay trở lại bình thường, qua đó chấm dứt giai đoạn cách ly xã hội.

* Iran là vùng dịch lớn nhất châu Á với 88.194 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 93 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 11 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.574. Trong tuần này, Chính phủ cho phép trung tâm mua sắm, chợ và công viên mở cửa trở lại, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên thành phố, nhưng tiếp tục đóng cửa trường học và cấm các cuộc tụ họp văn hóa, tôn giáo và thể thao.

* Ấn Độ ghi nhận thêm 1.408 ca nhiễm và 59 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 24.447 và 780. Bộ Y tế Ấn Độ cho hay họ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.

Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 3/5.

* Tại châu Phi, báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Morocco cho biết, nước này đã ghi nhận 124 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên thành 3.962 người, trong đó có 155 ca tử vong. Nước này không ghi nhận thêm bất kỳ ca tử vong nào trong một ngày qua.

Trong khi đó, số ca được chữa khỏi cũng tăng thêm 22 người, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên thành 478 người. Hơn nữa, số trường hợp có kết quả âm tính sau các phân tích được thực hiện tại phòng thí nghiệm là 19.124 người. Hiện Maorocco là quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao thứ 3 tại châu Phi, chỉ sau Ai Cập và Nam Phi.

* Ngày 24/4, Ủy ban Giám sát khoa học về diễn biến của đại dịch Covid-19 Algeria cho biết, tính đến chiều 24/4 theo giờ địa phương, Algeria đã ghi nhận thêm 120 ca mắc Covid-19 và 8 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia này lên thành 3.127 người, trong đó có 415 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân được chữa khỏi là 1.408.

Hiện Algeria xếp thứ 4 ở châu Phi về số lượng người mắc Covid-19, nhưng lại là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục này, với tỷ lệ vẫn trên 13% (415 ca tử vong/3.127 người mắc bệnh). Và Algeria vẫn đang đặt trong tình trạng báo động cao nhất để ngăn chặn đại dịch, đồng thời để tránh lây nhiễm bệnh, chính quyền bắt buộc tất cả mọi người phải tôn trọng các quy định về phòng chống sự lây lan do chính quyền đưa ra, nhất là phải ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp.

(theo Reuters, NY Times, TTXVN)