Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do Covid-19 vẫn là Mỹ với 296.698 ca tử vong trong tổng số 15.820.042 ca nhiễm. Nguy hiểm hơn, dịch bệnh tại Mỹ chưa có dấu hiệu suy giảm với hơn 200.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong khi số người thiệt mạng đang tăng lên từng ngày.
Riêng trong 24 giờ qua, Mỹ đã lập kỷ lục về số người không qua khỏi do Covid-19, với 3.243 trường hợp tử vong mới.
Ấn Độ với 141.735 ca tử vong trong số 9.762.326 ca bệnh, xếp thứ 2 thế giới về số người mắc bệnh, trong kh Brazil đứng thứ 3 với 179.032 ca tử vong trong số 6.730.118 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 151 người tử vong. Tiếp đến là Peru (với 110 người) và Italy (101 người).
Xét theo khu vực, theo số liệu của AFP, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 20,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 456.400 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribbean, với hơn 462.300 ca tử vong trong hơn 13,6 triệu ca nhiễm.
Bắc Mỹ có hơn 299.100 ca tử vong trong hơn 15,59 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 201.800 ca tử vong trong hơn 12,85 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 82.400 ca tử vong, châu Phi có hơn 54.500 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 942 người.
* Tại châu Âu, Cộng hòa Czech đã quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 23/12. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 5.848 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày 8/12, mức cao nhất trong vòng 2 tuần qua.
Hiện Czech có hơn 58.000 người mắc Covid-19, trong đó 4.324 bệnh nhân đang phải điều trị tại bệnh viện và 9.136 người đã tử vong. Chỉ số của hệ thống chống dịch bệnh PES tại Czech hiện đang là 64, tương ứng với tình trạng báo động cấp 4, tuy nhiên trạng thái chống dịch bệnh cấp 3 vẫn được duy trì để các cửa hàng và dịch vụ vẫn có thể hoạt động cho tới 8h tối hàng ngày.
* Ngày 9/12, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) cảnh báo, người dân tại khu vực Mỹ Latinh sẽ mất nhiều tháng để có thể nhận được các loại vaccine ngừa bệnh Covid-19, cùng với đó nguồn vaccine có thể sẽ không được cung cấp đầy đủ cho đến giai đoạn sau năm 2021.
Theo Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa, các nước trong khu vực không nên nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời cần khuyến cáo người dân tiếp tục sử dụng khẩu trang và thường xuyên rửa tay đúng cách.
Ngoài ra, chính phủ các quốc gia Mỹ Latinh cũng nên xây dựng kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, trong đó ưu tiên tập trung tiêm chủng trước cho nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi.
Trong khi đó, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết, tổ chức y tế này đang thực hiện các bước đảm bảo hệ thống hậu cần và chuỗi kho lạnh cần thiết, như một phần trong nỗ lực hỗ trợ các quốc gia trong khu vực có thể sẵn sàng triển khai chương trình tiêm chủng đại trà các loại vaccine một khi chúng có sẵn.
Tại khu vực Mỹ Latin, Mexico đang đối mặt với đợt bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở bang phía Bắc Baja California. Trong khi đó, Brazil gần đây ghi nhận sự gia tăng các ca lây nhiễm và tử vong, khiến hệ thống y tế đang phải hoạt động hết công suất.
* Ở châu Phi, ngày 9/12, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize đánh giá, nước này đã chính thức bước vào làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới liên tục tăng cao trong thời gian gần đây.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến cùng ngày về các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19, Bộ trưởng Mkhize cho biết, trong 24 giờ qua, Nam Phi ghi nhận 6.079 ca nhiễm, trong đó có 135 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 828.598 người, trong đó có 22.547 ca tử vong.
Đây là mức tăng cao nhất trong hai tuần trở lại đây, khi số ca nhiễm Covid-19 mới tại Nam Phi liên tục vượt mức 2.000-3.000 ca/ngày.
Theo Bộ trưởng Mkhize, sự gia tăng trở lại của những ca nhiễm mới không chỉ tập trung tại tỉnh Western Cape và Eastern Cape, hai ổ dịch lớn nhất Nam Phi, mà đã lan rộng tới nhiều địa phương khác, đặc biệt tại tỉnh Kwa Zulu Natal và Gauteng, nơi tập trung nhiều trung tâm hành chính và kinh tế.
Nghiêm trọng hơn, ông Mkhize cho biết, tỷ lệ ca dương tính phát hiện trên số người xét nghiệm đã tăng từ 10% lên 18% trong thời gian gần đây, bằng chứng cho thấy tốc độ lây lan virus SARS-CoV-2 đang gia tăng rất mạnh và đây cũng được xem là dấu hiệu khiến làn sóng dịch thứ hai có thể sẽ diễn ra tồi tệ hơn so với làn sóng dịch thứ nhất.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, một nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện Lâm sàng Thành phố Pyatigorsk, thuộc tỉnh Stavropol của Nga đã phát triển một loại thuốc có thể ngăn chặn hoạt động của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Theo văn phòng thông tin Sở Y tế Stavropol, loại thuốc trên đã được thử nghiệm về độc tính và hoạt tính kháng virus tại Viện Gamaleya, nơi sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Bản chất của thuốc dựa trên đặc tính ngăn chặn RNA của virus, mà các chuyên gia gọi là “liệu pháp antisense”.
Các phương pháp điều trị tương tự đã được sử dụng trong đợt bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 cũng do virus corona gây ra. Khi đó, thuốc gây hại đáng kể cho cơ thể do độc tính của chúng. Tuy vậy, các bác sĩ của Bệnh viện Lâm sàng Thành phố Pyatigorsk hiện có thể giảm chỉ số độc tính xuống vài lần, ngoài ra, họ còn cải thiện được cơ chế phân phối thuốc tới các mô đích.
Tại Mỹ, chính phủ liên bang có kế hoạch bắt đầu phân phối vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất là vào cuối tuần này nếu loại vaccine của Tập đoàn dược phẩm Pfizer và Công ty BioNTech (Đức) nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Các quan chức liên bang hiện cũng đang tập hợp một kho dự trữ 500 nghìn liều vaccine để đảm bảo có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp.
Trong khi đó, ngày 9/12, Bộ Y tế Canada đã phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer và BioNTech SE.
Đây là loại vaccine đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Canada và hiện nước này đang triển khai một cơ chế mới tạm thời, cho phép đẩy nhanh tiến trình phê duyệt.
Ngày 9/12, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, nước này sẽ sẵn sàng sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho các thành viên của nhóm Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam vào giữa năm 2021.