Số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ tăng lên 108, thêm các nước Nam Mỹ ghi nhận ca đầu tiên nhiễm bệnh. (Nguồn: Texas health and Human Service) |
Như vậy, tính đến nay, tổng số ca nhiễm tại Mỹ là 108 người, bao gồm cả các công dân Mỹ hồi hương.
Theo CDC, trong 108 ca này, có 60 ca nhiễm trong lãnh thổ Mỹ, phân bố tại 12 bang, 48 ca còn lại gồm các công dân trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc và du thuyền Diamond Princess.
Trong một diễn biến liên quan, sáng 3/3, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã đóng cửa một văn phòng tại bang Washington do lo ngại một trong số các nhân viên của văn phòng này có thể đã bị lây nhiễm SARS-CoV-2.
Phát biểu tại một phiên điều trần ở Quốc hội, Quyền Bộ trưởng DHS Chad Wolf nhấn mạnh, nhân viên nói trên cảm thấy tình hình sức khỏe bất ổn sau khi thăm người họ hàng tại một cơ sở an dưỡng ở hạt King, bang Washington và trong khi chờ nhân viên này được chẩn đoán nhiễm virus hay không, văn phòng này sẽ đóng cửa trong 2 tuần.
Cho tới nay, bang Washington đã xác nhận 18 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Chính quyền bang và các cơ quan địa phương đang tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nghiêm túc cân nhắc việc đóng cửa biên giới phía Nam của Mỹ. Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng cho biết, chính quyền của ông có thể cấm việc đi lại từ Mỹ tới các khu vực có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao, song các quan chức không xem xét việc hạn chế đi lại trong nước.
* Argentina ghi nhận ca đầu tiên nhiễm Covid-19 là một người đàn ông 43 tuổi vừa trở về từ Italy và đã được cách ly sau khi tới khám tại một phòng khám sức khỏe.
* Bộ trưởng Y tế Chile Jaime Manalich thông báo, nước này đã phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2 tại thành phố miền Trung Talca. Bệnh nhân này là một người đàn ông 34 tuổi, vừa trở về sau chuyến đi dài tới Indonesia và một số nước Đông Nam Á khác.
Hiện cơ quan y tế Chile đã tiến hành khoanh vùng và theo dõi những người có tiếp xúc với bệnh nhân nói trên.
* Bộ Y tế, Dân số và Cải cách Bệnh viện Algeria cho biết, nước này vừa ghi nhận thêm 3 trường hợp nhiễm bệnh Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên thành 8 trường hợp.
Bộ này cho biết, những trường hợp mới đã được ghi nhận trong cùng một gia đình với các bệnh nhân trước đó được xác nhận tại Algeria, trừ ca nhiễm đầu tiên là một công dân quốc tịch Italy.
Cơ quan chức năng đang tiếp tục tiến hành kiểm tra dịch tễ để tìm kiếm và xác định tất cả những người đã tiếp xúc với người đàn ông quốc tịch Algeria và con gái ông, cả hai đều cư trú tại Pháp, đây là 2 người được cho đã lây nhiễm Sars-CoV-2 cho các bệnh nhân khác trong gia đình tại tỉnh Blida này.
* Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thông báo, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 3/3 là 2.263 trường hợp, tăng 428 người so với ngày 2/3.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli cho biết, số ca tử vong là 79 người và ghi nhận 160 trường hợp đã được điều trị thành công.
* Người đứng đầu cơ quan y tế vùng Valencia, Tây Ban Nha thông báo vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19 là một người đàn ông.
* Bộ Y tế Pháp thông báo, nước này ghi nhận ca tử vong thứ 4 vì bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Bộ này không cung cấp thông tin chi tiết về tuổi và quốc tịch của người này.
Tối 2/3, giới chức y tế Pháp đã xác nhận 191 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và đã có 3 bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Tính đến hết ngày 3/3, trên toàn nước Pháp đã ghi nhận 212 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 4 ca tử vong.
Tình hình dịch Covid-19 tại Pháp đã đạt đến "giai đoạn 2" từ cuối tháng 2 và sẽ tiếp tục lây lan trong những tuần tới khiến nước này khẩn trương chuẩn bị ứng phó cho "giai đoạn 3" - tức giai đoạn cuối cùng.
Pháp chia dịch Covid-19 thành 3 giai đoạn, gồm "giai đoạn 1" được tính từ khi virus SARS-CoV-2 lần đầu được phát hiện ở trong nước; "giai đoạn 2" là khi virus xuất hiện ở một số vùng và "giai đoạn 3" là khi dịch lây lan trên diện rộng.
Trong 2 giai đoạn đầu, chính quyền Pháp đã áp dụng nhiều biện pháp, từ điều trị cho những người nhiễm Covid-19 đến cảnh báo và phòng ngừa mức độ lây lan của dịch. Đặc biệt, chính quyền Pháp còn hạn chế hoặc cấm các sự kiện ngoài trời tập trung từ 5.000 người trở lên, cấm người người dân ở các vùng xuất hiện dịch tụ tập. Một khi dịch Covid-19 chuyển sang "giai đoạn 3", Chính phủ Pháp dự kiến sẽ áp dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Cụ thể, ở cấp độ y tế, các cơ sở y tế ở Pháp sẽ ngừng hoạt động giám sát cá nhân các trường hợp mà tập trung vào việc bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ cao, trong đó có nhóm người già trong viện dưỡng lão. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được quản lý theo mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp. Các trường hợp ít nghiêm trọng nhất sẽ được giữ ở nhà miễn là điều kiện của họ cho phép, để không làm quá tải các bệnh viện.
Ngoài các cơ sở y tế, ở "giai đoạn 3", Pháp chủ trương sẽ huy động lực lượng chuyên gia y tế tự do, dịch vụ chăm sóc và trợ giúp tại nhà. Trong mỗi cơ sở cấp cứu, ít nhất phải có một nhân viên y tế chuyên xử lý dịch bệnh.
Theo một số nguồn tin, nhiều biện pháp khác cũng được Chính phủ Pháp dự tính, song chưa được công khai. Tuy nhiên, Phủ Thủ tướng Pháp khẳng định "các giai đoạn giống hệt với kế hoạch đại dịch cúm" được Chính phủ nước này phát triển và phổ biến vào năm 2011 sau đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009.
Theo kế hoạch năm 2009, Chính phủ Pháp có thể quyết định "các biện pháp rào cản", chẳng hạn như đóng cửa các nhà trẻ và trường học trên toàn quốc, hạn chế việc đi lại không cần thiết, thậm chí tạm dừng hoạt động một số phương tiện giao thông công cộng, cũng như việc thiết lập cơ sở tiếp nhận những người nhiễm bệnh vô gia cư. Còn phía các doanh nghiệp cũng sẽ được yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo vệ như làm việc từ xa và hội nghị từ xa, cũng như hạn chế các cuộc họp và đi du lịch.
* Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 9 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 3/3. Theo đài phát thanh Thụy Điển, phần lớn các ca được xác nhận nhiễm Covid-19 tại Thụy Điển đều xuất phát từ Italy.
Tại Việt Nam, 16/16 trường hợp nhiễm Covid-19 đã được điều trị khỏi. Kể từ ngày 13/2 tới thời điểm hiện tại (4/3), Việt Nam không ghi nhận trường hợp nào mắc mới.