Bức tượng nổi tiếng Chúa Kitô Cứu Thế tại Rio de Janeiro, Brazil được thắp sáng với hình ảnh đeo khẩu trang và dòng chữ bằng tiếng Bồ Đào Nha "Khẩu trang cứu mạng". (Nguồn: AP) |
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới khi tổng số ca nhiễm bệnh lên tới 1.320.272 ca, tăng 27.649 ca so với hôm trước, trong đó có 78.532 ca tử vong và gần 17.000 người đang nguy kịch. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 229 người chết do Covid-19, nâng tổng số lên 26,299, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Italy. Số ca nhiễm tăng 3.262, lên 260.117. Anh là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 31.241 ca tử vong, tăng 626 so với hôm trước 211.364 người đã nhiễm dịch bệnh, tăng 4.649 ca.
Brazil nổi lên thành điểm nóng Covid-19 tiếp theo của thế giới, khi ghi nhận số ca nhiễm bệnh và tử vong trong ngày cao kỷ lục.
Từ vùng Amazon đến các khu đô thị đông đúc của Brazil, những hàng mộ mới đào nhanh chóng được lấp đầy bằng các bệnh nhân Covid-19 tử vong. Bộ Y tế nước này thông báo đã ghi nhận thêm 10.222 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong ngày 8/5 và 751 ca tử vong. Đây là số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục mà Brazil từng ghi nhận.
Sao Paulo hiện đang là “tâm chấn” của đại dịch tại Brazil với gần 42.000 ca dương tính và gần 3.500 trường hợp tử vong, tính đến ngày 7/5. Brazil hiện có tổng cộng 145.328 ca mắc Covid-19, trong đó có 9.897 ca tử vong. Hơn 20 quan chức chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã dương tính với SARS-CoV-2.
Hơn 11 triệu trong số 211 triệu dân Brazil đang sống trong những khu ổ chuột chật chội, là nơi mà giới chuyên gia lo ngại sẽ bị đại dịch tàn phá. Tuy nhiên, trong diễn biễn kinh hoàng này, Tổng thống Jair Bolsonaro vẫn phản đối việc đóng cửa các doanh nghiệp và đến tuần này, lệnh phong tỏa đầu tiên mới được ban bố ở Brazil. Tổng thống Bolsonaro nhiều lần chỉ trích truyền thông "đưa tin giả" về Covid-19, gọi đây chỉ là "một loại cúm nhỏ" và từ chối đeo khẩu trang tại những sự kiện công cộng. Những người phản đối Bolsonaro đã vươn ra ngoài cửa sổ của các căn hộ để gõ nồi niêu xoong chảo biểu tình. Chân dung ông đeo khẩu trang được vẽ lên một bức tường ở Rio với dòng chữ "kẻ hèn nhát".
* Trong một tin liên quan, ngày 8/5, Mỹ cáo buộc Trung Quốc và Nga đẩy mạnh hợp tác nhằm truyền bá những thông tin giả về đại dịch Covid-19, đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh đang ngày càng kế thừa nhiều kỹ xảo do Moscow cải tiến.
Phát biểu trước báo giới, Điều phối viên của Trung tâm Can dự Toàn cầu (GEC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Lea Gabrielle nói: "Ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Covid-19, chúng tôi đã nhận thấy một mức độ hợp tác nhất định giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực tuyên truyền". Bà Lea Gabrielle nhấn mạnh rằng "dịch bệnh Covid-19 khiến sự hợp tác này được thúc đẩy nhanh hơn".
Trước đó, GEC lưu ý rằng, hàng nghìn tài khoản trên mạng truyền thông xã hội có liên hệ với Nga đã lan truyền những luồng thông tin xấu độc về đại dịch Covid-19, trong đó có cả cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc là do Mỹ tạo ra.
* Trong khi đó, tại nhiều nơi trên thế giới đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu vật tư y tế cần thiết để xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Phát biểu với báo giới ngày 8/5, người đứng đầu Phòng thí nghiệm y tế của Liên hợp quốc (LHQ), ông Giovanni Cattoli, cho biết: "Một vài phòng thí nghiệm ở nhiều khu vực trên thế giới không có các thiết bị cần thiết. Họ không có các thuốc thử và quy trình cần thiết để chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2."
Ông Giovanni Cattoli cho biết, các loại thuốc thử hóa học để tiến hành xét nghiệm virus đang thiếu trầm trọng do nhu cầu gia tăng ở khắp nơi trên thế giới. Ngay cả phòng thí nghiệm của LHQ cũng đang phải gấp rút đặt mua thuốc thử và tìm kiếm những lựa chọn thay thế thuốc thử.
Phòng thí nghiệm của LHQ do Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp điều hành. Ông Cattoli cho biết, đến nay 119 quốc gia thành viên đã đề nghị IAEA tài trợ gói thiết bị thử nghiệm để cung cấp cho hơn 200 phòng thí nghiệm. Trong số đó, 18 phòng thí nghiệm đã nhận được nguồn cung ứng. Chi phí cho mỗi gói thiết bị thử nghiệm - hơn 100.000 Euro (108.000 USD) - do IAEA chi trả.
Những quốc gia nhận được thiết bị thử nghiệm là Bosnia - Herzegovina, Burkina Faso, Iran, Kenya, Latvia, Liban, Lesotho, Malaysia, Montenegro, Maroc, Nigeria, Bắc Macedonia, Peru, Philippines, Senegal, Sri Lanka, Thái Lan và Togo.
* Ngày 8/5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết khối ủng hộ việc tiếp tục hạn chế nhập cảnh trong 30 ngày nữa, tức đến giữa tháng 6, trong khuôn khổ áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, dù gây thiệt hại lớn cho thương mại và du lịch.
Pháp đã xác nhận thêm 1.288 ca nhiễm và 243 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 176.079 và 26.230.
Đức ghi nhận thêm 1.158 ca nhiễm, nâng tổng số lên 170.588, trong đó 7.510 người chết, tăng 118 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác.
* Nga xác nhận thêm 10.699 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 187.859. Số người chết tăng lên 1.723 sau khi ghi nhận 98 ca tử vong mới. Thủ đô Moscow, tâm dịch của nước Nga, ghi nhận thêm 51 ca tử vong, nâng tổng số người chết ở đây lên 951.
* Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.300 người nhiễm và 24 người chết do Covid-19, nâng tổng số của toàn khu vực lên lần lượt hơn 55.000 và 1.800. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 21.707 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 13.112 và 943. Philippines là vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.463 người nhiễm Covid-19 và 696 trường hợp tử vong.
* Ngày 8/5, Tổng thống Peru Martín Vizcarra Martin Vizcarra tuyên bố sẽ gia hạn lệnh cách ly xã hội nhằm chống dịch Covid-19 cho đến ngày 24/5, do các ca nhiễm bệnh tại nước này vẫn gia tăng trong thời gian qua.
Đây là lần thứ tư quốc gia Nam Mỹ kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai ở Mỹ Latin chỉ sau Brazil. Theo các dữ liệu chính thức ngày 7/5, Peru ghi nhận 58.526 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.627 trường hợp tử vong.
* Còn tại Paraguay, Tổng thống Mario Abdo đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 tại Brazil, đồng thời cho rằng, đây là "mối đe dọa lớn" đối với nước này. Trong thông báo, Tổng thống Mario Abdo cho biết đã điều động thêm nhân lực, kể cả huy động quân đội, đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên tuyến biên giới với Brazil.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni tuyên bố ông cũng lo ngại về khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 từ người Paraguay trở về từ Brazil, những người chủ yếu là trong độ tuổi thanh niên và không có triệu chứng bệnh rõ ràng. Ông Mazzoleni cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt các khu vực biên giới.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Paraguay, hơn một nửa trong số 563 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Paraguay là những người nhập cảnh từ Brazil. Hầu hết những người mắc Covid-19 ở Paraguay bị cách ly trong các nhà tạm trú do quân đội quản lý.
* Truyền thông nhà nước Ai Cập đưa tin, số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng mạnh khi ghi nhận thêm 495 ca nhiễm mới và 21 trường hợp tử vong bất chấp nhiều biện pháp ngăn chặn, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập lên 8.476 trường hợp và 503 ca tử vong. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 58 người khỏi bệnh và được ra viện, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 bình phục lên 1.945 người.
Theo người phát ngôn nội các Nader Saad, Ai Cập sẽ phải cùng chung sống với Covid-19 bắt đầu từ tháng 6 tới khi quốc gia Bắc Phi tiếp tục hướng tới những nỗ lực nhằm mở cửa nền kinh tế sau tháng lễ Ramadan. Chính phủ Ai Cập đang hy vọng có thể “bắt đầu một giai đoạn mới” vào ngày 1/6, đồng thời sẽ xem xét và đánh giá các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch bệnh này trước kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr, bắt đầu vào ngày 23/5 tới.